Công Nghệ

Xuất hiện chiêu lừa tinh vi mạo danh nhiều ngân hàng, cẩn thận kẻo trở thành con mồi của kẻ gian

Duy Huỳnh
Chia sẻ

Nhiều ngân hàng đã phát đi cảnh báo về những hình thức lừa đảo dịp cuối năm, trong đó có hình thức giả mạo tin nhắn nhằm chiếm đoạt tài sản và thông tin khách hàng.

Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 20201, đây là thời điểm nhu cầu sử dụng các dịch vụ các ngân hàng tăng cao. Thế nên, nhiều kẻ gian đang lợi dụng khoảng thời gian này để thực hiện những chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền.

Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng, công ty tài chính phát đi cảnh báo về những hình thức lừa đảo dịp cuối năm, trong đó có hình thức giả mạo tin nhắn, website/fanpage nhằm chiếm đoạt tài sản và thông tin khách hàng.

Chiêu lừa đảo tinh vi

Theo thông tin đăng tải trên Báo Thanh Niên, một số người sử dụng dịch vụ của ngân hàng Sacombank cho biết đã nhận được tin nhắn định danh từ đơn vị này thông báo về việc xác thực tài khoản để tránh bị khóa.

Xuất hiện chiêu lừa tinh vi mạo danh nhiều ngân hàng, cẩn thận kẻo trở thành con mồi của kẻ gian Ảnh 1
“Phát hiện tài khoản của khách hàng đang nhập khác vùng bất thường, vui lòng đăng nhập vào địa chỉ http://i-sacombank.com để xác nhận thông tin và thay đổi mật khẩu”, nội dung thông báo giả mạo cho biết. (Ảnh: Minh Trí)

Trong tin nhắn cảnh báo này có kèm một đường dẫn, khi nhấn vào sẽ hiện ra trang web có giao diện y hệt với website chính thức của ngân hàng và yêu cầu người dùng nhập thông tin đăng nhập tài khoản Internet Banking.

Do đây là tin nhắn định danh dưới tên của ngân hàng nên nạn nhân không hề nghi ngờ, thực hiện theo tuần tự các bước, kể cả khâu nhập mật khẩu dùng 1 lần (OTP).

Tuy nhiên, sau khi nhập mã OTP vào để xác nhận thì ngay lập tức tiền trong tài khoản của khách hàng đã ngay lập tức “bốc hơi”.

Xuất hiện chiêu lừa tinh vi mạo danh nhiều ngân hàng, cẩn thận kẻo trở thành con mồi của kẻ gian Ảnh 2
Sacombank cảnh báo khách hàng không rơi vào bẫy lừa đảo dịp Tết. (Ảnh: Sacombank)

Theo đại diện Sacombank, những tin nhắn định danh thương hiệu này gửi tới người dùng yêu cầu xác thực tài khoản như trên chắc chắn không xuất phát từ phía đơn vị.

Sacombank đã rà soát hệ thống nội bộ cũng như đối tác cung cấp dịch vụ viễn thông cho hãng, đồng thời yêu cầu các ngân hàng khóa tài khoản thụ hưởng từ những giao dịch bất thường trên. Hiện Sacombank đang phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra, làm rõ sự việc.

Không chỉ Sacombank, người dùng từ một số ngân hàng khác như ACB, TPBank,... cũng phản ánh trường hợp tương tự. Đáng chú ý là với đầu số của ngân hàng TPBank, tin nhắn người dùng nhận được có nội dung mời gọi kiếm tiền 500 triệu đến 1 tỷ đồng mỗi tháng trên một website cá cược.

Xuất hiện chiêu lừa tinh vi mạo danh nhiều ngân hàng, cẩn thận kẻo trở thành con mồi của kẻ gian Ảnh 3
Các tin nhắn SMS lừa đảo này được gom vào cùng hộp thư với những tin nhắn do chính ACB, Sacombank,... gửi đi trước đó. Do đó, người dùng nếu không cảnh giác sẽ rất dễ bị lừa.

Tối qua 3/2, ngân hàng TMCP Á Châu thông báo trên trang mạng xã hội, cảnh báo tình trạng mạo danh ACB gửi tin nhắn đến khách hàng với mục đích lừa đảo. Do đó, ACB khuyên khách hàng không nên cung cấp thông tin, mã OTP, hay nhấp vào đường link.

Xem thêm: Người dùng iPhone tại Việt Nam gặp lỗi khó hiểu sau khi lên đời iOS 14.4

Người dùng cần lưu ý

Theo các chuyên gia thuộc Công ty cổ phần an toàn thông tin CyRadar, cận Tết Nguyên đán 2021 là thời điểm nhiều nhóm hacker đang gia tăng hoạt động lừa đảo nhắm vào người dùng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, ví điện tử vì nhu cầu giao dịch, thanh toán, tặng quà hoặc lì xì trên môi trường Internet tăng mạnh.

Xuất hiện chiêu lừa tinh vi mạo danh nhiều ngân hàng, cẩn thận kẻo trở thành con mồi của kẻ gian Ảnh 4
(Ảnh minh hoạ: Internet)

Để phòng tránh các thiệt hại gây ra bởi tấn công lừa đảo trực tuyến, các chuyên gia khuyến nghị người dùng không nên truy cập vào những link bất thường;

Không cung cấp tên, mật khẩu đăng nhập ngân hàng trực tuyến, mã xác thực OTP, số thẻ ngân hàng qua tin nhắn, điện thoại, email, mạng xã hội và các trang web; Trước khi điền mật khẩu phải kiểm tra kỹ địa chỉ trang web.

Cùng với đó, người dùng cũng cần thiết lập thêm mã OTP cho các tài khoản email, mạng xã hội, tài khoản ngân hàng...; trang bị phần mềm bảo mật phù hợp bảo vệ máy tính và điện thoại của mình.

Xem thêm: 10 ứng dụng lừa đảo người dùng iPhone cần gỡ ngay khỏi điện thoại

Chia sẻ

Bài viết

Duy Huỳnh

Tin mới nhất