Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Công nghệ số

Người dùng cần cẩn trọng trước các app cho vay tiền online có điều kiện “siêu dễ”

Theo CEO VayMuon.vn đặc điểm chung của app cho vay tiền online Trung Quốc đều cho vay “siêu dễ” nhưng lãi, phí rất cao, nên trước khi vay cần tìm hiểu rõ nguồn gốc đơn vị mình vay tiền cũng như hỏi kỹ về lãi, phí, thời hạn.

Liên tục trong những gần đây, các phương tiện truyền thông đã đăng tải những vụ việc người dân gặp phải “quả đắng” khi chọn vay tiền qua các app cho vay online không rõ nguồn gốc, đang nở rộ tràn lan trên mạng như “Vayvay”, “Samsetvay”, “I Dong”, “V Dong”…

Điều đáng nói là, theo đánh giá của một số đơn vị đang tham gia cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P Lending) trên nền tàng công nghệ, trường hợp người dùng bị khốn đốn với những khoản vay có lãi suất “cắt cổ” thông qua các app cho vay trực tuyến không phải là cá biệt.

 app cho vay tiền online

Các chuyên gia khuyến nghị, để tránh việc vay tiền ở nơi không uy tín, mang lại hiểm họa cho gia đình và bản thân, đầu tiên người có nhu cầu vay tiền online cần tìm hiểu xem công ty mà mình định vay có nguồn gốc như thế nào (Ảnh minh họa: Internet)

Trao đổi với ICTnews, ông Trần Việt Vĩnh, CEO Công ty Cổ phần Đổi mới Công nghệ Tài chính Fiin (Fiin), một doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực P2P Lending cho biết, trong hơn 1 năm nay, khi cơ quan quản lý nhà nước ra quân quyết liệt “quét sạch” các dịch vụ “cho vay nặng lãi, tín dụng đen truyền thống”; cùng làn sóng những doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang đón đầu xu hướng chuyển đổi số các dịch vụ tài chính trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu để đưa ra những mô hình hỗ trợ cung cấp dịch vụ tài chính mới mang lại hiệu quả cho xã hội như cho vay ngang hàng, đã xuất hiện rất nhiều cá nhân/tổ chức lợi dụng môi trường Internet để hoạt động Cho vay nặng lãi hoặc Tín dụng đen trá hình.

“Đã có dấu hiệu cho thấy các công ty Trung Quốc và một số nước tràn vào để hớt váng trong bối cảnh thị trường cho vay online tại Việt Nam bắt đầu phát triển trong gần 2 năm nay. Tìm kiếm trên kho tải ứng dụng, trong hơn 100 app cho vay có thể thấy tới hơn nửa là các ứng dụng có sự liên quan của công ty Trung Quốc”, ông Vĩnh cho biết.

Họ cũng tạo ứng dụng (app)/ website cho vay online, quảng cáo sai lệch là P2P Lending nhưng thực chất họ tự cung tiền ra cho vay - vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh của Luật các tổ chức tín dụng. Kèm theo đó là thủ tục quá dễ dàng nhưng lãi phí cao bất thường, người dùng không kiểm soát được.

Ở góc độ của doanh nghiệp đã tham gia thử nghiệm cung cấp dịch vụ vay tiêu dùng tín chấp không gặp mặt theo mô hình ngang hàng trong gần 2 năm qua, bà Đào Thị Trang, CEO Công ty cổ phần Vay Mượn (VayMuon.vn) cũng nhận định: “Hiện nay có nhiều app cho vay đến từ Trung Quốc, hầu hết đều xác định “hớt váng” thị trường Việt Nam. Họ cho vay siêu dễ, chỉ cần số điện thoại và Chứng minh thư nhân dân nhưng có mức lãi, phí cực kỳ cao”.

Theo các chuyên gia, những vụ việc các app cho vay online tính lãi, phí “cắt cổ” người dùng và sử dụng các biện pháp không chính thống thu hồi được các phương tiện truyền thông phản ánh không chỉ ảnh hưởng xấu đến những công ty hoạt động chân chính và còn ảnh hưởng lớn tới thị trường chung.

Bởi lẽ, những vụ việc này sẽ dần khiến cho xã hội ác cảm, mất niềm tin với dịch vụ tài chính online; và cơ quan quản lý nhà nước lại nhìn ở góc có quá nhiều hệ luỵ tiêu cực như vậy thì có thể sẽ cấm kinh doanh/hoạt động chung với cả thị trường (như mô hình đòi nợ thuê đang bị đề xuất cấm kinh doanh).

CEO VayMuon.vn cho rằng, trong bối cảnh các app cho vay online nở rộ như hiện nay, thông thường app nào có điều kiện vay dễ, thì người dùng sẽ chọn ở đó. “Tuy nhiên, đi kèm với việc cho vay quá dễ dàng, điều kiện lỏng lẻo thì thường lãi, phí sẽ rất cao. Ngoài ra, không ít app còn chọn sử dụng các biện pháp không chính thống thu hồi. Thực tế này gây bất ổn đến trật tự xã hội, mất niềm tin của khách hàng đối với hình thức cho vay online, ảnh hưởng lên cả những app hoạt động theo đúng chuẩn P2P Lending”, bà Đào Thị Trang phân tích.

Vị CEO của sàn giao dịch vay mượn tài chính VayMuon.vn cũng khuyến nghị: “Người dùng cần thực sự cảnh giác với app cho vay online với điều kiện quá dễ dàng. Để tránh việc vay tiền ở nơi không uy tín, mang lại hiểm họa cho gia đình và bản thân, đầu tiên người có nhu cầu vay tiền cần tìm hiểu xem công ty mà mình định vay có nguồn gốc như thế nào.

Bên cạnh đó, trước khi xác nhận khoản vay, người dùng cũng cần tìm hiểu kỹ về vấn đề lãi suất, mức phí, rõ ràng và quan trọng hơn cả là hiểu rõ được khi đến kỳ hạn thanh toán số tiền mà mình sẽ cần phải thanh toán là bao nhiêu”.

Có cùng quan điểm với bà Trang, CEO Fiin Trần Việt Vĩnh cho rằng, với việc Internet đang được phổ cập rộng rãi như hiện nay, người dùng không khó để tìm kiếm thông tin qua mạng.

“Những người có nhu cầu vay tiền online nên tìm tới website chính thức của đơn vị cung cấp dịch vụ, kiểm tra có phải công ty đăng ký kinh doanh đúng pháp luật Việt Nam hay không? Tìm hiểu các hoạt động của công ty có được công bố công khai trên website và rộng khắp trên các phương tiện truyền thông chính thống như Báo điện tử uy tín hay các Đài truyền hình hay không? Các quy định lãi phí có rõ ràng trước khi vay hay không? Chính sách bảo mật thông tin, quyền riêng tư của người dùng như nào?…”, ông Vĩnh đề xuất.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo ICT News

Được quan tâm

Tin mới nhất
Hồ Ngọc Hà lại 'nóng bỏng tay'
Top 30 biệt đội KOLS nhí 2024 bùng nổ visual
Trải Nghiệm Sân Chơi Băng Tuyết Độc Đáo Giữa Lòng Thành Phố