Ngay cả những hoa hậu, người mẫu nổi tiếng cũng có những điểm không hài lòng về gương mặt hoặc cơ thể của mình. Vì thế phụ nữ nói chung luôn tìm mọi cách để bản thân xinh đẹp bằng các chế độ ăn, chăm sóc da, tập G.Y.M và phẫu thuật thẩm mỹ.
Nhưng không phải ai cũng thành công khi can thiệp dao kéo.
Đó là lý do chúng ta nhìn thấy những người đẹp đồng thời cũng thấy không ít trường hợp gương mặt biến dạng, xấu xí.
Gần đây, clip về tiêm filler khiến gương mặt bị biến dạng lan truyền trên mạng đã khiến nhiều chị em lo lắng. Mặc dù đây được coi là một thủ thuật tương đối đơn giản (so với những hình thức phẫu thuật thẩm mỹ khác như độn mông, nâng mũi, nâng ngực,…), nhưng an toàn không có nghĩa không có hệ lụy.
Vì thế, chị em cần biết trước những điều này khi quyết định tiêm filler nhé.
1.Bản chất của filler
Filler, hay còn gọi là “chất làm đầy”, được phát minh ra sau silicone lỏng. Thành phần của chất này bao gồm Hyaluronic Axit là một axit cũng có trong cơ thể. Mục đích khi tiêm chất làm đầy là làm đầy vùng hõm, nhăn của gương mặt và cơ thể. Ngoài ra chất làm đầy còn được dùng để tạo hình vùng mũi, cằm để mũi cao hơn, cằm nhọn hơn và đầy đặn hơn mà không cần dùng đến dao kéo, phẫu thuật.
Phương pháp này được đánh giá là an toàn, hầu như không đau và không bị dị ứng. Bệnh nhân tiêm filler thậm chí còn không cần kiểm tra dị ứng, không cần gây tê trước khi làm thủ thuật.
2.Những loại chất nào của filler được phép lưu hành?
Tại Việt Nam, có 3 loại chất làm đầy là Restylane, Juvederm và Radiess được Bộ Y tế cho phép nhập khẩu và cấp phép lưu hành. Tuy nhiên, cũng có những loại trôi nổi. Trong clip gần đây về chị Hồng Trang tiêm filler gây biến chứng, người xem có thể thấy rằng bệnh viện Bella đã không đưa ra được tên loại filler mà họ sử dụng.
Nếu chất làm đầy không phải là chất được cấp phép, không ai có thể đảm bảo khi tiêm vào người sẽ không bị biến chứng. Trong trường hợp xảy ra vấn đề gì, khách hàng (lúc này đã trở thành bệnh nhân) tìm đến các bệnh viện lớn để xử lý nhưng bác sĩ chuyên môn không biết chất đã được tiêm vào người là chất gì để khắc phục hậu quả thì vô cùng tệ.
Trong trường hợp xấu, bệnh nhân có thể bị hoại tử (các tế bào da thịt bị chết và phải thay thế).
3. Hãy tìm đến bác sĩ có đủ chuyên môn
Mới vài ngày trước, vào cuối tháng 4/2018, một phụ nữ trẻ ở Nga phải cầu cứu đến sự giúp đỡ của các bác sĩ sau khi tiêm filler giá rẻ vào mặt bởi một người bạn không có giấy phép hành nghề.
Cô Elizaveta Tkachenko, 30 tuổi, đến từ thành phố Stavropol, Nga quyết định trùng tu nhan sắc bằng cách tiêm filler vào mặt để giúp làn da căng bóng, tươi trẻ, nhưng thay vì tìm đến bác sĩ có đủ chuyên môn thì cô tự mua filler và mang đến nhà bạn gái (một kế toán, không có trình độ y học) và hai cô gái tự xoay xở với nhau.
Kết quả là chỉ vài ngày sau, mặt cô gái sưng phồng lên và đôi môi thì như sắp nổ tung. Cô gái phải nhập viện để bác sĩ can thiệp. Theo ảnh chụp, gương mặt cô có biến chuyển theo chiều hướng tốt. Nhiều người đã phải trả giá đắt hơn nhiều, thậm chí phải trùng tu lại toàn bộ gương mặt chỉ vì một lần “tiết kiệm”.
Ngay cả những cô nàng nổi tiếng (và không thiếu tiền) như Minh Hằng, Kỳ Duyên,… sau khi phẫu thuật thẩm mỹ, gương mặt họ không tệ nhưng đã mất đi vẻ đẹp tự nhiên ban đầu mà thay vào đó là biểu cảm cứng đơ, nụ cười gượng gạo.
4 - Hãy chuẩn bị đủ tiền.
Tiêm filler hiện nay được báo giá khoảng 13-15 triệu, có một số địa chỉ báo giá khoảng 3-5 triệu. Nếu đã quyết định can thiệp thẩm mỹ, các chị em nên tìm đến những điểm làm đẹp uy tín với giá phù hợp, không nên tiết kiệm mà lựa chọn những nơi rẻ tiền, chất lượng không đảm bảo.
Đừng quên rằng nguy cơ có biến chứng luôn tồn tại, dù chỉ một phần nhỏ, vì thế hãy chuẩn bị một số tiền (và tâm lý) nếu có vấn đề xảy ra nhé.