Những năm gần đây, ẩm thực đã trở thành một trong những tiêu chí hàng đầu được nhiều YouTuber lựa chọn để thu hút người xem.
Bên cạnh các video được thực hiện theo phong cách nấu nướng “siêu to khổng lồ”, những video được quay theo kiểu Mukbang (vừa ăn vừa ghi hình) cũng rất được lòng người xem.
Chỉ với các video ăn uống "xì xụp", nhiều người đã trở nên nổi tiếng và kiếm được thu nhập không phải dạng vừa. Đặc biệt là tại Hàn Quốc, nơi khởi nguồn của trào lưu Mukbang, thu nhập hấp dẫn từ công việc này đã thu hút nhiều người trẻ xứ Kim Chi chọn đây làm công việc chính.
Thông qua chiêu thức ASMR Marketing đầy mới mẻ kích thích, đánh vào tâm lý mua hàng của người tiêu dùng, không ít cửa hàng đã ăn nên làm ra. Trong khi đó, những Mukbang YouTuber cũng giành được sự ưu ái nhất định từ các nhà hàng, thương hiệu thực phẩm.
Tuy nhiên, trước sự ồ ạt của những YouTuber, nhiều nhà hàng tại Hàn Quốc đã bắt đầu cấm các YouTuber hành nghề, với những biển thông báo "Cấm cửa" không thể nào thẳng thắn hơn. Vậy nhưng, điều gì đã khiến nhiều nhà hàng tại Hàn Quốc đồng loạt treo biển cấm cửa các Mukbang YouTuber?
Mukbang YouTuber Hàn Quốc bị các nhà hàng đồng loạt tẩy chay, vì đâu nên nỗi?
Lý do đầu tiên phải kể đến là ảnh hưởng đến các thực khách khác. Theo đó, không phải ai cũng thích việc mình vô tình lọt vào ống kính của các YouTuber, nhất là những khoảnh khắc cần được riêng tư như ăn uống.
Thế nên, sự xuất hiện của các Mukbang YouTuber cùng chiếc máy quay của mình tại các hàng quán, đã ít nhiều gây ảnh hưởng đến sự riêng tư và trải nghiệm ăn uống cá nhân của các thực khách khác.
Và với trách nhiệm là người làm dịch vụ, chủ nhân của những hàng quán này đành phải tuyên bố cấm các YouTuber hành nghề để không gây ảnh hưởng đến những vị khách khác.
Bên cạnh đó, nhiều chủ nhà hàng cho biết họ cũng rất khó chịu vì không phải các Mukbang YouTuber này chỉ đến "tay không", họ còn mang theo hàng loạt dụng cụ hỗ trợ ghi hình như máy quay, đèn chiếu sáng,... Những thứ này không những chiếm không gian của quán mà đôi lúc còn gây đổ bể đồ đạc tại nhà hàng.
Đó là chưa kể, chủ hàng quán cũng không hoan nghênh việc một ai đó đến ngồi quá lâu chỉ để quay hình rồi phát tán trên mạng.
Ngoài ra, còn có những trường hợp YouTuber được trả tiền để cạnh tranh không lành mạnh.
Như chúng ta đã biết, tầm ảnh hưởng của các YouTuber (top đầu) là rất lớn. Việc một cửa hàng vắng khách qua lại, bỗng chốc nườm nượp khách ghé qua nhờ vào video review trải nghiệm ăn uống của YouTuber nào đó đã không còn xa lạ.
Tuy nhiên, cũng bắt đầu từ đây, một số cửa hàng đã sử dụng các chiêu thức không lành mạnh để cạnh tranh với đối thủ, và sử dụng YouTuber như một con át chủ bài. Để đề phòng trường hợp bị chơi xấu, một số nhà hàng đã quyết cấm luôn các YouTuber đến quay video.
Với những lý do trên, nhiều nhà hàng tại xứ Kim Chi đã quyết định cấm các YouTuber hành nghề trong nhà hàng của họ với biển cấm là “No Tuber Zones” (tạm dịch: Khu vực cấm các YouTuber).