Cuối cùng, hai nhóm khách hàng độc lập quyết định khởi kiện nhà sản xuất MacBook. Đại diện cho các nhóm khách hàng, hai công ty luật Migliaccio & Rathod LLP và Bursor & Fisher vừa đệ đơn kiện Apple tại California (Mỹ) vào tuần trước, trong khi "nhà táo" đang tổ chức sự kiện ra mắt iPhone 13.
Công ty luật Migliaccio & Rathod LLP cho biết các khách hàng không dùng lực mạnh khi mở MacBook nhưng vẫn thấy những vết nứt nghiêm trọng xuất hiện trên màn hình Retina, hoặc có vài người phát hiện vết nứt sau khi điều chỉnh góc màn hình. Không ai lường trước những việc làm đơn giản như vậy sẽ gây nứt màn hình.
Đơn kiện chỉ trích Apple không tiếp nhận những khiếu nại của khách hàng mà đổ lỗi cho "thủ phạm" là một vật hoặc hạt nhỏ mắc kẹt giữa màn hình và bàn phím lúc MacBook được gập lại, dù nhiều người khẳng định tình huống đó không hề xảy ra.
Đơn kiện của công ty Bursor & Fisher ghi thẳng thừng hơn: "MacBook M1 bị lỗi vì màn hình cực kỳ mỏng manh, dễ vỡ, thường xảy ra lỗi màn hình đen, hoặc xuất hiện những đường kẻ và hình vuông đỏ, tím, xanh, hoặc có khi ngừng hoạt động hoàn toàn".
Bị hàng nghìn người dùng trên toàn cầu phản ánh, dịch vụ chăm sóc khách hàng của "nhà táo" vẫn từ chối nhận sửa màn hình miễn phí cho họ. Khách hàng phải tự bỏ ra 600 - 850 USD để sửa màn hình mà không được Apple hỗ trợ.
Cả hai nhóm đệ đơn kiện Apple đều muốn được công ty bồi thường và thừa nhận màn hình MacBook bị lỗi. Đây không phải lần đầu tiên Apple trở thành mục tiêu của một vụ kiện tập thể liên quan đến MacBook. Công ty từng phải bào chữa cho chất lượng của bàn phím Butterfly trên MacBook và lặng lẽ khắc phục lỗi đèn nền Flexgate dù không trực tiếp thừa nhận trước công chúng.
Dù Apple đã đồng ý sửa chữa miễn phí cho những khách hàng gặp sự cố bàn phím Butterfly nhưng trường hợp hư màn hình sẽ khiến công ty chịu nhiều thiệt hại hơn, do việc sửa màn hình trên mỗi chiếc laptop có thể tốn vài trăm USD.