Ông Lee Kun Hee, Chủ tịch tập đoàn Samsung, Hàn Quốc, qua đời vào hôm nay (25/10), hưởng thọ 78 tuổi.
Theo thông tin từ phía Samsung, ông Lee đã trút hơi thở cuối cùng vào Chủ Nhật hôm nay bên cạnh gia đình. Nguyên nhân qua đời của Chủ tịch Samsung không được tiết lộ, chỉ biết rằng gia đình ông sẽ tổ chức tang lễ riêng tư.
Chủ tịch Lee Kun Hee là người đã dẫn dắt Samsung trong hơn hai thập kỷ. Dưới sự dẫn dắt của ông, Samsung từ một tập đoàn chỉ được xem là sản xuất TV giá rẻ trong mắt người phương Tây, đã vươn lên thành một trong những tập đoàn tăng trưởng bật nhất thế giới, với sản phẩm có mặt ở mọi nơi trên toàn cầu.
"Chủ tịch Lee Kun Hee là người có tầm nhìn xa trông rộng, ông đã dẫn dắt Samsung từ một doanh nghiệp địa phương thành tập đoàn sáng tạo hàng đầu thế giới về đổi mới và công nghiệp.
Tất cả chúng tôi tại Samsung sẽ luôn trân trọng những di sản của ông và biết ơn về quãng hành trình đã được đồng hành cùng ông. Di sản của ông sẽ mãi trường tồn", thông cáo của Samsung viết.
Xem thêm: Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Kun Hee qua đời
Thành công nhờ luôn dám tiên phong trong công nghệ
Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee sinh ngày 9 tháng 1 năm 1942 tại thành phố Daegu. Ông là con trai thứ ba của người sáng lập tập đoàn Samsung.
Từ nhỏ ông đã thông thạo tiếng Hàn, tiếng Anh và tiếng Nhật. Ông tốt nghiệp ngành kinh tế tại Đại học Waseda và lấy bằng thạc sĩ ở Đại học George Washington (Mỹ).
Dù được biết với tư cách con của nhà sáng lập tập đoàn, song ông Lee Kun Hee chỉ chính thức gia nhập điều hành tập đoàn Samsung vào năm 1966, khi điều hành chi nhánh công ty ở Tongyang Broadcasting Company.
Sau đó, ông tiếp tục làm việc tại Samsung C&T, công ty xây dựng và kinh doanh của Samsung, trước khi được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch tập đoàn vào năm 1979.
Đến năm 1987, khi đã bước sang tuổi 45, ông mới kế vị cơ ngơi của cha mình, người sáng lập tập đoàn Samsung - Lee Byung-chul.
Kể từ khi còn là trợ tá cho cha mình, ông Lee Kun Hee đã định hướng cho Samsung tập trung vào ngành công nghiệp sản xuất bán dẫn.
Thời điểm nhưng năm 1970, Samsung chỉ được biết đến như một hãng sản xuất hàng điện tử giá rẻ, trong khi đó ngành công nghiệp sản xuất bán dẫn vốn là thị trường Nhật Bản đã đi trước hàng chục năm.
Thế nên, quyết định gia nhập thị trường sản xuất bán dẫn của ông Lee Kun Hee được đánh giá là khá liều lĩnh vào thời điểm đó.
Sau khi thuyết phục được cha mình, cũng là người đang nắm giữ ghế chủ tịch Samsung lúc bấy giờ là ông Lee Byung-chul, năm 1974, Samsung đã mua lại cổ phần của công ty bán dẫn Hàn Quốc.
Đến ngày 15/3/1983, chủ tịch Lee Buyng Chul đã chính thức phát biểu với báo giới về sự kiện Samsung gia nhập thị trường bán dẫn. Động thái gia nhập thị trường bán dẫn của Samsung chỉ nhận về những hoài nghi của giới tài chính trong nước.
Thế nhưng, chưa đầy một năm sau đó, Samsung Electronics đã trình làng một sản phẩm gây chấn động đối với các nhà sản xuất bán dẫn toàn cầu - 64K DRAM.
Theo đó, Samsung Electronics, một hãng điện tử mới "chân ướt chân ráo" gia nhập vào lĩnh vực bán dẫn, đã vượt mặt các ông lớn thời bấy giờ để trở thành doanh nghiệp thứ 3 trên thế giới phát triển thành công sản phẩm 64K DRAM.
Với tầm nhìn đáng kinh ngạc của ông Lee Kun Hee, Samsung cũng đã tiên phong trong việc đầu tư vào phiến bán dẫn 8inch, vượt trên các tên tuổi lớn Toshiba, NEC, Hitachi.
Chỉ trong đến chưa đầy 2 thập kỷ, Samsung đã trở thành nhà sản xuất vi mạch nhớ lớn nhất thế giới vào năm 1992, là nhà sản xuất vi mạch lớn thứ 2 thế giới sau Intel.
Lee Kun Hee chính là người đã đặt nền tảng để Samsung có thể có được lợi thế cạnh tranh trên toàn thế giới trong lĩnh vực công nghệ.
“Chúng ta có thể tụt hậu trong công nghệ analogue, nhưng nhất định phải tiên phong trong công nghệ kỹ thuật số”, ông nhận định.
Không ngừng cải tiến để vươn lên vị trí hàng đầu
Trong suốt thời gian tại vị, ông Lee luôn giữ vai trò nhà tư tưởng lớn của Samsung và là người đề xuất nhiều định hướng chiến lược quan trọng.
Trong cuốn sách "Tinh hoa Quản trị", tác giả Peter Drucker từng nhận định về cố Chủ tịch Samsung như sau: "Thành quả mà ông Lee Kun Hee cống hiến cho Samsung không phải là giúp tập đoàn giải quyết vấn đề trước mắt, mà ông đã tìm ra một hướng phát triển mới cho công ty."
Năm 1995, Samsung sản xuất màn hình tinh thể lỏng (LCD) đầu tiên và chỉ trong 10 năm đã vươn lên thành nhà sản xuất màn hình hình tinh thể lỏng lớn nhất thế giới.
Năm 1997, Samsung chính thức gia nhập thị trường điện thoại di động và trở thành hãng sản xuất smartphone lớn nhất thê giới hiện nay, cùng tên tuổi sánh ngang với Apple.
Năm 1998, Hàn Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cơn khủng hoảng tài chính châu Á. Samsung Motor – một công ty con của tập đoàn – được bán cho Renault với mức giá rất thấp, Samsung phải gánh một khoản lỗ lớn từ Samsung Motor.
Tuy nhiên, đây cũng là phần duy nhất bị ảnh hưởng, các lĩnh vực còn lại của Samsung gần như không suy chuyển bởi cuộc khủng hoảng này. Tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc vẫn chú trọng trong mảng đầu tư và phát triển những công nghệ đột phá.
Dù trong 4 năm liền, tính từ năm 2000 đến năm 2003, 16 trong 30 công ty hàng đầu Hàn Quốc đã ngừng hoạt động trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế lúc bấy giờ. Nhưng điều đó cũng không ảnh hưởng đến Samsung, lợi nhuận ròng của tập đoàn vẫn tăng đều hơn 5% mỗi năm.
Với vị thế ngày một nâng cao, Samsung lần lượt đánh bại từng đối thủ từ những cường quốc công nghệ lúc bấy giờ. Theo đó, vào 2005, Samsung Electronics đã vượt qua Sony của Nhật Bản, khi lần đầu tiên được vinh danh là thương hiệu được người tiêu dùng bình chọn lớn thứ 20 trên toàn cầu.
Năm 2007, Samsung Electronics tiếp tục vượt mặt Motorola, vươn lên thành nhà sản xuất di động lớn thứ hai trên thế giới. Chưa dừng lại, năm 2009, Samsung đạt tổng doanh thu 117.4 tỷ USD, đánh bật Hewlett-Packard, trở thành công ty công nghệ lớn nhất thế giới xét về doanh thu bán hàng.
Trong quý đầu tiên của năm 2012, Samsung Electronics trở thành nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới theo số lượng đơn hàng, vượt qua Nokia, 'nhà vua' đã từng dẫn đầu thị trường suốt từ những năm 1998 cho đến tận thời điểm đó.
Từ đó cho đến nay, tầm ảnh hưởng toàn cầu của Samsung vẫn liên tục tăng bất chấp những thách thức thời gian và đối thủ.
Năm 2018, Samsung trở thành thương hiệu giá trị thứ 4 trên thế giới, tăng 2 bậc so với năm 2017, trong bảng xếp hạng của Brand Finance - công ty định giá hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh, chỉ sau 3 gã khổng lồ công nghệ Mỹ, gồm: Amazon, Apple và Google.
Mới đây nhất, Samsung đã đạt Top 5 Thương hiệu Tốt nhất Toàn cầu 2020 của Interbrand, với giá trị thương hiệu đạt mức 62,3 tỷ USD, tăng gấp mười hai lần so với đánh giá ban đầu vào năm 2000.
Xem thêm: Chủ tịch Lee Kun Hee qua đời, ai sẽ là người kế tiếp lèo lái Samsung?