Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Công nghệ số

Màn điều trần quanh co, khôi hài của Google và Facebook

Phiên điều trần về độc quyền vừa diễn ra với sự tham gia của Facebook, Google, Apple và Amazon không được tổ chức tốt. CEO Facebook trả lời quanh co và hướng mũi dùi sang đối thủ.

Trong phiên điều trần diễn ra rạng sáng 30/7 (giờ Việt Nam), CEO của 4 gã khổng lồ công nghệ đã cùng lúc phải nhận những câu hỏi về độc quyền từ các thành viên của Hạ viện Mỹ. Tuy nhiên, theo nhận định của Reuters, CEO Google và Facebook phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa nhất.

Màn trình diễn của 4 CEO thế nào?

Mở đầu buổi điều trần, Mark Zuckerberg, Tim Cook, Jeff Bezos và Sundar Pichai buộc phải giơ cánh tay phải lên để thề rằng những gì nói với Hạ viện đều là sự thật. Ngoài ra, chủ tọa Cicilline cũng yêu cầu người đứng đầu của 4 công ty công nghệ lớn không được trả lời theo các trợ lý sau hậu trường.

Thế nhưng có vẻ Sudar Pichai không làm như vậy khi ông liên tục nhìn về phía trái camera trong lúc suy nghĩ câu trả lời.

Màn điều trần quanh co, khôi hài của Google và Facebook Ảnh 1
Các CEO xuất hiện và trả lời trên màn hình TV trong phiên điều trần. (Ảnh: Graeme Jennings)

Về phía CEO Facebook, như mọi khi, Mark Zuckerberg liên tục uống nước trong phiên điều trần của mình. Và đúng như dự đoán của phóng viên Tony Romm, Mark Zuckerberg dù diện lên bộ vest đáng tin cậy nhưng vẻ mặt của người đứng đầu Facebook vẫn trông “rất lập dị”

“Mặc bộ vest trông đáng tin, uống nước để lấy lại bình tĩnh và phông nền với đèn flash của phóng viên là cách mà Mark Zuckerberg xuất hiện trong hàng nghìn bài báo viết về các bê bối của Facebook trong năm qua. Nhưng năm nay, nhờ có Covid-19, 4 ông lớn công nghệ có quyền được ngồi ở nhà điều trần. Đó là một lợi thế cho họ”, Tony Romm, phóng viên chuyên về mảng chính sách công nghệ của Washington Post nói trong phần giao lưu trước phiên điều trần.

Như một cỗ máy được lập trình sẵn, Mark nhìn chằm chằm vào camera góc rộng dí sát vào gương mặt. Không đảo mắt, CEO Facebook trả lời vanh vách các câu hỏi của Hạ viện. Khác với những CEO còn lại, Mark dùng góc máy cận để che đi điểm yếu duy nhất của mình là đôi tay lúng túng khi trả lời, đặc biệt là với các bằng chứng email thuyết phục về việc lợi dụng vị thế độc quyền mạng xã hội để thâu tóm đối thủ.

Trong khi đó, CEO Sundar Pichai của Google lại liên tục phải xin trả lời sau, hoặc xem kỹ lại các bằng chứng mà các nghị sĩ đưa ra. Dù đây mới là lần đầu điều trần tại quốc hội, CEO Amazon Jeff Bezos lại tỏ ra là người tự tin và trả lời các câu hỏi rất thoải mái. CEO Apple Tim Cook cũng có màn thể hiện tốt.

Reuters nhận định cuộc điều trần 4 công ty công nghệ lớn nhất thế giới lại diễn ra theo cách kém công nghệ. Cả 4 CEO ngồi ở nhà và trả lời qua dịch vụ họp trực tuyến, và Bezos đã có thời gian nghỉ ngơi tới 90 phút khi có một sự cố khiến ông không thể trả lời. Khi hình ảnh trở lại, người ta thấy ông đang ăn vặt.

Màn điều trần quanh co, khôi hài của Google và Facebook Ảnh 2
Người giàu nhất thế giới Jeff Bezos tranh thủ ăn vặt trong khi chờ đợi những câu hỏi. (Ảnh chụp màn hình)

Âm thanh kém, TV chiếu hình ảnh các CEO bị tắt cũng là những sự cố khiến phiên điều trần trở thành sự chế giễu trên Twitter.

Bị hỏi khó, Mark Zuckerberg hướng chỉ trích tới đối thủ

CEO Facebook Mark Zuckerberg đã bị hỏi rất kỹ về thương vụ mua lại mạng xã hội Instagram vào năm 2012. Những email thương thảo và chi tiết về thương vụ này được đưa ra như bằng chứng. Trong một email, Zuckerberg cho rằng Instagram sẽ là kẻ phá đám Facebook. Một email khác từ giám đốc tài chính Facebook đề cập tới việc triệt hạ đối thủ tiềm năng.

Nghị sĩ Jerry Nadler cho rằng những email này cho thấy Facebook xem Instagram là đối thủ và thay vì cạnh tranh sòng phẳng đã mua lại họ. Thương vụ trị giá 715 triệu USD vào năm 2012 "chính là loại thương vụ triệt hạ cạnh tranh mà các luật chống độc quyền muốn ngăn chặn", ông Nadler nhận xét.

Trả lời vấn đề này, Zuckerberg cho rằng ông không phủ nhận từng coi Instagram như một mối đe doạ, nhưng cũng chỉ ra thương vụ này đã được Uỷ ban Thương mại Mỹ (FTC) thông qua. CEO Facebook cũng cho rằng với quy mô của Instagram lúc đó thì khó có thể cạnh tranh với Facebook.

Màn điều trần quanh co, khôi hài của Google và Facebook Ảnh 3
CEO Facebook luôn khẳng định không vi phạm luật cạnh tranh dù có nhiều bằng chứng từ các nghị sĩ. (Ảnh: Bloomberg)

"Mọi người không nghĩ rằng họ có thể cạnh tranh với chúng tôi", Mark Zuckerberg cho biết.

Sau câu trả lời của Mark Zuckerberg, chủ toạ phiên điều trần David Cicilline cho biết việc FTC sai lầm vào năm 2012 không liên quan gì tới việc Facebook có vi phạm luật cạnh tranh hay không.

Bằng chứng cho thấy Zuckerberg ban đầu chỉ muốn mua Instagram để có thêm thời gian phát triển tính năng chia sẻ ảnh trên nền tảng Facebook. Ông từng nói với Kevin Systrom, đồng sáng lập Instagram rằng Facebook sẽ làm ứng dụng nhái Instagram có tên Facebook Camera. Khi được hỏi có từng đe doạ các ứng dụng khác như vậy chưa, Mark Zuckerberg lại cho rằng đấy không phải lời đe doạ.

Mark Zuckerberg cũng thừa nhận WhatsApp, được Facebook mua lại vào năm 2014, cũng là một đối thủ. Sự thành công của Instagram sau khi gia nhập Facebook, đặc biệt là mô hình hoạt động có vẻ độc lập, đã giúp Mark Zuckerberg thuyết phục những nhà sáng lập WhatsApp để mua lại ứng dụng này với giá 22 tỷ USD.

Mark Zuckerberg cũng không ngại ngần lái mũi dùi tới các đối thủ như Amazon, Google hay TikTok.

"Trong nhiều lĩnh vực, chúng tôi đi sau các đối thủ. Ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất ở Mỹ là iMessage. Ứng dụng tăng trưởng nhanh nhất là TikTok. Ứng dụng video phổ biến nhất là YouTube. Nền tảng quảng cáo tăng trưởng nhanh nhất là Amazon. Nền tảng quảng cáo lớn nhất là Google. Với mỗi USD quảng cáo tại Mỹ, chỉ có dưới 10 cent được chi cho chúng tôi", CEO Facebook khẳng định.

Bloomberg nhận định đây là lý do các CEO muốn xuất hiện một thể chứ không muốn phải trả lời từng câu hỏi rải rác suốt vụ điều trần. Việc chỉ xuất hiện một lần giúp cho họ hướng sự chỉ trích tới các đối thủ.

"Apple phải giành giật cả khách hàng lẫn nhà phát triển"

CEO Tim Cook của Apple gần như không bị hỏi tới ở phần đầu phiên điều trần, nhưng những câu hỏi dành cho ông về App Store cũng không hề đơn giản.

Năm 2018, Apple đã xoá bỏ các ứng dụng giúp kiểm soát thời gian sử dụng thiết bị trên App Store ngay sau khi họ tích hợp tính năng này vào iOS 12. Trước câu hỏi của hai nghị sĩ về lý do, CEO Tim Cook cho rằng Apple bỏ các ứng dụng với lý do bảo mật chứ không phải cạnh tranh.

Màn điều trần quanh co, khôi hài của Google và Facebook Ảnh 4
Tim Cook phải trả lời nhiều câu hỏi về những bức xúc của các nhà phát triển trên nền tảng Apple. (Ảnh chụp màn hình)

Trước bằng chứng là một email, trong đó Phó chủ tịch Phil Schiller giải thích với một phụ huynh rằng ông có thể dùng công cụ của Apple thay cho các công cụ trên App Store trước kia, Tim Cook cho biết ông không thể nhìn rõ email này.

Trong vụ mâu thuẫn với AirBnB và ClassPass về mức phí, nghị sĩ Jerrold Nadler cho rằng Apple đang "thu lợi từ đại dịch". Tim Cook cho biết các quy định của Apple yêu cầu những công ty kinh doanh dịch vụ số phải trả phí cho Apple, nhưng họ cũng đang làm việc với nhau để điều chỉnh khoản phí này vì những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Những quy định của Apple đối với các nhà phát triển được cho là chèn ép, lợi dụng quyền lực của họ. CEO Tim Cook mở đầu cuộc điều trần bằng tuyên bố mọi nhà phát triển đều được đối xử công bằng. Tuy nhiên, bằng chứng do hội đồng đưa ra cho thấy vào năm 2014, Tim Cook từng email cho CEO Baidu rằng công ty này sẽ "được đánh giá ứng dụng nhanh hơn" với hai nhân sự.

Nghị sĩ Hank Johnson cũng chỉ ra rằng Apple cho phép Amazon được miễn khoản phí 30% cho dịch vụ phim trên nền tảng iOS, đổi lại thì các dịch vụ và sản phẩm của hai công ty sẽ được tích hợp tốt hơn. Tim Cook cho rằng mọi công ty đều có thể đạt được thoả thuận tương tự với Apple.

"Chúng tôi có những sự cạnh tranh để giành giật cả khách hàng lẫn những nhà phát triển. Sự cạnh tranh rất lớn, như một vụ ẩu đả trên phố vậy, để giành lấy thị phần trong ngành smartphone", Tim Cook giải thích lý do Apple luôn muốn đối xử công bằng với các nhà phát triển.

Tuy nhiên, New York Times nhận định ngành smartphone hiện nay chỉ có hai hệ điều hành là iOS và Android, là một thị trường độc quyền với hai hãng.

Những email được đưa ra cho thấy Apple từng có ý định thu tới 40% phí, chứ không phải mức 30% với các dịch vụ thuê bao trên iOS như hiện nay. Năm 2011, Giám đốc dịch vụ Eddy Cue chia sẻ trong một email rằng Apple "nên thu mức 40% cho năm đầu tiên, nhưng cần phải thử nghiệm để xem mức nào là hợp lý".

Giám đốc marketing sản phẩm của Apple Jai Chulani thì cho rằng thu mức phí 30% cho năm đầu tiên là bỏ phí những cơ hội kinh doanh.

Chiếm thị phần 92%, lãnh đạo Google khẳng định "chỉ giúp người dùng"

Trong số 4 lãnh đạo công nghệ, CEO Alphabet Sundar Pichai là người bị đặt nhiều câu hỏi hóc búa nhất. Đây là một điều gây bất ngờ, bởi ông mới xuất hiện trong một phiên điều trần vào năm ngoái, và cũng thường ít bị chỉ trích nhất trong dàn lãnh đạo công nghệ.

Các câu hỏi hướng tới ông Pichai chủ yếu liên quan tới công cụ tìm kiếm Google và quyết định rút khỏi dự án với quân đội Mỹ sau những phản đối từ chính nhân viên Google.

Màn điều trần quanh co, khôi hài của Google và Facebook Ảnh 5
CEO Alphabet Sundar Pichai trả lời tại phiên điều trần thông qua hệ thống họp trực tuyến. (Ảnh: Reuters)

Chủ toạ phiên điều trần David Cicilline mở đầu bằng cáo buộc Google đã ăn trộm nội dung từ các website khác để giữ người dùng ở lại công cụ của mình. Cụ thể, ông Cicilline chỉ ra rằng Google đã hiển thị các bài đánh giá của Yelp ngay cạnh kết quả tìm kiếm các địa điểm, và đe doạ loại Yelp khỏi danh sách hiển thị nếu công ty này phản khác.

"Vì sao Google lại lấy cắp nội dung từ những doanh nghiệp trung thực", ông Cicilline đưa ra câu hỏi với CEO Sundar Pichai.

"Những bằng chứng chỉ rõ khi mà Google trở thành cổng truy cập internet, Google đã lợi dụng quyền lực của mình và sử dụng công cụ theo dõi web để nhận biết các đối thủ và đè bẹp họ“, ông Cicilline nói thêm.

Ông Pichai cho rằng đó không phải là cách miêu tả chính xác về Google, và cho biết Google có rất nhiều đối thủ tìm kiếm trong từng hạng mục cụ thể, ví dụ là Amazon khi người dùng muốn mua sắm. CEO Alphabet cho rằng phần lớn kết quả tìm kiếm của Google không có quảng cáo, và Google chỉ giúp đỡ người dùng khi làm nổi bật các câu trả lời.

Theo số liệu của Statcounter, thị phần tìm kiếm của Google trên toàn cầu là 92%. Với thị phần quá lớn như vậy, rất nhiều website phụ thuộc vào Google để có lượng truy cập. Vài năm nay, Google đã loại bỏ nhiều công ty bất động sản khỏi danh sách tìm kiếm, thay vào đó tự cung cấp kết quả khi người dùng tìm các dịch vụ, khách sạn hay chuyến bay. Hành động này khiến cho nhiều đơn vị kinh doanh khốn đốn khi không có khách truy cập.

Những nghị sĩ đảng Cộng hoà thì hỏi rất kỹ về việc Google rút khỏi hợp đồng phát triển hệ thống phân tích drone cho Bộ Quốc phòng Mỹ, trong khi vẫn duy trì một phòng nghiên cứu AI tại Trung Quốc.

Trước câu hỏi này, ông Pichai phủ nhận việc Google hợp tác với quân đội Trung Quốc, đồng thời nói thêm rằng Google vẫn đang làm việc với quân đội Mỹ trong nhiều dự án, như một dự án an ninh mạng với Bộ Quốc phòng.

"Hoạt động kinh doanh của chúng tôi tại Trung Quốc ít hơn nhiều so với các công ty cùng ngành", ông Pichai cho biết. Bloomberg nhận định đây là một phát ngôn nhằm hướng sự chú ý tới Apple, công ty có doanh thu bán iPhone rất tốt tại Trung Quốc.

CEO Amazon dễ thở nhất

Sau gần 2 giờ ngồi xem các CEO khác trả lời, Jeff Bezos mới bị hỏi về vấn đề sử dụng dữ liệu của người dùng để cạnh tranh với chính các nhà bán lẻ đang kinh doanh trên nền tảng chợ điện tử của mình. Nghị sĩ Pramila Jayapal yêu cầu ông trả lời về vấn đề này, viện bằng chứng cho thấy Amazon có quy định về sử dụng dữ liệu nhưng không chặt chẽ.

Màn điều trần quanh co, khôi hài của Google và Facebook Ảnh 6
CEO Jeff Bezos có phiên hỏi đáp khá dễ chịu, nhưng ông vẫn trả lời loanh quanh. (Ảnh: Reuters)

Người giàu nhất hành tinh cho biết đúng là Amazon có một quy định cấm truy cập các dữ liệu của nhà bán lẻ để làm lợi cho các sản phẩm mang thương hiệu Amazon. Ngay sau đó, ông lại thừa nhận rằng "không thể nói chắc quy định này chưa từng bị vi phạm".

"Nếu chúng tôi thấy ai vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý ngay", ông Bezos cho biết.

Nghị sĩ Mary Scanlon thì hỏi Jeff Bezos về cuộc chiến giá giữa Amazon và Diapers.com, mà cuối cùng ông Amazon đã mua lại và đóng cửa đối thủ. Bà Scanlon cho rằng Amazon đã thao túng giá tã để khiến đối thủ không thể cạnh tranh và biến mất, sau đó lại tăng trở lại khi đối thủ không còn tồn tại.

"Tôi không nhớ là mọi chuyện diễn ra như vậy. Trong trí nhớ của tôi, chúng tôi chỉ có giá ngang bằng đối thủ", Jeff Bezos trả lời.

Theo Geekwire, dù Jeff Bezos không thừa nhận một điểm sai nào của Amazon, việc ông trả lời khá loanh quanh trước các bằng chứng đã cho thấy cách hoạt động của Amazon có thể vi phạm luật chống độc quyền.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Zing

Nguồn bài viết
Được quan tâm

Tin mới nhất