Thời điểm đầu năm 2020, một loạt vlogger nổi tiếng Việt Nam, trong đó có Quỳnh Trần JP đã phải lao đao vì quy định mới của YouTube.
Theo đó, những video có sự xuất hiện của bé Sa, con của Quỳnh Trần, đã bị YouTube tắt bình luận, hạn chế kiếm tiền vì vấp phải “Đạo luật bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em” (COPPA), có hiệu lực trên nền tảng này từ 1/1/2020.
Sau một thời gian chấp hành các quy định mới từ YouTube, đồng thời gửi kháng nghị đến nền tảng này, Quỳnh Trần JP đã tìm được cách để bé Sa có thể cùng quay vlog.
Tuy nhiên, trong một chia sẻ mới đây trên fanpage có hơn 753.000 người theo dõi, Quỳnh Trần JP đã thông báo một vài video trên kênh của cô đã bị tắt kiếm tiền. Nguyên nhân được đưa ra là “Không phù hợp với nhà quảng cáo”.
Thông báo này của Quỳnh Trần JP khiến nhiều người suy đoán nữ vlogger đã bị YouTube “tuýp còi” vì có cảnh Quỳnh Trần thực hiện chế biến tươi sống các loại hải sản, dùng dao kéo nên bị YouTube xếp loại “giết mổ động vật”.
"Chắc video phạm lỗi làm tôm sống có cảnh sát muối, cắt đuôi, chị chỉnh sửa video đăng lại đi", "Cua tôm còn sống chị bỏ vào nồi luộc, người ta coi đó là hành động dã man",... một số người suy đoán.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng gợi ý Quỳnh Trần JP nên đăng lại các video chỉnh sửa, đồng thời gửi kháng nghị lên YouTube.
Thời gian gần đây, không chỉ Quỳnh Trần JP, 'vlogger nghị lực nhất Việt Nam' Sang Vlog cũng từng chia sẻ kênh YouTube của mình thường xuyên bị tắt kiếm tiền.
Nguyên nhân được cho là tương đồng với chị Quỳnh, liên quan tới “giết mổ động vật”. Tuy nhiên, số khác lại suy đoán nữ Sang Vlog đã bị YouTube “tuýp còi” vì cho phép trẻ em xuất hiện trên kênh YouTube của mình.
Được biết, đây là một trong những quy định có trong chính sách mới nhất của YouTube về quyền trẻ em, nhằm tuân theo “Đạo luật bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em” (COPPA) mà Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC) đặt ra cho nền tảng này.
Theo đó, kể từ 01/01/2020, YouTube sẽ tự hạn chế một số quyền lợi của các chủ kênh có nội dung liên quan tới trẻ em và loại hình khán giả nhỏ tuổi, nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi an toàn cho trẻ em khi xuất hiện trong video.
Đồng thời, các YouTuber cũng phải có trách nhiệm cho YouTube biết nội dung mà chủ kênh được đăng tải có dành cho trẻ em hay không. YouTube cũng sẽ dùng công nghệ máy học để giúp xác định những video nhắm đến khán giả nhỏ tuổi.
Nhìn chung, những video được YouTube phân loại vào video dành cho trẻ em sẽ bị hạn chế một số tính năng như: Quảng cáo tùy chọn cá nhân hóa, bình luận, hội viên của kênh, logo thương hiệu của kênh, nút quyên góp,...