Thời gian gần đây, người dùng YouTube tại Việt Nam liên tục phàn nàn về việc gặp phải những đoạn quảng cáo sản phẩm đông y, gây khó chịu khi xem video trên nền tảng này.
Cộm cán nhất phải kể đến là quảng cáo "Ba Đời Gia Truyền Nhà Tôi Chữa Sỏi Thận" khiến dân tình ức chế.
Quảng cáo 'Nhà tôi 3 đời chữa sỏi thận' gây ám ảnh
'Nhà tôi 3 đời chữa sỏi thận' là quảng cáo được cho là có nội dung "ám ảnh" nhất trên YouTube thời gian gần đây.
Với tần suất xuất hiện dày đặc, thường xuyên là ở giữa những video khác trên YouTube, nên quảng cáo này khiến không ít người dùng YouTube cảm thấy khó chịu và mệt mỏi.
Thậm chí có những video gắn quá nhiều quảng cáo và còn lặp đi lặp lại. Chưa kể, những quảng cáo sau khi phát xong cũng không tự tắt đi mà bắt người dùng phải bấm tắt thủ công.
"Ngày nào hát nhạc cho con nghe là cũng nghe 'nhà tôi ba đời bị sỏi thận' ít nhất cũng ba lần", một người dùng ức chế.
"Xem 1 video chưa đến 10 phút nhưng đã có 2-3 quảng cáo chèn vào. Chưa kể nội dung cứ lặp đi lặp lại và không phù hợp", một người khác cho biết.
Bên cạnh quảng cáo "Nhà tôi 3 đời chữa sỏi thận", những quảng cáo đông y như "Cứng khớp đau nhức đi bệnh viện không khỏi...", "Thuốc mọc tóc, trị trĩ, dứt điểm viêm xoang, sỏi thận"... cũng là những nội dung quảng cáo khiến người dùng không khỏi ám ảnh trong suốt thời gian gần đây.
Xem thêm: iOS 14.2 khiến iPhone bị nóng máy, hao pin trầm trọng: Đây là cách để bạn khắc phục
Quảng cáo mập mờ, thiếu căn cứ
Không chỉ gây ức chế vì gây ảnh hưởng đến trải nghiệm người xem, nguồn gốc và công dụng thực tế của những sản phẩm trị bệnh này vô cùng mập mờ, chỉ dựa vào những lời tuyên bố thiếu căn cứ.
Được biết, tình trạng quảng cáo thuốc Đông y không rõ nguồn gốc đã từng xuất hiện ngập tràn trên Facebook vài năm về trước. Vào thời điểm này, chạy quảng cáo thuốc Đông y trên Facebook được xem là "mỏ vàng" chốt đơn của giới bán hàng online.
Những loại thuốc được quảng cáo có công dụng thần kỳ như mọc tóc tức thời, chữa các bệnh về gan, thận, yếu sinh lý,... đã khiến nhiều người Việt "nhẹ dạ cả tin" mắc lừa.
Theo đó, đối tượng được hướng đến nhiều nhất là người dùng cao tuổi, sinh sống ở các địa phương vùng sâu vùng xa, những người chưa có nhiều kinh nghiệm với các chiêu trò quảng cáo công nghệ cao.
Với những tuyên bố chắc nịch về công dụng thần kỳ, lồng ghép một số đoạn video phỏng vấn những người chữa khỏi bệnh và phần tư vấn của những người được cho là PGS, TS, chuyên gia y tế,... các quảng cáo này khiến người tiêu dùng dễ hiểu chưa đúng về công dụng của sản phẩm, dẫn tới tốn tiền mà chưa chắc khỏi được bệnh, "tiền mất tật mang".
Lý do xuất hiện ngập tràn YouTube
Theo các chuyên gia, do các nền tảng khác đã thắt chặt quảng cáo về mặt hàng thuốc trị bệnh, nên những đơn vị quảng cáo thuốc Đông y dồn toàn bộ chi phí vào YouTube. Chưa kể, các đơn vị bán thuốc rất chịu chi tiền cho YouTube do biên độ lợi nhuận bán hàng lớn.
“Giá đấu thầu quảng cáo thông thường rơi vào khoảng 100-200 đồng/lượt hiển thị. Nhưng các đơn vị bán thuốc sẵn sàng chi từ 500-900 đồng/lượt. Điều này khiến họ được ưu tiên gắn vào các video hơn những nội dung khác”, anh Quang Vinh, quản trị viên diễn đàn nhà sáng tạo nội dung YouTube với hơn 200.000 thành viên chia sẻ với Zing.
Kết hợp với việc "săn deal" quảng cáo giá hời, những đơn vị này dễ dàng đánh bại nhiều nhà quảng cáo khác khi đấu thầu cho mỗi lần hiển thị. Ngoài ra, có không ít cơ sở bán thuốc này còn không ngại lách luật và vượt mặt YouTube.
Do đó, người tiêu dùng luôn phải đề cao cảnh giác và tuyệt đối không vội tin tưởng bất kỳ loại quảng cáo nào trên mạng. Đồng thời, bạn có thể "report" (báo cáo) và yêu cầu YouTube không hiển thị lại quảng cáo gây khó chịu.
Xem thêm: Nguồn gốc đoạn quảng cáo 'Nhà tôi 3 đời chữa sỏi thận' khiến dân tình ức chế trên YouTube