Theo nguồn tin từ ITHome, iPhone 14 là thế hệ đầu tiên Apple sử dụng chip nhớ của Yangtze Memory Technologies (YMTC) bên cạnh hai đối tác quen thuộc là Western Digital và Toshiba. YMTC mới thành lập năm 2016 tại Trung Quốc nhưng đã sản xuất lượng lớn chip NAND, và bộ nhớ 3D TLC thế hệ thứ tư của công ty đạt kỹ thuật 232 lớp xếp chồng. Đây cũng là nhà cung cấp linh kiện cho Huawei.
Nguồn tin cũng cho biết các thượng nghị sĩ Mỹ ban đầu phản đối sự bảo trợ của Apple đối với YMTC. Việc dùng chip của công ty bị giới chức nước này cho rằng đem lại những lỗ hổng lớn về quyền riêng tư và bảo mật. Trước sức ép, Apple cho biết sẽ chỉ bán iPhone dùng chip YMTC tại Trung Quốc.
Apple thường đưa ra những yêu cầu nghiêm ngặt với các loại phần cứng sử dụng trên sản phẩm của công ty. Trong danh sách các nhà cung cấp được hãng công bố lần đầu năm 2012, 156 công ty đã được chọn. Trong số này, chỉ có 8 công ty Trung Quốc. Đến năm 2020, trong 200 nhà cung cấp chính hàng đầu, có 96 nhà sản xuất Trung Quốc. Còn năm 2021 có thêm 12 công ty Trung Quốc được thêm vào danh sách. Như vậy, các thương hiệu Trung Quốc chiếm phân nửa tổng chuỗi cung ứng iPhone.
Theo thống kê của Jiwei, trong số các nhà cung cấp Trung Quốc, 48 công ty được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải với trụ sở đặt tại Trung Quốc. Chiếm thị phần lớn nhất là Luxshare Precision và Goertek. Các công ty này cung cấp cho Apple đầu nối và thiết bị âm học. Dòng iPhone 14 cũng sử dụng công nghệ quang học, tấm nền hiển thị BOE A... của Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhiều công ty ở nước này cũng phụ thuộc vào các đơn hàng của Apple, như Tianzhun Technology và APT chuyên về công nghệ thị giác máy, hay Huaxing Yuanchuang và JPT sản xuất các bộ phận thiết bị kiểm tra... Nếu ngừng mối quan hệ với Apple, các công ty này đều coi như phá sản.
Trước đó, Apple bắt đầu sản xuất một phần iPhone 14 bên ngoài Trung Quốc tại nhà máy Sriperumbudur của Foxconn gần Chennai (Ấn Độ) từ tháng 9. Tuy nhiên, Foxconn Ấn Độ chỉ đảm nhiệm hai mẫu iPhone 14 và 14 Plus, trong khi bộ đôi 14 Pro và 14 Pro Max vẫn được lắp ráp hoàn toàn ở Trung Quốc.