Trong thời gian gần đây, chắc hẳn nhiều người dùng YouTube tại Việt Nam đã bắt gặp các quảng cáo có nội dung như “nhà tôi 3 đời nhận chữa trị sỏi thận”, “điều trị dứt điểm đau xương khớp”, “bà con bị viêm xoang lâu ngày gọi ngay đến số hotline sau…"
Theo các cơ quan có thẩm quyền, những loại quảng cáo này hoàn toàn sai sự thật, không đúng công dụng, nói quá về tác dụng của sản phẩm.
Xem thêm: 10 'khai quốc công thần' của YouTube giờ ra sao?
Các video chứa nội dung quảng cáo sai sự thật này thường lồng ghép một số đoạn video phỏng vấn những người chữa khỏi bệnh và phần tư vấn của các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia y tế.
Thậm chí, những quảng cáo này còn cắt ghép logo các đài truyền hình, làm giả hình thức như những phóng sự truyền hình để đánh lừa người tiêu dùng.
Điều này khiến người tiêu dùng có thể hiểu sai, hiểu chưa đúng về công dụng của sản phẩm, dẫn tới tốn tiền mà chưa chắc khỏi bệnh.
Các quảng cáo này đã xuất hiện trong thời gian dài, nhưng mới đây, Google cho biết sẽ gỡ bỏ những quảng cáo thuốc vi phạm chính sách.
Cụ thể, trong một phản hồi mới đây với ICTNews, đại diện của YouTube cho biết: "Khi phát hiện thấy những quảng cáo vi phạm chính sách của mình, chúng tôi sẽ nhanh chóng gỡ bỏ chúng".
YouTube nói rằng họ có các chính sác rất nghiêm ngặt để quản lý quảng cáo chăm sóc sức khoẻ và thuốc.
Công ty mẹ của YouTube là Google có các chính sách hạn chế quảng cáo thuốc theo toa, thuốc không kê đơn, thuật ngữ thuốc và chất không được chấp thuận cùng các hạn chế khác.
Tuy nhiên, hạn chế hiện tại là do thuật toán của Google chủ yếu được đào tạo để phát hiện các tá dược phương Tây, còn các quảng cáo đang gây khó chịu cho người dùng lại hướng đến các bài thuốc gia truyền, Đông y, Nam y,... điều này khiến Google khó phát hiện.
Chính sách của Google áp dụng chung trên tất cả nền tảng và không có chính sách riêng về quảng cáo thuốc cho thị trường Việt Nam. Do đó, việc quảng cáo có vi phạm chính sách hay không, Google cần phải xem xét và sẽ gỡ bỏ nếu vi phạm.
Xem thêm: Kênh YouTube độc hại, nhảm nhí gắn mác cho trẻ em ẩn video, đổi tên để tránh 'bão' report