Công Nghệ

Làm sao người ta tính được tỷ lệ chuyền, cản phá chính xác, phần trăm cầm bóng trong mỗi trận đấu?

Theo Trí Thức Trẻ
Chia sẻ

Đằng sau những con số thống kê hiện trên màn hình là công sức của một đội ngũ nhân viên theo dõi bằng xương bằng thịt.

Đội X đã là đội giữ bóng nhiều hơn với 69% thời gian kiểm soát bóng. Đội Y là đội có nhiều đường chuyền hơn - 327 đường chuyền với tỉ lệ chính xác 83%. Giữa lúc trái bóng đang lăn, ta nhìn thấy những con số này hiện trên màn hình, đi kèm là lời bình luận viên đọc lớn những thông số ấy. Ta tự hỏi những thông số này ở đâu ra.

Trong thời đại của công nghệ, có lẽ ai trong chúng ta cũng nghĩ rằng những con số chi tiết trên là sự kì diệu của một hệ thống theo dõi tiên tiến nào đó. Bạn vừa đúng vừa sai, hệ thống theo dõi tiên tiến ấy chính là những con người đam mê, hiểu biết về trái bóng tròn bằng xương bằng thịt, và công việc của họ được hỗ trợ một phần bởi công nghệ.

Những con người nhiệt huyết ghi lại từng đường chuyền, từng pha tì đè, từng bước chạy

Với mỗi cú click và kéo chuột, những fan bóng đá trẻ tuổi trong phòng phân tích đang tạo nên một cơ sở dữ liệu khổng lồ, thay đổi cách mà môn thể thao vua được chơi, được xem và được phân tích.

Ta có hai cái tên nổi bật là Opta và Prozone, hai công ty đưa thông số một trận túc cầu đi xa hơn là những bàn thắng và những lần thủ môn cản phá cú sút. Họ cho ta phần trăm đường chuyền thành công, số lần cản phá thành công, tỉ lệ giao tranh thành công và nhiều hơn nữa.

Camera hiện đại không thể theo được toàn bộ những thông số này, vì thế các công ty cung cấp thông số trận đấu thuê thêm về những con người thật, đa số là các chàng trai trẻ, làm thêm công việc này ngoài giờ. Họ theo dõi và ghi lại mọi diễn biến trận đấu.

12 năm trước, Opta vẫn chưa hề cung cấp những thông số bóng đá như ngày nay. Năm 2001, công ty mới chuyển công nghệ từ dùng giấy bút để ghi chép sang dùng máy tính.

Giữa lúc các cầu thủ ăn mừng một pha lập công, thì những con người tận tụy này có thời gian để tua xem lại bàn thắng, cũng cùng lúc đó là xem luôn những sự kiện khác đã diễn ra. Còn trong trận đấu, chuyên viên sẽ theo dõi đường chuyền của ai tới ai, cầm chuột kéo hai vị trí chuyền và nhận bóng ấy, rồi ghi chú lại xem ai vừa nhận đường chuyền. Trên màn hình của họ, hình ảnh nền là hình ảnh sân bóng, đè lên trên là video của trận đấu đang diễn ra.

Nhìn vào màn hình này, chúng ta sẽ bối rối chẳng biết đường nào mà lần. Nhưng với những chuyên viên đã quá quen với công việc, đó lại là câu chuyện khác. Họ cầm chuột, kéo hai điểm đầu và điểm cuối của đường chuyền vừa được thực hiện, khác hẳn với vị trí trái bóng trong thời gian thực.

Đội hình một đội bóng càng quái lạ, công việc của họ sẽ càng khó. Vậy nên khi làm việc với đội tuyển được tổ chức chặt chẽ, hàng nào ra hàng đó như Barcelona hay Real Madrid, thì thông số được ghi chép dễ hơn nhiều.

Mà đam mê bóng đá cũng là một điểm mạnh khi làm việc nơi đây. Bởi lẽ có thể gọi đây là công việc “cho phép nhân viên đến làm, ngồi xem bóng xong đi về”. Cũng vì lòng nhiệt huyết với bóng đá, nên là không khí trong phòng làm việc chẳng khác nào một quán bia, một quán café bóng đá cả.

Có lời phàn nàn của người quản lý bộ phận tại Opta rằng “dù có cố thế nào, nếu như Liverpool mà ghi bàn trong khi Man City kém một bàn, bạn cũng sẽ nghe thấy tiếng gào rú từ cổ động viên Liverpool, thỉnh thoảng còn có mấy từ khiếm nhã nữa”.

Điều kiện xét tuyển ngoài am hiểu bóng đá, biết dùng đồ công nghệ, đó còn là kĩ năng liên kết mắt-tay linh hoạt nữa. Họ đều phải gõ bàn phím nhanh mà không cần nhìn xuống. Một huấn luyện viên bóng đá hàng đầu có khi còn chẳng có được kĩ năng này, nhưng một game thủ thì lại có.

Bên cạnh yếu tố con người là yếu tố công nghệ

Tồn tại kha khá công nghệ theo dõi, hoàn cảnh của giải đấu sẽ quyết định công nghệ nào được sử dụng.

Trong quá trình luyện tập, một số đội sử dụng RedFIR, một công nghệ phát triển bởi người Đức. Nó là một công cụ truyền sóng vô tuyến nặng 15 gram, có thể được gắn lên áo đấu, lên giày hoặc thậm chí là lên quả bóng, truyền tín hiệu về các đầu nhận được đặt xung quanh sân đấu.

Mọi sự kiện diễn ra đều được ghi lại, ví dụ như đường chuyền, đường tạt bóng, bàn thắng, thậm chí là đếm bước chân, tốc độ hay khoảng sân một cầu thủ đã bao quát được. Frauhofer IIS, công ty làm nên RedFIR, nói rằng hệ thống truyền bằng sóng vô tuyến này hơn hẳn mọi thiết bị theo dõi khác, bởi lẽ sóng này ít bị cản bởi các loại vật thể.

Công nghệ của RedFIR.

Nhưng có vẻ FIFA vẫn chưa áp dụng công nghệ này, phần nhiều là do thiết bị nặng 15 gram trên sẽ thay đổi nhiều điều, nhất là khi được gắn hẳn vào quả bóng. Hơn nữa, bản thân cầu thủ cũng không muốn thi đấu với một con microchip gắn lên chân hoặc lên bọc ống đồng.

Giải World Cup năm 2014 chứng kiến công nghệ Matrics trợ giúp những chuyên viên phân tích chỉ số trận đấu, một công nghệ theo dõi hình ảnh được công ty Deltatre tới từ Ý phát triển và sản xuất. Nó được cài đặt tại mọi sân vận động, sử dụng một số công nghệ và phần nhiều thông tin được nhập bằng tay để đưa ra những thông số thời gian thực.

Hệ thống hoạt động như thế này: 3 camera HD được đặt tại 3 vị trí khác nhau để nhận dạng 22 cầu thủ, 3 trọng tài và 1 quả bóng. Hệ thống theo dõi tọa độ của ba chủ thể trên, đưa thông tin về các màn hình của một đội ngũ 74 người ngồi ngay tại nơi diễn ra trận đấu. Họ được hỗ trợ bởi một đội ngũ kĩ thuật nữa ở Ý, nơi tạo ra Matrics.

Các thuật toán của hệ thống đếm số đường chuyền, tỉ lệ giữ bóng - thông thường, tỉ lệ này được tính bằng số đường chuyền thành công, và nhiều thông số khác nữa; tổng cộng là 350 thứ. Hệ thống nhận dạng hình ảnh cũng không hoàn toàn tự động. Trước mỗi trận đấu, cần có người nhập bằng tay các thông tin như màu áo đội tuyển, màu áo trọng tài, đặt vị trí các cầu thủ trên sân.

Công việc của những con người tận tụy đằng sau màn hình máy tính, kết hợp với những camera công nghệ cao bắt trọn được giá trị của những cầu thủ không ghi nên những bàn thắng hào nhoáng, mà chính là những người có những đường chuyền chuẩn như đặt, những người chạy bao quát cả một khoảng sân rộng để kiểm soát và càn quét. Đó cũng là những con người đóng vai trò cực kì quan trọng làm nên một chiến thắng.

Vẫn sẽ luôn có những cổ động viên nói ra lời cay đắng rằng con số họ quan tâm duy nhất là con số nằm ở góc trên màn hình - tỉ số trận đấu. Nhưng mặc kệ họ nói gì, kết quả chỉ là một phần, cái hay của bóng đá còn nằm nhiều ở màn biểu diễn của các cầu thủ trên sân.

Và cứ sau mỗi đường chuyền, mỗi bước chạy hay mỗi cú sút, ở phòng phân tích thông số trận đấu, lại có những con người cần mẫn đang ghi lại mọi thứ để cho ta một cái nhìn vẹn toàn quanh trái bóng tròn.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Trí Thức Trẻ

Tin mới nhất