Công Nghệ

Khi smartphone dĩ nhiên phải đẹp, mạnh, chất, đây mới là thứ sẽ khiến người dùng phải móc hầu bao

Vũ Tuấn Anh
Chia sẻ

Trí tuệ nhân tạo (AI) hay xa hơn là Internet vạn vật (IoT) sẽ là một trong những đặc điểm cạnh tranh được các nhà sản xuất tận dụng trong tương lai gần.

Nói đến trí tuệ nhân tạo (AI) hay Internet vạn vật (IoT), nhiều người dùng dường như vẫn cảm thấy xa lạ. Thế nhưng, thực tế, những xu hướng công nghệ này đang dần len lỏi vào trong từng ngóc ngách của đời sống và thể hiện rõ nét và gần gũi nhất trên chính chiếc điện thoại thông minh mà bạn mang trên mình hàng ngày. Nó cũng được xem là một trong những cột trụ trong xu hướng công nghệ tương lai của con người. Không khó hiểu khi AI và IoT lại nhận được nhiều sự quan tâm của các hãng công nghệ đến vậy.

Mới đây nhất, một báo cáo từ CNBC cho biết Samsung sẽ đầu tư tới 20 tỷ USD vào hoạt động nghiên cứu liên quan đến những công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo trong vòng ba năm tiếp theo là một ví dụ.

“Cuộc chiến” trí tuệ nhân tạo cho người dùng đại trà đang thể hiện rõ nét nhất trên những chiếc smartphone.

Trung tuần tháng 7 vừa qua, hãng tư vấn ngành Strategy Analytics cũng đưa ra một con số khiến các nhà sản xuất smartphone cảm thấy sự cần thiết trong đầu tư vào trí tuệ nhân tạo lớn đến mức nào. Theo đó, hãng này cho biết 47,7% smartphone bán ra trong năm 2018 sẽ được trang bị một dạng trợ lý thông minh nhân tạo sẵn trên thiết bị, tăng lên từ con số 36,6% cùng kì năm ngoái. Hiện tại, Google (Google Assistant), Apple (Siri), Amazon (Alexa) hay Samsung (Bixby) là những cái tên đáng chú ý nhất trong cuộc chơi này.

Trợ lý ảo Alexa của Amazon được đánh giá cao nhưng sẽ khó có thể thành công (ít nhất là về mặt số lượng người dùng) nếu không được đưa lên điện thoại di động.

Xét về tương quan trên cuộc cạnh tranh trợ lý ảo thông minh nhân tạo, Google Assistant đang có lợi thế lớn nhờ hệ sinh thái rộng lớn của Google đồng nghĩa với việc nó có rất nhiều thông tin của người dùng trong khi đó Alexa của Amazon cũng được đánh giá cao về độ thông minh nhưng lại có “độ phủ” khá hẹp khi chỉ có trên dòng loa thông minh Echo. Siri của Apple và Bixby của Samsung lại có thế mạnh ở việc Apple và Samsung là những nhà sản xuất smartphone đồng thời có tiềm lực tài chính dồi dào để đầu tư và phát triển.

Hệ sinh thái dịch vụ Internet đa dạng của Google giúp Google Assistant có cơ hội hiểu sâu và rộng về người dùng…

Mới đây, Samsung cũng đã giới thiệu tới người dùng Bixby 2.0 cùng chiếc Samsung Galaxy Note9 với điểm nhấn lớn nhất nằm ở khả năng tích hợp tốt hơn với các ứng dụng bên thứ ba. Trợ lý ảo của Samsung lúc này theo đó có thể thực hiện nhiều tác vụ hơn để phục vụ nhu cầu người dùng như đặt bàn, đặt xe hay tự động điền các thông tin quan trọng dựa trên lịch sử người dùng. Thực tế, Bixby của Samsung mới được trình làng từ năm ngoái. Thế nhưng, những bước tiến của trợ lý ảo thông minh này là rất ấn tượng. Ở thời điểm hiện tại, Bixby 2.0 mới chỉ khả dụng trên Samsung Galaxy Note9 và loa thông minh Samsung Galaxy Home Speaker.

… thế nhưng các nhà sản xuất như Samsung lại có lợi thế “đặc quyền” nhờ hệ sinh thái phần cứng đa dạng, không dừng lại ở smartphone mà còn là các thiết bị gia dụng như tủ lạnh, máy hút bụi, TV, máy giặt…

So với Apple, Samsung có một lợi thế lớn hơn trên cuộc chơi trợ lý ảo thông minh nhân tạo mặc dù sinh sau đẻ muộn nhờ hệ sinh thái rộng lớn các thiết bị thông minh cho gia đình. Theo đó, trong tương lai, không loại trừ khả năng Samsung sẽ tích hợp Bixby vào cả các thiết bị như tủ lạnh, máy giặt hay TV để người dùng có thể tương tác với toàn bộ các thiết bị trong gia đình xoay quanh trí tuệ nhân tạo. Tất cả sẽ tạo ra một hệ sinh thái Internet vạn vật (IoT) cho cuộc sống thuận tiện hơn.

Sau tất cả, có thể thấy cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI) hay Internet vạn vật (IoT) mới chỉ đang bắt đầu và giờ là thời điểm việc đầu tư và các hoạt động như đầu tư và phát triển (R&D) với các hãng công nghệ là cực kì quan trọng. Chỉ vài năm nữa thôi, khi một chiếc điện thoại có thiết kế đẹp hay cấu hình mạnh không còn quá quan trọng với người dùng (vì được xem là những yếu tố hiển nhiên cần có để cạnh tranh), các tính năng trí tuệ nhân tạo hay khả năng đồng bộ đa thiết bị với IoT sẽ là những yếu tố giúp cạnh tranh tốt.

Chia sẻ

Bài viết

Vũ Tuấn Anh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất