Ô tô chạy đường xa sẽ rất an toàn nếu có 6 công nghệ đặc biệt này

Duy Huỳnh
Chia sẻ

Để những chuyến đi xa thêm phần an toàn và thoải mái, người lái cần nên trang bị những công nghệ đặc biệt sau đây.

Mùa hè thường là khoảng thời gian để các gia đình cùng đi du lịch dài ngày nhằm tận hưởng những ngày nghỉ bên nhau. Để kỳ nghỉ càng thêm phần tuyệt vời, di chuyển trên một chiếc xe hơi rộng rãi được trang bị những công nghệ đáng giá sau đây sẽ làm những chuyến du lịch xa thêm phần đặc biệt.

1. Hệ thống ổn định thân xe điện tử 

Hệ thống ổn định thân xe điện tử (Electronic Stability Program - ESP) là hệ thống an toàn tiêu chuẩn và được kích hoạt mặc định trên xe. Hệ thống ESP sẽ giúp ổn định xe khi phanh, khi vào cua, khởi hành hay tăng tốc…, giúp cho chiếc xe vận hành ổn định cũng như giúp những người ngồi trên có được sự thoải mái nhất.

Hệ thống ESP hoạt động thông qua các cảm biến góc lái và cảm biến gia tốc ngang, kết hợp cùng hệ thống chống bó cứng phanh ABS để luôn giữ các bánh xe vận hành hoàn hảo, loại bỏ khả năng trượt bánh.

2. Điều khiển hành trình thích ứng

Việc di chuyển trong những chuyến đi dài sẽ khiến người cầm lái mệt mỏi, dễ gây nguy hiểm. Để khắc phục sự chủ quan và nâng cao sự an toàn cho người lái, những hãng sản xuất ô tô đã trang bị công nghệ an toàn Adaptive Cruise Control, tính năng này đã dần trở thành tiện nghi tiêu chuẩn hiện nay.

Công nghệ này hoạt động dựa trên một radar phía trước nhằm quét khoảng cách và xác định vật cản. Tùy theo khoảng cách an toàn được trang bị trên mỗi chiếc xe mà xe luôn giữ khoảng một khoảng cách an toàn với xe trước. Ngoài cảnh báo va chạm, người lái nên trang bị những công nghệ an toàn khác như phanh chống bó cứng ABS, hệ thống cân bằng điện tử ESP,… để nâng cao tính an toàn khi di chuyển.

3. Công nghệ hiển thị trên kính chắn gió

Công nghệ hiển thị trên kính chắn gió (Head-Up Display) đang trở thành một công nghệ an toàn được yêu thích hiện nay. hệ thống Head-Up Display giúp cho tài xế có thể nhìn thẳng phía trước, không phải liếc mắt xuống bảng đồng hồ để xem các thông tin như tốc độ, dẫn đường hay giải trí.

4. Hệ thống thông tin giải trí

Hệ thống thông tin giải trí là một trong những tính năng cần thiết trong những chuyến đi xa. Nếu xe của bạn trang bị hệ thống thông tin giải trí có khả năng tương thích với smartphone như Apple CarPlay, Android Auto hoặc điều khiển bằng giọng nói, trải nghiệm trong những chuyến đi xa của bạn còn tuyệt hơn. Ngoài ra, hệ thống âm thanh sống động cũng mang đến cảm giác thư giãn cho tài xế và giúp chuyến hành trình tốt hơn.

5. Hệ thống khởi hành ngang dốc và hỗ trợ đổ dốc 

Trong những chuyến hành trình dài, chắc hẳn là bạn sẽ phải vượt qua những quãng đường đèo, dốc hay đỗ đèo. Mọi thứ sẽ trở thành thảm họa nếu lái xe không khéo léo trong việc dừng xe hay khởi hành ngang dốc. Thế nên, đa số những mẫu ô tô hiện nay đều được trang bị hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc (HAC) hay hệ thống hỗ trợ đổ dốc (DAC).

Hệ thống HAC (Hill Start Assisst Control) hay còn được nhiều hãng gọi dưới cái tên là hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc HSA. Khi hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc được kích hoạt, dù bạn có nhấc chân khỏi phanh, chiếc xe vẫn đứng yên trên dốc trong một khoảng thời gian nhất định, để bạn có thể đổi từ chân phanh sang chân ga và cho xe tiếp tục di chuyển.

Trong khi đó, hệ thống hỗ trợ đổ dốc (DAC) sẽ giúp xe sẽ từ từ lăn bánh một cách nhẹ nhàng và an toàn khi đang xuống dốc mà không cần hãm phanh liên tục hay điều chỉnh các cấp số.

6. Hệ thống phát hiện buồn ngủ

Có hai loại hệ thống được dùng để xác định sự buồn ngủ của người lái xe. Hệ thống thứ nhất dùng các camera hồng ngoại để theo dõi cử động cơ bắp, kiểu chớp mắt, góc độ của đầu và nhiều biểu hiện khác. Sau đó, dữ liệu này sẽ được xử lý thông qua phần mềm nhận diện gương mặt để xác định xem, các biểu hiện trên mặt của người lái căng hay chùng, kiểu chớp mắt có khác với bình thường không và đầu của người lái xe ở vị trí nào để đưa ra kết luận người lái tỉnh táo hay đã mệt mỏi.

Hệ thống còn lại sử dụng một thuật toán để so sánh hành vi của ngài đang lái xe với lúc bắt đầu di chuyển. Sau đó hệ thống sẽ đưa ra so sánh mô tả sơ lược hành vi lái xe vào thời gian thực tế. Bên cạnh đó, hệ thống còn dùng các cảm biến và camera, để xác định xem cách điều khiển vô lăng của người lái có thay đổi không, thời gian điều khiển vô lăng có lâu hơn bình thường hoặc trễ hơn bình thường hay không.

Trong trường hợp phát hiện người lái có biểu hiện ngủ gật, hệ thống sẽ phát âm thanh báo động và đèn trên táp lô của xe bạn chớp để báo hiệu tắp vô lề.

Chia sẻ

Bài viết

Duy Huỳnh

Tin mới nhất