Theo quy định mới được Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội) Trung Quốc thông qua hôm nay 20-8, các công ty nhà nước và tư nhân được yêu cầu giảm thu thập dữ liệu và cần có sự đồng ý của người dùng trước khi thu thập.
Tuy nhiên, cơ quan an ninh vẫn được duy trì quyền truy cập vào dữ liệu cá nhân người dùng.
Hãng tin Tân Hoa xã cho biết luật mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1-11 năm nay.
Theo Hãng tin AFP, quy định mới được cho sẽ ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc. Các công ty lớn như hãng gọi xe Didi hay công ty game Tencent đã lọt vào tầm ngắm của cơ quan quản lý trong thời gian gần đây vì lạm dụng dữ liệu cá nhân.
Trong tuần này, Hãng tin Tân Hoa xã dẫn lời một quan chức Quốc hội nói luật mới có thể ngăn các công ty đặt mức giá khác nhau cho cùng một dịch vụ dựa trên lịch sử mua sắm của khách hàng.
Đạo luật được mô phỏng theo Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của Liên minh châu Âu (EU) - một trong những luật bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến nghiêm ngặt nhất thế giới.
Bà Kendra Shaefer, đối tác của công ty tư vấn Trivium China có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết đạo luật nhằm mục đích "thiết lập nền tảng cho nền kinh tế kỹ thuật số trong 40 hoặc 50 năm tới".
Luật mới cũng quy định dữ liệu cá nhân của công dân Trung Quốc không được chuyển đến các quốc gia có tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu thấp hơn Trung Quốc. Quy định này được cho là gây ra nhiều vấn đề cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Các công ty vi phạm luật có thể bị phạt tới 50 triệu nhân dân tệ (7,6 triệu USD) hoặc 5% doanh thu hằng năm của công ty. Nếu vi phạm nghiêm trọng còn có nguy cơ bị tước giấy phép kinh doanh và buộc phải đóng cửa.
Hoãn bỏ phiếu luật chống trừng phạt ở Hong Kong
Theo báo SCMP, Quốc hội Trung Quốc đã hoãn phiên bỏ phiếu phê chuẩn luật chống trừng phạt ở Hong Kong, với kỳ vọng "lắng nghe thêm quan điểm về vấn đề này".
Ban đầu Bắc Kinh dự kiến chính thức thông qua luật chống trừng phạt ở Hong Kong trong hôm nay 20-8 để chống lại các biện pháp trừng phạt của nước ngoài trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang.
Theo Hãng tin Reuters, ngày 11-8, lãnh đạo Hong Kong - bà Carrie Lam - tuyên bố ủng hộ việc triển khai luật chống trừng phạt ở đặc khu.
Bắc Kinh đã ban hành luật chống trừng phạt tại Trung Quốc đại lục trong tháng 6. Theo đó, những bên tham gia các hoạt động chống lại Trung Quốc hoặc can thiệp vào chuyện nội bộ của họ đều có thể bị trừng phạt.
Theo luật Trung Quốc, những trường hợp đó có thể bị từ chối nhập cảnh Trung Quốc hoặc bị trục xuất. Tài sản của họ ở Trung Quốc có thể bị tịch thu hoặc đóng băng. Họ cũng có thể bị hạn chế kinh doanh với các tổ chức hoặc người dân ở Trung Quốc.