Vào hôm 7/10/2020, Nguyễn Văn Hưng (hay còn được biết là Hưng Vlog, con trai Bà Tân Vlog) đã bị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng.
Lý do xuất phát từ đoạn video "Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi và cái kết" của Hưng đăng tải trên kênh YouTube Hưng Troll có nội dung cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong, mỹ tục.
Sau lùm xùm liên quan đến vụ việc này, kênh YouTube Hưng Troll đã nhanh chóng 'bốc hơi' khỏi YouTube. Khi truy cập vào đường link này chỉ nhận được thông báo "Kênh này không khả dụng".
Trong một chia sẻ với Tiin, Hưng Vlog thừa nhận rằng kênh này của mình đã bị YouTube xoá, các clip không thể kiếm tiền được nữa.
Xuất hiện kênh YouTube Hưng Troll mới
Mới đây, nhiều cư dân mạng đã phát hiện ra có một kênh Hưng Troll khác xuất hiện, đúng ngay thời điểm Hưng Vlog bị xử phạt và kênh Hưng Troll cũ biến mất. Kênh này cũng đăng tải lại các clip của Hưng trong kênh cũ trước đây.
Một số người đặt ra nghi vấn, con trai bà Tân Vlog đã tiếp tục lập kênh khác sau khi bị YouTube xoá tài khoản.
Tuy nhiên, theo những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực làm YouTube, đây thực chất chỉ là một kênh YouTube ăn theo các nhân vật, sự kiện được dư luận quan tâm với mục đích câu tương tác.
Theo thông tin giới thiệu từ YouTube, kênh 'Hưng Troll' này thực chất đã được lập từ ngày 25 tháng 7 năm 2020. Mãi đến thời gian gần đây, khi con trai bà Tân vướng vào những lùm xùm được dư luận quan tâm, kênh này đã đổi tên thành 'Hưng Troll' và đăng tải lại các video trước đó từ kênh.
Trong đó những video được đăng tải lại có đoạn video làm lồng đèn từ ống hút nhựa của còn trai bà Tân từng gây nhiều phản ứng trái chiều, cũng như một số video khác bị dân mạng đánh giá là vô bổ.
Đáng chú ý, loạt video được đăng tải lại này thu hút lượt quan tâm lớn từ người xem, từ vài trăm cho đến hơn 26.000 lượt người xem trên YouTube.
Kiếm tiền dễ dàng từ việc đăng tải lại các nội dung gây tranh cãi
Theo những nhà sáng tạo nội dung trên YouTube, việc thu hút hơn 26.000 lượt xem trong thời gian rất ngắn của những kênh YouTube kiểu này, là một con số đáng mơ ước của những người làm nội dung sạch.
Bởi chỉ cần 1.000 lượt xem, những kênh YouTube 'ăn theo' này đã có thể kiếm được tiền từ YouTube, trong trường hợp kênh đã được bật kiếm tiền.
Trong trường hợp chưa được bất kiếm tiền, những kênh sống bằng việc đăng tải lại nội dung này cũng có thể nhanh chóng đạt đủ điều kiện được bật kiếm tiền khi đạt 1.000 lượt theo dõi và 4.000 giờ xem, nhờ re-up lại những video gây tranh cãi nhằm thu hút lượt xem.
Bên cạnh đó, những kênh re-up “ăn theo” các sự kiện được dư luận quan tâm dạng này cũng có thể kiếm tiền bằng cách bán lại tài khoản.
Theo đó, khi đạt đến ngưỡng từ vài chục đến vài trăm ngàn người đăng ký, các chủ kênh sẽ thực hiện công việc tiếp theo đó là đổi tên, rao bán kênh thu lợi từ vài chục, thậm chí vài trăm triệu đồng nếu kênh có người theo dõi lớn.
Những người mua lại kênh có thể sử dụng kênh phục vụ cho mục đích quảng cáo của mình hay chuyển sang làm nội dung sạch, và yêu cầu bật kiếm tiền từ Google.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên các kênh YouTube 'ăn theo' đăng tải lại các video gây phản ứng trái chiều của Hưng Vlog.
Trước đó, đoạn video nấu cháo gà còn nguyên lông của con trai Bà Tân đã xuất hiện hàng loạt trên YouTube, dù đoạn video chính chủ đã bị gỡ khỏi kênh Hưng Troll.
Loạt video được đăng tải lại này cũng thu hút lượt quan tâm lớn từ người xem, từ vài chục ngàn người cho đến hơn 100.000 lượt người xem trên YouTube chỉ sau thời gian ngắn.