Nếu theo dõi một trận bóng đá trên TV, bạn có thể nhìn thấy hàng loạt phóng viên ảnh với những chiếc máy ảnh và ống kính to, dài dọc các đường biên. Bạn có biết đồ nghề của những phóng viên ảnh này bao gồm những gì?
Đầu tiên, chắc chắn không thể thiếu máy ảnh. Với thể loại ảnh thể thao, độ phân giải cao thường không được ưu tiên bằng tốc độ chụp và độ bền, do vậy các phóng viên ảnh thường sử dụng những chiếc máy ảnh đắt tiền nhất như dòng Canon EOS-1D hoặc Nikon Dx.
Những chiếc máy ảnh này được thiết kế để chịu được thời tiết khắc nghiệt như mưa, tuyết hay bụi. Vật liệu vỏ thường được làm từ hợp kim magiê để đảm bảo độ cứng, chắc mà máy vẫn không quá nặng. Đây là những điểm khiến nhiếp ảnh gia chấp nhận bỏ ra tới trên 5.000 USD cho một chiếc máy ảnh.
Tuy độ phân giải thường chỉ ở mức trên dưới 20 MP, các máy ảnh này đều được trang bị cảm biến full-frame. Kích thước cảm biến lớn đem lại khả năng thu ánh sáng tốt hơn, rất cần thiết khi tăng tốc độ chụp lên cao để đóng băng những khoảnh khắc.
Cảm biến lớn cũng giúp giảm độ nhiễu, rất cần thiết khi chụp những trận đấu buổi tối. Các máy ảnh đầu bảng đều được trang bị hệ thống lấy nét hiện đại nhất, giúp lấy nét chuẩn xác trong khoảnh khắc rất ngắn.
Bên cạnh máy ảnh chính, hầu hết nhiếp ảnh gia đều mang theo một chiếc máy phụ với độ phân giải cao cho những hoàn cảnh cần thiết. Chiếc Canon EOS 5D Mark IV (30,4 MP) và Nikon D850 (45,4 MP) đều mới ra mắt từ 2017, và được nhiều phóng viên lựa chọn.
Mặc dù Canon và Nikon đang thống trị làng ảnh thể thao, chiếc Sony Alpha A9 đang dần trở nên phổ biến nhờ tốc độ lấy nét, chụp rất nhanh và màn trập hoạt động êm ái. Tuy nhiên máy ảnh Sony hiện vẫn chưa có nhiều ống kính tiêu cự dài cho ảnh thể thao.
Để chụp được rõ nét cầu thủ ở khoảng cách hàng chục mét, các phóng viên phải dùng đến ống kính tiêu cự 400 mm. Mức đầu tư cho ống kính có khi gấp đôi máy ảnh: chiếc ống Canon EF 400mm f/2.8L IS USM II hay Nikon AF-S 400mm f/2.8E FL ED VR đều có giá trên 10.000 USD.
Với tiêu cự dài và khẩu độ lớn, các ống kính này cho phép chụp ở tốc độ màn trập rất cao. Nếu cần phóng to ảnh hơn nữa, phóng viên có thể gắn thêm ống đại 1.4x hoặc 2x.
Sony cũng đã có ống chuyên thể thao đầu tiên, FE 400mm f/2.8 GM OSS, nhưng hãng chỉ mới công bố ống kính này vào cuối tháng 6. Do vậy sẽ không có phóng viên nào mang ống kính mới của Sony tới World Cup.
Bên cạnh ống kính 400 mm, phóng viên cũng thường trang bị thêm ống 70-200 mm f/2.8 trên máy ảnh phụ, để chụp các diễn biến ở gần. Thậm chí đôi lúc họ còn sử dụng ống kính với tiêu cự ngắn như 16-35 mm hay 14-24 mm. Các ống kính góc rộng giúp chụp toàn cảnh sân vận động, hoặc sử dụng lúc cuối trận khi phóng viên có thể vào sân, tiến sát tới cầu thủ để chụp hình.
Ngoài máy ảnh và ống kính, phóng viên còn mang theo hàng loạt phụ kiện. Phụ kiện dễ nhận ra nhất chính là chân máy. Loại chỉ có một chân (monopod) thì cơ động hơn, nhưng loại ba chân (tripod) thì chắc chắn hơn và thường được dùng khi đặt máy chụp từ xa.
Đèn flash cũng là phụ kiện cần có. Tuy nó không dùng được khi chụp xa, nhưng sẽ có lúc phóng viên được vào sân, chụp cầu thủ ở khoảng cách gần.
Với những người sử dụng nhiều máy ảnh, điều khiển để chụp từ xa là phụ kiện không thể thiếu. Họ có thể đặt sẵn máy ở những vị trí đẹp, như đằng sau cầu môn, và bấm chụp từ phía kia của sân vận động khi có khoảnh khắc đẹp. Những bộ điều khiển cao cấp có giá trên 100 USD, nhưng cho phép sử dụng với khoảng cách tới 500 m.
Ngoài ra, một phụ kiện rất hữu ích mà ít người nghĩ đến là một chiếc ghế gấp nhỏ gọn. Phóng viên có thể dùng nó trong lúc nghỉ, hoặc ngồi xuống để chụp góc thấp khi cần.