CEO Samsung: 'Giới trẻ Việt Nam thích ứng quá nhanh với những sự thay đổi của công nghệ!'

Hiệp Phan
Chia sẻ

Lần tiếp xúc đầu tiên với truyền thông Việt Nam, ông DJ Koh, người đứng đầu mảng di động của Samsung đã có những chia sẻ cởi mở và vô cùng thú vị.

Mới đây, trong khuôn khổ ra mắt chiếc điện thoại Samsung Galaxy A80 tại Bangkok, Thái Lan, ông DJ Koh, CEO mảng di động của Samsung đã có lần tiếp xúc đầu tiên với truyền thông Việt Nam. Trong trang phục thú vị là sự kết hợp giữa quần jeans và áo vest, ông DJ Koh đã có nhiều chia sẻ thú vị về những khó khăn, thách thức của thị trường smartphone đang chứng lại hay sự khó khăn trong việc chinh phục người trẻ Việt Nam vì sự thay đổi nhanh chóng trong thị hiếu.

Có mặt tại sự kiện lần này, SaoStar.vn xin gửi tới bạn đọc một phần những chia sẻ thú vị và quan trọng của ông DJ Koh.

Việt Nam chiến bao nhiêu phần trăm trong giá trị R&D của Samsung? Và ông hãy chia sẽ rõ hơn chiến lược R&D trong 3 đến 5 năm tới của Samsung tại Việt Nam?

Trung tâm R&D ở Việt Nam từ khi được thành lập đến nay đã 10 năm. Bây giờ tôi vẫn nhớ hình ảnh khi đó với việc tuyển dụng các bạn sinh viên từ Đại học Bách Khoa Hà Nội và đào tạo các bạn thành nhân viên mới. Trung tâm R&D ở Việt Nam ban đầu chỉ liên quan đến phát triển các phần mềm nâng cấp mang tính chất khu vực.

Đến nay, nó đảm đương các vai trò quan trọng hơn ví dụ như phát triển tính năng quan trọng mang tính chất khu vực cho các mẫu flagship hoặc các tính năng cho một số model khác, phần mềm hay hệ thống. Đây có thể coi là bước tiến và tôi vui mừng vì điều này. Với mảng hệ thống phần mềm đạt được tốc độ nhanh chóng như khoảng cách giữa học sinh cấp I và sinh viên đại học, kỹ sư Việt Nam và Hàn Quốc từng bước hợp tác chặt chẽ với nhau. Trong ba đến năm năm nữa, trung tâm R&D tại VN sẽ phát triển hơn rất nhiều dù vậy không dễ để nói đến chi tiết lớn hơn.

Đây là lần đầu tiên lãnh đạo cao cấp Samsung tiếp cận với báo chí Việt Nam, đâu là nguyên nhân cho sự thay đổi cởi mở này. Samsung đang hướng tới một hình ảnh trẻ trung hơn?

Việc tôi tham gia phỏng vấn như thế này không với mục đích quảng bá sản phẩm mà có nhiều ý nghĩa khác. Thực ra, với tư cách đứng đầu tập đoàn, việc dành thời gian 1 - 2 giờ cho cơ quan báo chí mỗi quốc gia là một điều không dễ với lịch trình của tôi. Thông qua những buổi gặp như thế này, chúng tôi muốn chia sẻ những cải tiến của Samsung trong 10 năm vừa qua và những chiến lược trong 10 năm tới ở phạm vi giới hạn có thể chia sẻ.

Mỗi ngày, tôi nhận được khoảng 10 email từ những khách hàng thông thường. Họ biết được địa chỉ email và gửi email tới tôi. Phần lớn đều là chia sẻ thông tin về sản phẩm và với chúng tôi chúng vô cùng quý giá.

Tôi có hai người con trai, một cậu 21 tuổi và một cậu 28 tuổi. Thông qua các cuộc trò chuyện với chúng, tôi không ngừng trăn trở làm sao tiếp cận được với giới trẻ. Vì thế, tôi đã mặc quần jeans đến đây phát biểu và đây là bộ quần áo trong vòng 30 năm qua tôi không hề mặc. Nếu thông qua điều này, Samsung có thể tiếp cận với giới trẻ tốt hơn thì tôi trong vai trò CEO sẽ là một điều nên làm.

Ở Samsung Hàn Quốc, các bạn trẻ có thể mặc quần jeans hoặc quần short. Gần đây, tôi thử mặc lại quần jeans một hai lần và tôi chưa quen lắm. Tôi sẽ cố gắng hơn và tôi cũng đã giảm cân để có thể mặc quần jeans. Với Samsung, đối tượng người dùng từ 17 - 18 tuổi đến 38 tuổi là rất quan trọng nhưng người dùng tầm 40 tuổi cũng là một tập khách hàng then chốt. Chúng tôi sẽ cố gắng hài hoà mọi thứ. Đó là lý do mà phía dưới tôi mặc quần jeans còn ở trên tôi vẫn mặc vest.

Ông là một người đề cao văn hoá startup nơi mọi người được nói lên ý kiến của mình. Galaxy A80 có phải kết quả của điều này không?

Ở Samsung, có một tổ chức mà nhân viên có thể làm bất kì điều gì mà không phụ thuộc vào vấn đề kết quả hay thành tích. Cứ 3 đến 4 tháng tôi lại đến đây để lắng nghe và hiểu về những ý tưởng mới. Những ý tưởng ra đời ở đó, rất nhiều đã trở thành sản phẩm thực tế và không ít sẽ được áp dụng trong tương lai.

Doanh nghiệp càng lớn thì với tư cách CEO càng phải thận trọng và cảnh giác với xu hướng đưa ra quyết định chậm chạp và không lắng nghe được ý kiến. Vì thế, tôi coi trọng các tổ chức đặt người trẻ là trọng tâm và ở đó họ được đưa ra ý kiến của mình. Chúng chính là nền tảng để chúng tôi phát triển sản phẩm. Đó là mô hình khởi nghiệp bên trong Samsung. Chúng tôi mong muốn Samsung sẽ là một người “khổng lồ nhưng không chậm chạp”.

Việt Nam là một thị trường quan trọng của Samsung. Việc chinh phục thị trường này có gì khó khăn hơn so với các quốc gia khác tại Đông Nam Á?

Khoảng từ 3 đến 4 năm trước đây, vì Việt Nam là một đất nước có lãnh thổ dài nên các công tác liên quan đến vận chuyển có nhiều khó khăn (về logistics). Vì thế khoảng 4 năm trước, chúng tôi đã cố gắng xây dựng một hệ thống chia sẻ thông tin hàng giờ, mọi lúc mọi nơi giữa các đại lý phân phối của chúng tôi. Với Việt Nam, chúng tôi cũng có nhà máy, vì thế khi có một model nào đó hết hàng, chúng tôi thậm chí có thể dùng xe máy để giao hàng, vận chuyển, bù đắp vào kho. Đây là ví dụ điển hình và tiêu biểu trong việc khắc phục khó khăn tại thị trường Việt Nam.

Người trẻ chiếm 40 - 50% dân số Việt Nam với đặc điểm thích ứng nhanh với những sự thay đổi của công nghệ. Samsung đã phải nỡ lực rất nhiều để đáp ứng được nhu cầu của các bạn trẻ. Thế nhưng, vì mọi thứ thay đổi quá nhanh và quá nhiều nên chúng tôi cũng gặp khó khăn khi chinh phục giới trẻ Việt Nam. Nhưng có một điều tôi mong muốn và muốn nhờ truyền thông truyền đạt giúp là chúng tôi có 50% sản lượng smartphone phân phối trên toàn cầu được đặt “cứ điểm” tại Việt Nam, bên cạnh đó là trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam.

Mỗi năm tôi thường đến đây hai lần liên quan đến các công việc của công ty thì thực ra chỉ cần nghe được ý kiến chia sẻ của các bạn nhân viên Samsung thôi là tôi đã như được biết đến ý kiến của người dùng Việt Nam rồi. Nhưng ngoài ra, nếu còn những vấn đề cần thay đổi, tôi mong muốn các bạn hãy truyền đạt chúng qua các cán bộ nhân viên Samsung tại Việt Nam.

Sự phát triển thương hiệu Trung Quốc hiện nay có phải là mối đe dọa trực tiếp của Samsung hay không, đặc biệt là thị trường Đông Nam Á và Việt Nam?

Có một thực tế là các thương hiệu Trung Quốc đã phát triển từ 4 đến 5 năm vừa qua với tốc độ vô cùng nhanh chóng. Nhưng tôi không muốn xem đây là mối đe dọa, thay vào đó, chúng tôi gọi là sự “căng thẳng lành mạnh” (healthy stress).

Dù doanh nghiệp nào đi chăng nữa nếu không có sự cạnh tranh lành mạnh thì sẽ trở nên trì trệ và không phát triển được. Bất kể là doanh nghiệp Trung Quốc hay doanh nghiệp Mỹ, đối với Samsung chúng tôi mà nói, doanh nghiệp nào sản xuất các sản phẩm giống chúng tôi sẽ đều sẽ mang đến cho chúng tôi sự cạnh tranh lành mạnh.

Samsung luôn có lộ trình cho sự phát triển của mình, cụ thể là lộ trình 10 năm, và trong lộ trình đó chúng tôi luôn thu thập và lắng nghe ý kiến từ người tiêu dùng.

Chia sẻ

Bài viết

Hiệp Phan

Thiết kế

Tuấn Lê

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất