Theo Independent, tính đến tháng 5.2021, những giao dịch Bitcoin đã tạo ra 30.700 tấn rác điện tử. Alex de Vries - nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách năng lượng và môi trường (CEEPR) cho biết lượng rác thải từ các giao dịch tiền ảo bằng với lượng rác thiết bị IT mà Hà Lan thải ra mỗi năm. Lượng rác IT này bao gồm những thứ như điện thoại di động, điện thoại bàn, máy tính cá nhân và máy in không còn được sử dụng.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tuổi thọ trung bình của các máy đào Bitcoin là 1,29 năm. Một vấn đề khác là việc dùng chip ASIC - loại chip tạo ra chỉ để khai thác tiền mã hóa. Khi công nghệ phát triển, các thợ đào sẽ cần những loại máy tân tiến hơn để tăng tốc độ khai thác, và những loại chip chỉ có duy nhất mục đích như ASIC dễ trở thành rác thải.
Các chuyên gia cho rằng nhu cầu tìm mua phần cứng khai thác tiền mã hóa đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng bán dẫn, bên cạnh nhiều lý do khác như dịch Covid-19, thương chiến Mỹ - Trung và hạn hán Đài Loan.
Những năm qua, việc đào tiền mã hóa gây tranh cãi vì ngốn quá nhiều năng lượng, thải khí carbon gây ô nhiễm môi trường. Hiện giờ, nhiều loại tiền mã hóa nổi tiếng như Cardano, Polkadot đã sử dụng giao thức "Proof of Stake" (PoS) thay cho "Proof of Work" (PoW) do ít tốn điện hơn. Nhóm phát triển blockchain Ethereum cũng tuyên bố sẽ thực hiện chuyển đổi sang công nghệ PoS cho toàn hệ thống vào cuối năm 2021.
Alex de Vries cho rằng quá trình chuyển đổi sang giao thức PoS là điều tất yếu, nhưng như thế chưa đủ giải quyết gốc rễ vấn đề. Chỉ cần cuộc đua lợi nhuận còn tiếp diễn, giá tiền mã hóa tiếp tục tăng, cho dù những thợ đào trên toàn thế giới có khai thác bằng 100% năng lượng xanh thì vấn đề rác thải điện tử vẫn không được giải quyết.
Theo The Guardian, cũng có những loại tiền mã hóa như đồng Chia không gây tiêu tốn năng lượng nhờ sử dụng giao thức "Proof of Space", nhưng lại khiến các thợ đào săn lùng ổ HDD và SSD, dẫn đến tình trạng tăng giá, thiếu hụt các loại ổ cứng trên thị trường.