Truyền thông Trung Quốc mới đây xác nhận các mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B đã rơi xuống Ấn Độ Dương hôm 9/5, Reuters nói. Phần lớn của các mảnh vỡ đã bị phá huỷ trong quá trình thâm nhập lại khí quyển của Trái đất. Thông tin được đưa ra đã kết thúc những phỏng đoán suốt nhiều ngày qua về nơi sẽ “đón” các mảnh vỡ của tên lửa lớn nhất Trung Quốc này.
Dẫn nguồn tin từ Văn phòng Kỹ thuật không gian có người lái Trung Quốc, truyền thông Trung Quốc nói rằng các bộ phận của tên lửa Trường Chinh 5B rơi lại vào khí quyển vào 10 giờ 24 phút sáng (giờ Bắc Kinh, 9 giờ 24 phút sáng theo giờ Việt Nam) ở vị trí có toạ độ 72,47 kinh độ đông và 2,65 độ vĩ bắc.
Hồi năm ngoái, các mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B đầu tiên rơi tại Bờ Biển Ngà và làm hư hại một số toà nhà song không có thương vong v người. Theo các chuyên gia, vì phần lớn bề mặt Trái đất là nước, khả năng các khu vực đông dân cư trên đất liền bị ảnh hưởng bởi những vụ việc như vậy là rất thấp.
Kể từ khi khi một mảnh lớn của trạm vũ trụ Skylab của NASA rơi xuống nước Úc vào tháng 7/1979, nhiều quốc gia cố gắng tránh các tình huống tương tự thông qua thiết kế đặc biệt. Dù vậy, chuyên gia McDowell đến từ Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian, nhận định dường như các nhà thiết kế Trung Quốc đã không chú ý đến vấn đề này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân phủ nhận nhận định này: “Theo hiểu biết của tôi, phần phía trên của tên lửa đã bị vô hiệu quá. Điều này có nghĩa là phần lớn các bộ phận sẽ bị phá huỷ khi rơi lại Trái đất, khiến khả năng đe hoạ hàng không, hoạt động và vật chất dưới mặt đất là rất thấp”.
Trước đó, vào hôm 29/4, Trung Quốc đưa một module của trạm không gian Trung Quốc lên vũ trụ bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 5B từ Trung tâm Phóng tàu vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam.