Trong thời đại Internet bùng nổ như hiện nay, nhu cầu “nghe, nhìn” đang lấn át dần văn hóa đọc, các nền tảng video như YouTube ngày càng cho thấy sức hút của mình.
Nền tảng này không chỉ là nơi chia sẻ những video thỏa mãn nhu cầu giải trí mà còn là công cụ có thể hái ra tiền. Cũng chính vì lý do này, không ít người đã chuyển hướng sang làm vlogger.
Chỉ cần gõ từ khoá 'vlogger' trên YouTube hoặc Google, kết quả trả về là hàng loạt các video từ những vlogger với đủ loại ngành nghề, xuất thân trong cuộc sống.
Dân tình đổ xô nhau làm YouTube, vlogger
Theo khảo sát của Ypulse - một công ty chuyên nghiên cứu xu hướng giới trẻ, vào năm 2017 cho thấy, người trẻ ngày này không chỉ thích xem mà còn muốn trở thành các Vlogger, YouTuber.
Thu nhập "khủng", sự nổi tiếng và làm việc không cần tuân theo giờ giấc là những yếu tố lôi cuốn giới trẻ vào công việc sáng tạo nội dung này.
Theo thời gian, không chỉ người trẻ mà các 'cụ ông, cụ bà' cũng tham gia trào lưu làm YouTube. Có thể kể đến là trường hợp của kênh Bà Tân Vlog. Với nội dung chủ yếu là nấu các món 'siêu to khổng lồ', kênh của người phụ nữ ngũ tuần này đã đạt được thành tích khủng khi cán mốc 1 triệu người theo dõi chỉ sau 20 ngày, xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam.
Nhận thấy đây là một mảnh đất kiếm tiền màu mỡ, không cần chuyên ngành cụ thể, không yêu cầu kiến thức, dân tình tại Việt Nam lại càng 'đổ xô' đi làm YouTube nhiều hơn.
Từ các nội dung ẩm thực, du lịch, làm đẹp, review phim,... chỉ cần gõ vài từ khoá trên YouTube, kết quả trả về sẽ có thể lên đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn video do các nhà sáng tạo Việt Nam thực hiện.
Tuy nhiên, không phải cứ ai làm vlog là đều thành công. Việc đua nhau làm vlog khiến ý tưởng bị trùng lập nhiều hơn, dễ gây nhàm chán. Thậm chí, nhiều YouTuber còn cố tình câu tương tác bằng cách làm lố, đăng tải video gây sốc, phản cảm,... để thu hút người xem.
Câu view bằng cách đăng các video tranh cãi
Để thu hút lượt xem, không ít YouTuber, Vlogger đã đăng tải các video gây sốc, giật tít,... để câu kéo lượt xem từ những người dùng mạng tò mò, thậm chí cả những người dùng nhỏ tuổi chưa đủ nhận thức.
Gần đây nhất là trường hợp Hưng Vlog - con trai Bà Tân Vlog. Ngày 3/10 vừa qua, Hưng Vlog đã đăng tải video có tiêu đề “troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi”, trên kênh YouTube Hưng Troll.
Nội dung của đoạn vlog cho thấy, Hưng đã lấy trộm tiền của em trai và em gái của mình, song dùng tiền đó mua nước dừa, pizza về cho các em ăn.
Sau khi đoạn video đăng tải, hành động của con trai Bà Tân Vlog đã vấp phải nhiều phản ứng trái chiều. Đa phần đều cho rằng, con trai Bà Tân Vlog chẳng khác nào đang dạy hư trẻ con cách ăn trộm, ăn cắp.
Ngay lập tức, vào chiều ngày 7/10, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang đã lập biên bản xử phạt Nguyễn Văn Hưng số tiền 10 triệu đồng do thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Theo những nhà sáng tạo nội dung trên YouTube, có không ít nhà sáng tạo 'chú trọng' vào chỉ số lượt view, thay vì đầu tư kỹ lưỡng cho các nội dung đăng tải.
Bởi chỉ cần 1.000 lượt xem, những kênh YouTube 'ăn theo' này đã có thể kiếm được tiền từ YouTube, trong trường hợp kênh đã được bật kiếm tiền.
Trong trường hợp chưa được bất kiếm tiền, những kênh này cũng có thể nhanh chóng đạt đủ điều kiện được bật kiếm tiền khi đạt 1.000 lượt theo dõi và 4.000 giờ xem. Các chủ kênh cũng có thể kiếm tiền bằng cách bán lại tài khoản.
Kiếm tiền trên YouTube - liệu có dễ hay không?
Kiếm tiền qua các video trên YouTube không mới, tuy nhiên không phải ai cũng thành công, 'tiền vào đầy túi'. Từ năm 2018, YouTube quy định một kênh cá nhân chỉ có thể bật tính năng kiếm tiền khi đã đủ 4.000 giờ xem trong vòng 12 tháng và 1.000 lượt đăng ký.
Khi đạt chỉ tiêu, các đối tác của YouTube sẽ xét duyệt kênh đó từ 3 - 4 tháng để đảm bảo các video đăng tải không vi phạm pháp luật và quy định của YouTube, nhất là vấn đề bản quyền.
Một video thu hút nhiều người xem cũng chưa chắc đã kiếm được nhiều tiền, bởi điều này còn phải phụ thuộc vào quảng cáo. Dẫu vậy, những video có nhiều lượt xem sẽ thu hút được nhiều quảng cáo của các thương hiệu có liên quan với nội dung video và xu hướng của người dùng.
Tuy nhiên, các quảng cáo chỉ biến thành tiền khi khán giả thực sự xem các quảng cáo ấy.
Bên cạnh đó, khoản thu nhập mà YouTube trả cho các nhà sáng tạo nội dung không đồng nhất, mà còn tùy thuộc vào từng kênh và từng khu vực. Chẳng hạn, một kênh YouTube ở Việt Nam có thể nhận được từ 600 - 3.000 đồng cho 1 lượt xem quảng cáo, nhưng ở thị trường Âu - Mỹ, con số này có thể lên đến 6 - 10 USD.
Ví dụ như trường hợp của Bà Tân Vlog, con trai bà Tân - Hưng Vlog, từng chia sẻ rằng, kiếm tiền trên YouTube không dễ dàng như những lời đồn đại. Theo Hưng Vlog, giá cho mỗi lượt xem ở Việt Nam rất thấp, chỉ bằng 1/10 giá trị ở Mỹ.
Chưa kể, con trai Bà Tân Vlog cũng cho biết rằng, kênh YouTube của bà Tân còn phải chia cho bên thứ 3 từ doanh thu kiếm được. Bên thứ 3 này được trả 15 % thu thập từ kênh Bà Tân Vlog để bảo vệ các vấn đề về bản quyền cũng như đóng thuế cho kênh.
Tuy nhiên, không phải YouTuber nào cũng kiếm được tiền như trường hợp Bà Tân Vlog. Theo thống kê từ chính YouTube, có đến 90% các kênh trên trang nền tảng video này không kiếm nổi 2.5 USD/tháng. Trong trường hợp bạn kiếm được tiền nhờ quảng cáo từ YouTube, thì nền tảng này sẽ thu lại 45% thu nhập ấy.
Ngoài ra, ngay cả những người kiếm được tiền thì không phải ai cũng duy trì được năng lực sản xuất video đủ mạnh và liên tục. Những người này vẫn phải đối mặt với những áp lực tinh thần.
Trong trường hợp, nếu chẳng may bị vạ miệng hay vi phạm các quy định, một kênh YouTube được gầy dựng thời gian dài cũng có thể bị YouTube cho 'ra đảo'.