Sắc màu Cuộc Sống

Tình yêu chính là góp nhặt từ những điều thực tế đến như thế đấy

Đan Thanh
Chia sẻ

Tình yêu có thể mang cả hai đến với nhau, nhưng để duy trì được nó còn rất nhiều yếu tố khác. Đến một lúc nào đó tình yêu không còn mãnh liệt như lúc mới quen, vậy thì sự hòa hợp trong tính cách và suy nghĩ chính là cầu nối để hai người có thể bên nhau đến cuối đời.

Trong tình yêu, không phải cứ hai người yêu nhau càng nhiều thì sẽ ở bên nhau mãi mãi. Điều tuyệt đẹp và lý tưởng ấy chỉ có trong những câu chuyện ngôn tình mà bạn đọc trong những quyển tiểu thuyết vương đầy mùi tưởng tượng mà thôi. Thậm chí, trong những câu chuyện ngôn tình đó của mình, bản thân tác giả cũng chỉ dám dừng lại ở việc cho cả hai một cái kết bên nhau viên mãn, giàu có sung túc, chứ ít khi đề cập đến những điều nhỏ nhặt sẽ xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Bởi vì, chính tác giả cũng biết rằng, tình yêu một khi gộp chung với hóa đơn điện nước, với con cái bỉm sữa, sẽ trở thành một mớ hỗn độn vô cùng.

Tình yêu có thể mang cả hai đến với nhau, nhưng để duy trì được nó còn rất nhiều yếu tố khác. Đến một lúc nào đó tình yêu không còn mãnh liệt như lúc mới quen, vậy thì sự hòa hợp trong tính cách và suy nghĩ chính là cầu nối để hai người thông cảm, thấu hiểu, và để có thể bên nhau đến cuối đời. Vậy theo bạn, chất xúc tác cho tình yêu có thể duy trì được là gì?

Đó là khi hoàn cảnh lẫn gia cảnh của cả hai có nhiều điểm tương đồng

Có người nói rằng, yêu nhau thì cần gì nghĩ đến hoàn cảnh của đối phương, chỉ cần yêu thôi thì mọi điều xung quanh người ấy bạn cũng sẽ dễ dàng và thoải mái chấp nhận. Dĩ nhiên lời nói ấy không sai, tình yêu mà, bạn càng yêu nhiều bao nhiêu, bạn sẽ càng sẵn sàng hy sinh và đón nhận nhau nhiều bấy nhiêu. Nhưng trộm nghĩ, điều gì cũng có giới hạn của riêng nó, đến một mức độ nhất định thì giọt nước cũng tràn ly, và tình yêu trong trường hợp này cũng không ngoại lệ.

Sẽ không một ai đủ sức mang một “trái tim nóng” để sống hết quãng đời còn lại với người mình yêu, mà đôi khi bạn phải dùng “cái đầu lạnh” để giải quyết những vấn đề xảy ra xung quanh cuộc sống thường nhật. Gia thế của hai gia đình giống nhau, thì sẽ hình thành nếp sống lẫn suy nghĩ của cả hai bạn gần giống nhau, nhìn nhận một vấn đề sẽ có nhiều điểm chung, từ đó hạn chế những mâu thuẫn, chênh lệch và cãi vã. Nhưng khi gia đình hai bên đã có sự khập khiễng, không chỉ vì gia thế mà còn vì hoàn cảnh sống, thì sẽ dẫn đến lối suy nghĩ của các bạn khác nhau, cách giải quyết vấn đề sẽ không có điểm chung trong cách suy nghĩ của hai đứa. Hai người xa nhau, không phải do đối phương không còn yêu bạn nữa, chỉ là do khoảng cách suy nghĩ qua lớn, mà cho dù bạn làm cách nào cũng không vượt qua được.

Sự bình đẳng trong mối quan hệ chung

Chúng ta nghĩ rằng tất cả mọi người đều đã bình đẳng khi yêu nhau trong xã hội hiện đại này, nhưng trên thực tế thì không phải. Đâu dễ gì có chuyện cả hai có thể cùng nhau vui vẻ đưa ra cùng một quyết định như nhau trong mọi tình huống. Một trong hai người sẽ nhường cho đối phương là người ra quyết định trong việc này hoặc việc kia. Đơn giản chúng ta nghĩ rằng, ai quyết định mà chẳng được, miễn sao là hợp lý cho cả đôi bên. Điều đó đúng, nhưng nó lại dẫn tới những hệ lụy phía sau khi hai bạn bắt đầu đi dần vào mối quan hệ lâu dài. Rồi cũng sẽ có lúc người ra quyết định sẽ quen với việc làm chủ mối quan hệ của các bạn mà luôn tự ý ra quyết định của mình, còn bạn sẽ luôn bị phụ thuộc hoặc là bực bội hay khó chịu về hành động của người ấy. Nếu không, cũng sẽ dễ xảy ra trường hợp một người vì cứ phải tự mình đưa ra quyết định mãi mà cảm thấy chán nản vì áp lực, nặng nề khi phải nghĩ nhiều trong khi đối phương thì ung dung tự tại. Trong tình yêu, điều quan trọng là bạn phải biết cách cương nhu tùy lúc, quyết định và chấp nhận tùy trường hợp, tránh việc khiến cả hai mệt mỏi. 

Khi quan điểm sống nghịch nhau

Thật ra trong tình yêu, bạn yêu thôi chưa đủ. Chẳng có ai sinh ra là đã dành cho nhau, là mảnh ghép hoàn hảo còn lại của người kia. Có đến được với nhau không còn phụ thuộc vào việc bạn có chấp nhận và đồng ý bước vào thế giới của đối phương hay không nữa. Trong thế giới tình cảm mà bạn bước vào, ở đó không chỉ có nguyên tắc sống của bạn mà còn có cả quan điểm sống của đối phương. Các bạn sinh ra ở hoàn cảnh khác nhau, môi trường sống khác nhau, nên sẽ tạo ra những tính cách và suy nghĩ khác nhau. Bạn nghĩ tình yêu không tồn tại dấu vết của sự chịu đựng? Nhưng thật ra khi bắt đầu yêu, bạn đã phải bắt buộc chịu đựng lẫn nhau rồi. Nếu bạn chưa sẵn sàng để nâng cao giới hạn chịu đựng của mình, thì tình yêu vẫn là chưa có chỗ nào dành cho bạn.

Nhạy cảm trong chi tiêu

Tiền bạc sẽ không thành vấn đề cho đến khi nó trở thành vật sử dụng chung của cả hai. Bạn sẽ luôn đặt câu hỏi là “Tiền đâu hết rồi?”, “Không nhớ là dùng tiền mua cái gì?”. Quỹ chung của hai người lúc nào cũng thiếu thốn, thậm chí là đến mức con số “âm”. Người ta thường nói, bạn có thể sử dụng chung bất cứ điều gì của nhau, nhưng trừ bàn người yêu, bàn chải đánh răng, và tiền bạc. Trong quan hệ yêu đương cũng vậy, nếu như bạn không rõ ràng ngay từ ban đầu, thì khi yêu nhau, tiền bạc rất dễ trở thành vấn đề nhạy cảm khi nhắc tới.Một người tiết kiệm từng đồng không thể nào chấp nhận được một người tiêu xài hoang phí không biết ngày mai, một người rộng rãi khoáng đạt thích chia sẻ cũng không thể nào ở cạnh một người ki bo bủn xỉn. Tiền bạc có thể không phải là lý do để bắt đầu một mối quan hệ, nhưng nó có thể lại là lý do khiến các bạn phải chia tay.

Sở thích cá nhân

Lúc mới yêu, chỉ cần người ấy thích cái gì, bạn đều sẵn lòng tìm hiểu và học thích điều đó giống đối phương. Bạn sẽ làm mọi cách để duy trì tình cảm mới bắt đầu của cả hai. Bạn sẽ đồng ý xem những bộ phim mà bạn cho là nhàm chán, đi những nơi mà bạn nghĩ không phù hợp với tính cách của bạn, hay nằm ườn ở nhà với người yêu, làm những việc mà trước đây bạn vô cùng ghét nhưng vì người ấy, bạn vẫn sẵn lòng làm. Vậy nhưng tất cả những điều đó chỉ bắt đầu lúc mới yêu, khi tiến vào giai đoạn lâu dài, sở thích cũng trở thành rào cản khi yêu nhau, bạn không thể duy trì tình yêu lâu năm bằng cách giả vờ thích cho giống đối phương được. Bạn sẽ phải sống thật với bản thân mình hơn, và một khi cả hai bộc lộ những sở thích khác nhau, nó trở thành vấn đề khiến các bạn phải tranh cãi. Mọi sự không hợp của cớ lý do chia tay sau này, đều bắt nguồn từ việc ban đầu bạn đã tự gồng mình phải thích những gì người kia thích để rồi cuối cùng mệt mỏi. 

Tình yêu thực tế lắm, không phải bạn yêu nhiều bao nhiêu thì bạn cũng chịu được bấy nhiêu, sức chịu đựng của con người là có giới hạn. Khi giới hạn đã cực, thì tình yêu cũng biến mất. Tình yêu có bền lâu, có kéo dài được mãi hay không, còn phụ thuộc vào việc bạn có chấp nhận được những điều sẽ xảy ra thường xuyên trong thực tế, và có vì nhau mà học cách nhường nhịn và hy sinh hay không.

Chia sẻ

Bài viết

Đan Thanh

Tin mới nhất