Trong thời đại 4.0 hiện nay, xu hướng toàn cầu trong lĩnh vực quảng cáo là các bảng quảng cáo điện tử trong nhà lẫn ngoài trời. Ở các thành phố lớn như New York hoặc Tokyo, bạn có thể dễ dàng bắt gặp các màn hình khổng lồ trình chiếu những hình ảnh, video tuyệt đẹp và vô cùng sống động.
Tuy nhiên, trong tương lai quảng cáo sẽ còn trở nên đẳng cấp hơn. Mới đây, một công ty tại Nga còn đang lên kế hoạch phục vụ một phương thức quảng cáo độc đáo cho những ai chịu chi tiền bằng việc phát quảng cáo ở tận trời cao.
Theo đó, công ty StartRocket tại Nga đang lên kế hoạch phóng hàng loạt vệ tinh phát sáng lên quỹ đạo Trái Đất để hiển thị một thông điệp quảng cáo có thể nhìn thấy trực tiếp từ bầu trời.
Vlad Sitnikov, lãnh đạo cấp cao của dự án nhận định, bầu trời đêm sẽ là bước tiến hợp lý tiếp theo trong quảng cáo:
“Thời buổi 4.0, con người ta thường bị thu hút bởi những tên tuổi lớn như Super Bowl, Coca Cola, Olympics, Mercedes, FIFA, Supreme,.. và điều làm nên tên tuổi của những thương hiệu này một phần được gây dựng từ quảng cáo. Do đó, những phương pháp quảng cáo càng độc đáo và tiên phong thì càng gây hiệu ứng tốt hơn với mọi người”.
StartRocket kỳ vọng, hệ thống Orbital Display này sẽ được phóng lên quỹ đạo vào năm 2020, và phát quảng cáo đầu tiên vào năm 2021. Với độ cao của vệ tinh quay xung quanh quỹ đạ Trái Đất là khoảng 400-500 km thì thời điểm tối đa để người dưới mặt đất xem được quảng cáo là sau 6 phút.
Hiện tại, giá cho một lần đặt quảng cáo bằng phương pháp vệ tinh này chưa được StartRocket công bố, nhưng dự đoán nhiều công ty lớn trên thế giới sẽ sẵn sàng đáp ứng điều này để PR cho thương hiệu.
Randy Segal, một luật sư chuyên về luật vũ trụ và vệ tinh tại công ty Hogan Lovells chia sẻ với tờ Futurism rằng, dự án có thể khả thi về mặt kỹ thuật, nhưng StartRocket có thể gặp phải một số rào cản pháp lý trên toàn thế giới về các điều luật hàng không.
Segal cho biết thêm, không chỉ riêng gì StartRocket, một startup tại Nhật Bản còn có kế hoạch ra mắt một cặp siêu vệ tinh có thể bắn ra các ngôi sao băng nhân tạo theo ý muốn con người.
Alexey Skorupsky - một thành viên khác trong nhóm phát triển dự án vệ tinh của StartRocket khẳng định: “Chúng tôi đang dẫn đầu trong việc thiết lập một tiêu chuẩn mới, còn những người không thích thì vẫn sẽ không thích thế thôi! Tuy nhiên, việc thương mại hóa không gian là không thể tránh khỏi”.