Công Nghệ

Live-stream và khẩu trang: Các thương hiệu smartphone Trung Quốc tìm cách sống chung với virus corona

Lê Nam Khánh
Chia sẻ

Virus corona đang gây ra rất nhiều gián đoạn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ tiêu dùng ở Trung Quốc.

Xiaomi là một trong những công ty smartphone đầu tiên tổ chức sự kiện ra mắt sản phẩm cao cấp chỉ với phương thức trực tuyến hồi tuần này trong bối cảnh virus corona lây lan và có nhiều diễn biến phức tạp.

Người sáng lập Lei Jun, vốn là người Hồ Bắc và từng theo học đại học ở Vũ Hán, trở nên xúc động khi anh mở màn chương trình live-stream ra mắt sản phẩm.

“Vũ Hán là thành phố của những người dùng. Người Vũ Hán rất dũng cảm, tự tin và lạc quan… Cuộc sống có thể bị ảnh hưởng vì dịch bệnh nhưng chúng ta không thể bị nó đánh bại,” Lei Jun nói, cố gắng kìm nước mắt trong khi đeo khẩu trang.

Theo SCMP, trên thế giới đã ghi nhận 73.433 ca dương tính với covid-19 đến thời điểm ngày 18/2. (Ảnh: AP)

Dù mục đích của sự kiện là ra mắt chiếc điện thoại cao cấp Mi 10 bản 5G, Lei Jun thừa nhận ngành công nghiệp smartphone đang khá yên ắng. Anh cũng hi vọng các quá trình sản xuất có thể sớm quay lại bình thường.

Live-stream sau đó nhanh chóng trở thành hình thức ra mắt sản phẩm được nhiều công ty tìm đến thời bệnh dịch.

Dịch virus corona chủng mới đang khiến nhiều nhà máy smartphone đóng cửa khắp Trung Quốc sau khi giới chức nước này áp dụng lệnh phong toả với nhiều tỉnh thành lớn.

Nhiều cửa hàng smartphone cũng đóng cửa để hạn chế tiếp xúc người với người trong thời gian này. Kết quả là nhiều nhà phân tích đã hạ thấp dự đoán doanh số smartphone bán ra ở Trung Quốc. Canalys và Strategy Analytics kì vọng lượng smartphone bán ra có thể giảm tới 50% so với cùng kì năm trước, trong khi đó IDC đưa ra mức dự đoán tăng trưởng âm 30%.

“Virus corona bùng phát làm gián đoạn chuỗi cung ứng và chu kì ra mắt sản phẩm mới trong nửa đầu năm nay,” Wu Yiwen, một nhà phân tích cao cấp tại Strategy Analytics, chia sẻ trong một báo cáo.

Ở chiều hướng ngược lại, khi nhiều cửa hàng smartphone đóng cửa, IDC dự đoán lượng smartphone bán qua kênh trực tuyến sẽ tăng lên đáng kể trong 6 tháng đầu năm. Dù vậy, không thể phủ nhận được tầm quan trọng của các kênh ngoại tuyến vì nó mang đến nhiều tương tác hơn với các khách hàng tiềm năng.

“Kênh ngoại tuyến quan trọng và chiếm 70% tổng số smartphone bán ra ở Trung Quốc,” Jia Mo, một nhà phân tích của Canalys nói.

Công nhân trong một nhà máy ở Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: EPA-EFE)

SCMP trong khi đó nói thông thường khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 3 thường là lúc quá trình thử nghiệm sản phẩm của các nhà sản xuất được thực hiện. “Bất kì thay đổi nào trong kế hoạch sản phẩm trong nửa đầu năm có thể ảnh hưởng đến các kế hoạch trung hạn và thậm chí dài hạn,” IDC nói.

Trong khi đó, với việc Trung Quốc đang đối mặt với thiếu thiết bị và sản phẩm y tế, nhiều công ty điện tử đã chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang. Foxconn theo đó chuyển đổi một số dây chuyền sản xuất để sản xuất khẩu trang cho nhân viên của mình. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh quá trình sản xuất chưa thể quay trở lại bình thường vì dịch bệnh. Vivo cùng có hai dây chuyền chỉ để sản xuất khẩu trang.

“Sản xuất các thiết bị di động là ngành cần lượng nhân lực lớn. Nếu virus có trong nhà máy, đây sẽ là một thảm hoạ,” Jia nhận định. “Dù vậy, nếu không thể sản xuất, các nhà máy sẽ đối mặt với những khoản lỗ mỗi ngày.”

Tự động hoá có thể giúp các nhà máy vượt qua cơn bĩ cực nhanh hơn. Foxconn, đối tác sản xuất của iPhone, được kì vọng sẽ tự động hoá hoàn toàn 30% quy trình sản xuất của mình ở Trung Quốc trong năm nay.

Chia sẻ

Bài viết

Lê Nam Khánh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất