Vài năm gần đây, trào lưu làm vlog tại Việt Nam ngày càng nở rộ và được nhiều người hưởng ứng, bất kể là thế hệ người trẻ hay những cụ ông, cụ bà cũng có đam mê làm vlog.
Tuy nhiên, bên cạnh những video có nội dung bổ ích, lành mạnh, không ít vlogger Việt lại "chuộng" làm những nội dung phản cảm, nhảm nhí,... để câu tương tác.
Tràn ngập nội dung 'câu like, câu view' trên YouTube Việt
Trong một video được đăng tải gần đây, Hưng Vlog, con trai Bà Tân Vlog, đã thực hiện trò chơi khăm thắp nhang cúng em gái - em trai và của mình.
Trong đoạn video, Hưng đã "dụ" Hậu, em trai, và Lương, em gái, của mình xuống hố cát và treo thưởng 5 triệu đồng cho ai thoát được. Sau đó, anh chàng liền đặt chuối, tiền âm và nén hương để "cúng vong cho 2 đứa em ngoan hiền".
Chỉ ít phút sau khi đăng tải, đoạn video này đã nhận về hàng loạt ý kiến chỉ trích, nhiều người cũng tỏ ý ngán ngẩm với video "nhảm nhí, vô bổ" của nam vlogger. Dẫu vậy, cho đến thời điểm hiện tại, đoạn video cũng đã hút gần 1 triệu lượt xem sau 2 ngày đăng tải.
Trước đó, YouTube Việt cũng từng xuất hiện những video nhảm nhưng hút hàng triệu lượt xem như thử thách “24 giờ làm chó”, “24 giờ sống trong nhà vệ sinh”… hay thậm chí là những nội dung để câu view bất chấp mà không quan tâm đến hậu quả.
Có thể kể đến là trường hợp của Vlogger NTN, người sở hữu kênh YouTube đạt hơn 8 triệu lượt đăng ký. Vào cuối năm 2019, NTN đã đăng tải video có tiêu đề Thả 100 cái dao trên cao xuống. Chỉ sau 3 ngày đăng tải, video này đạt hơn 2 triệu lượt xem, 84.000 lượt thích.
Đáng chú ý, kênh này không bật chế độ hạn chế độ tuổi và cũng không đưa ra bất cứ cảnh báo gì về nội dung. Đối tượng người xem các sản phẩm của NTN chủ yếu nằm trong lứa tuổi thanh thiếu niên, nên nhiều người xem lo ngại khán giả nhỏ tuổi chưa đủ nhận thức rất có thể sẽ bắt chước theo video.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên NTN gây ra tranh cãi bởi trước đó, các video của vlogger này cũng bị cho là có nội dung nhảm nhí, thậm chí là độc hại cho văn hóa nghe nhìn.
Hệ lụy khó lường từ những video câu view bất chấp
Từ khi YouTube được cho là nơi "hái ra tiền", nhiều người bất chấp thực hiện các clip có nội dung nhảm nhí, lố bịch chỉ với mục đích là thu hút lượng theo dõi và lượt xem.
Điều đáng nói, hầu như không có kênh YouTube nào cảnh báo trẻ em hay giới hạn độ tuổi, trong khi nhiều trẻ em thì được cha mẹ cho xem thoải mái, không hề kiểm soát nội dung.
Do không phân biệt được thật - giả, chưa lường hết được những nguy hiểm nên những đứa trẻ cứ vô tư làm theo, dẫn đến tự gây tai nạn cho mình.
Cuối năm 2019, dư luận từng xôn xao khi một cháu bé 7 tuổi ở huyện Nhà Bè (TP.Hồ Chí Minh) nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu vì bắt chước trò “thắt cổ nhưng vẫn... thở được” trên YouTube.
Người thân đã phát hiện ra cháu bé khi đang treo cổ lơ lửng trên dây phơi quần áo bằng một chiếc khăn quàng. Khi được đưa xuống, cháu bé đã hôn mê, rất may sau đó cháu đã được các bác sĩ ở Bệnh viện nhi đồng 2 TP. Hồ Chí Minh cứu sống.
Có thể thấy, lớp trẻ ngày nay đang dễ dàng tiếp cận với những thứ nguy hại hơn chúng ta nghĩ, và YouTube cho đến hiện nay vẫn chưa kiểm soát được những nội dung này.
Người dùng cần mạnh tay tẩy chay những nội dung vô bổ
Để có một cộng đồng YouTube sạch, ngoài việc YouTube Việt cần một cơ chế quản lý nội dung tốt hơn, mà người dùng cần mạnh tay tẩy chay những nội dung vô bổ.
Việc những video có nội dung "câu like, câu view" xuất hiện liên tục và không ngừng hot một phần đến từ chính sự dễ dãi của người xem.
Người dùng có thể hành động để những video bẩn này biến mất bằng cách báo cáo (report), tẩy chay. Khi chúng ta khắt khe hơn thì chất lượng video cũng sẽ được nâng cao để phù hợp với thị hiếu.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng cần quan tâm, hướng dẫn, chọn lọc cho con xem các kênh lành mạnh, mang tính giáo dục, phù hợp với từng độ tuổi.
Theo bà Giang Thị Thu Nga, Phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông, cha mẹ nên dành thời gian chơi, trò chuyện với con chứ không chỉ biết “giao” cho con một thiết bị thông minh để con muốn xem gì thì xem, làm gì thì làm...