Khuya ngày 7/11 (theo giờ Việt Nam), CNN, Reuters, NBC, CBS, Fox News,... đã đồng loạt đưa tin ứng cử viên đại diện đảng Dân chủ Mỹ - Joe Biden sẽ là tổng thống thứ 46 của nước Mỹ với tỉ lệ phiếu: 284 - 214, so với Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.
Cùng lúc đó, những người ủng hộ ông Trump đã lên tiếng cáo buộc ứng viên Joe Biden và đảng Dân chủ đã gian lận phiếu để giành chiến thắng.
Tuy nhiên, các cáo buộc từ phía những người ổng hộ ông Trump thường không có bằng chứng rõ ràng, hoặc đã được đính chính trước đó.
Đầu tiên là tin đồn cáo buộc ứng viên Joe Biden chiến thắng nhờ phiếu bầu từ 'người chết'. Tuy nhiên, The New York Times cho rằng những trường hợp này xuất phát từ những nguyên nhân khách quan từ nhân viên ban bầu cử, hệ thống dữ liệu và đơn giản là trùng tên.
Xem thêm: Ông Donald Trump có thể bị xoá tài khoản Twitter nếu thua cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ
"Những lá phiếu bầu dưới tên người đã khuất bị coi là bất hợp lệ. Trong một số trường hợp, lá phiếu có thể bị nhầm lẫn với một cử tri hợp lệ, như một người còn sống đi bầu nhưng trùng tên với người đã khuất, dẫn đến hiểu nhầm là cử tri bỏ phiếu đã chết", Jake Rollow, Giám đốc truyền thông văn phòng thư ký bang Michigan chia sẻ với Insider.
The New York Times, trong cuộc bầu cử vừa qua, có trường hợp một cử tri hợp lệ có tên là William T. Bradley - người này có tên, họ và địa chỉ trùng khớp với với người cha đã khuất mình, dẫn đến hiểu lầm "người đã khuất đi bầu cử".
Ông Bradley cho biết đây là lần đầu tiên ông bầu cử qua thư, và trên phiếu bầu cũng không yêu cầu điền ngày sinh của cử tri, nên mới xảy ra hiểu lầm tai hại. Người đàn ông này cho biết mình đã gửi phiếu bầu từ giữa tháng 9/2020.
Tài khoản Twitter của chính quyền bang Michigan cũng đã lên tiếng phản bác cáo buộc này rằng: "Đây là tin sai sự thật. Những phiếu của cử tri đã chết sẽ bị bỏ đi tại Michigan, kể cả khi người đó còn sống khi gửi phiếu đi, và chết trước ngày bầu cử."
Một trường hợp khác là một người phụ nữ 74 tuổi sống tại Hamlin, Michigan. Theo New York Times, đây là lần đầu tiên người này bầu cử qua thư sau nhiều năm bầu cử trực tiếp, do đó thông tin bầu cử của chưa được ghi nhận đủ.
Theo Catherine Lewis, cán bộ bầu cử tại thị trấn Hamlin, Michigan, ngày sinh của người phụ nữ chưa được ghi nhận trên hệ thống. Do vậy, hệ thống tự động chuyển ngày sinh thành ngày mặc định: 1/1/1901. Thế nên, đã xuất hiện lời đồn đại rằng có một người phụ nữ 120 tuổi vẫn đi bầu cử.
"Tôi đảm bảo bà ấy là một cử tri hợp lệ", bà Lewis nói với New York Times.
Theo xác nhận của bà Lewis, đã tự mình lái xe tới nhà của người phụ nữ này để xác nhận thông tin ngày sinh qua giấy phép lái xe. Tuy nhiên, do cán bộ bầu cử tại địa phương này chưa cập nhật ngày sinh của nữ cử tri trên hệ thống, nên mới xảy ra lời đồn có gian lận trong bầu cử.
Ngoài ra, Matt Mackowiak, một nhà tư vấn theo đảng Cộng hoà từng chia sẻ bức ảnh làm dấy lên nghi vấn có sự gian lận trong cuộc bầu cử.
Cụ thể, đêm 4/11, Mackowiak đăng tải tấm hình cho thấy số phiếu bầu cho ông Biden ở một hạt tại bang Michigan tăng tới hơn 138.000 đơn vị.
Tuy nhiên, nguyên nhân sau đó được xác nhận là sai sót trong nhập liệu, và số phiếu chính xác đã được sửa lại.
Mặc dù đã được Mackowiak xoá bài đăng này đi, nhưng tấm ảnh đã được nhiều người đăng tải lại và chia sẻ hàng trăm nghìn lần trên các mạng xã hội. Trong khi đó, bài viết đính chính của Mackowiak chỉ được chia sẻ khoảng 3.800 lần.