Công Nghệ

Tại sao giọng nói khi nghe qua điện thoại hay thu âm lại khác với thực tế?

Minh Hằng
Chia sẻ

Hầu hết chúng ta đều ngạc nhiên tột độ khi lắng nghe giọng của mình qua các đoạn ghi âm, máy trả lời tự động hay các video trên Youtube. Thế vì sao lại có sự khác biệt lạ thường tới như vậy?

Bản thân chúng ta đều tự cảm nhận rằng chất giọng của mình thực sự cũng không tồi chút nào. Nhưng trên thực tế có một sự khác biệt rất lớn giữa âm thanh bạn nghe trực tiếp khi nói và âm thanh người khác lắng nghe từ bạn. Đó là vì sao chúng ta thường lầm tưởng về giọng nói của chính mình hay và ấn tượng cho tới khi “vỡ mộng” qua các đoạn băng ghi âm.

Lý do giải thích cho sự khác biệt này chính là khi chúng ta nói, âm thanh sẽ được truyền tải theo 2 hướng khác nhau hoàn toàn. Một là âm thanh truyền trong không khí đến tai người khác nghe, chúng phải thông qua tai ngoài, tiếp đến màng nhĩ và cuối cùng là tai trong của họ. Điều này cũng tương tự như khi ta ghi âm giọng nói chính mình.

Một hướng khác chính là âm thanh khi chúng ta nói thành tiếng sẽ được phát từ dây thanh quản, chạy qua yết hầu rồi truyền tới xương sọ và tai trong, do đó chỉ có mình bạn có thể lắng nghe rõ được âm thanh đó.

Ngoài ra, khi âm thanh được truyền trong không khí sẽ chịu nhiều ảnh hưởng của môi trường khiến năng lượng bị suy giảm và âm sắc thay đổi khá nhiều. Ngược lại, trong quá trình truyền tải âm thanh trực tiếp tới xương sọ sẽ ít hao hụt về năng lượng và âm sắc hơn.

Từ lời giải thích kể trên, chúng ta có thể đi tới một kết luận rằng: Giọng nói của chúng ta thường có một chút khác biệt so với những gì mà bản thân và mọi người xung quanh cảm nhận . Tất nhiên, những khác biệt này khi chúng ta nhận ra thường tạo không ít cảm giác “hụt hẫng” với những gì tạo hóa ban tặng.

Chia sẻ

Bài viết

Minh Hằng

Tin mới nhất