Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Công nghệ số

iFan kiếm tiền như thế nào?

15.000 tỷ đồng mà iFan bị tố lừa đảo là con số vô cùng lớn. Tuy nhiên chuỗi đa cấp khổng lồ này có cách để làm được điều đó.

Những ngày qua, dư luận xôn xao việc iFan bị tố lừa đảo hơn 15.000 tỷ đồng, con số ngoài sức tưởng tượng của bất kỳ ai. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao người đầu tư có thể chi số tiền lớn như vậy và iFan kiếm tiền bằng những cách nào?

“Lập lờ đánh lận con đen”

Đầu tiên, chuỗi đa cấp tạo ra iFan - đồng tiền số tích điểm cho các ứng dụng liên quan đến showbiz. Nó tương tự ứng dụng vFan mà ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng từng “hân hạnh” khi được chọn là gương mặt đại diện. Diệp Khắc Cường - được coi là người đứng đầu dự án vFan - cũng có mặt tại buổi ra mắt iFan để kêu gọi vốn đầu tư.

Sau đó Diệp Khắc Cường đã đăng đàn giải thích mình không liên quan đến iFan từ ngày 8/10/2017.

Toàn bộ hoạt động từ thành lập đến “rút êm” của dự án đa cấp iFan.

Tuy nhiên tại những buổi nói chuyện do iFan tổ chức, logo vFan và iFan trộn lẫn vào nhau trên sân khấu. Hình ảnh vFan cũng được sử dụng trên fanpage iFan khiến nhiều người tin rằng đây là nền tảng có sự góp mặt của Diệp Khắc Cường và nhiều người nổi tiếng.

“Đàm Vĩnh Hưng còn nói cậu ấy rất tự hào khi làm gương mặt đầu tiên của ứng dụng. Tôi bị lừa vài dự án coin nhưng với người nổi tiếng tôi không nghĩ mình mắc cái bẫy tinh vi như vậy”, cô L. ngụ Tân Bình cho biết.

Ngoài ra, iFan còn thường xuyên tổ chức những sự kiện xa xỉ, có sự hiện diện của người nước ngoài, có MC nói tiếng Anh nhằm tăng tính “chuyên nghiệp” cho dự án.

Đi lên cung trăng

Sau khi chuẩn bị được nền tảng đáng tin cậy, iFan bắt đầu tạo nên “cơn sốt” ảo. Hệ thống “cò mồi” đóng vai những người háo hức khi may mắn sở hữu những token đầu tiên của ứng dụng này với giá chưa tới 1 USD/iFan.

Sau một tháng đầu mở bán, iFan đẩy giá trị đồng tiền lên 7 USD/iFan, hệ thống “cò mồi” từ đó có cơ sở để chiêu dụ người mới vào hơn. “Tôi thấy ai cũng có xe hơi, đi Dubai du lịch và ảnh khoe tiền đầy trên Facebook” Thành Nguyễn ngụ quận Thủ Đức nói về các leader của mình.

Kèm với đó, khẩu hiệu “Go to the moon” cũng vang lên khắp hội trường những buổi họp tạo nên tinh thần phấn chấn, tin tưởng cho các nhà đầu tư.

Cho vay cũng chết, không vay cũng chết

Sau khi mua token, người đầu tư có hai cách để lựa chọn, giữ chờ tăng giá và uỷ thác cho vay.

Với lý do tránh người mua thoái vốn gây ảnh hưởng đến dự án, iFan mở ra các gói cho vay (lending). Nếu muốn bán ra 250 USD iFan để thu tiền về, người đầu tư buộc phải lending 1.000 USD cho iFan với lãi suất 48-59%, tùy số tiền.

Những người chơi nhỏ, không có đủ 1.000 USD thì sẽ có các “thuyền trưởng”, “đóng thuyền” kêu gọi mọi người cùng “ra khơi” bằng cách góp tiền cho đủ gói để lending.

Không còn cách nào khác, người đầu tư buộc phải tin rằng số tiền mình cho vay là hợp lý và đem lại lợi nhuận nhiều nhất. Nhưng tất cả chỉ là con số hiển thị trên màn hình.

Các leader cao cấp iFan tiếp tục lừa đảo khi yêu cầu nhà đầu tư dụ dỗ thêm người khác để có thể rút tiền ra và ăn hoa hồng (thực chất chỉ là con số ảo trên màn hình). Đây là lý do vòi bạch tuộc tiền số đa cấp vươn xa về tận các vùng thôn quê. Thực tế, lượng người rút được tiền ra là cực kỳ ít.

iFan kiếm tiền như thế nào? Ảnh 2

Cách thức làm giá mà iFan áp dụng nhằm hút máu nhà đầu tư không chịu lending.

Với nhiều người e ngại lending, muốn cầm chắc trong tay đồng iFan để chờ cơ hội bán hoàn vốn, “con ma đa cấp” này cũng có cách để khiến con số trong tay họ chẳng còn giá trị gì.

Họ lập các sàn nội bộ để nhà đầu tu tự giao dịch với nhau. Thế nhưng những token họ có thể tự in ra được lại dùng để thao túng giá của thị trường này. “Token họ làm ra bao nhiêu chẳng được, khi bán tháo nhằm đè giá thì họ đổ cho cá mập. Cá mập có là ai xa lạ”, anh Minh Luân ngụ Hà Nội đã sớm nhận ra chiêu trò làm giá của iFan nhưng không có cách nào để thanh khoản số tiền mình đang giữ.

Ví dụ họ có 10.000 iFan, bán ồ ạt với giá 5 USD khiến đồng tiền này giảm còn 3 USD. Họ mua lại 9.000 iFan với giá đó khiến đồng này tăng lại mức 4 USD. Sau đó quy trình này cứ tiếp tục đến khi họ hết số token có trong tay.

Bên cạnh làm giá, iFan còn thường xuyên mất ổn định hệ thống, tung ra các thông báo bảo trì… gây hoang mang tâm lý cho nhiều nhà đầu tư. Điều này khiến họ bán đổ bán tháo càng nhiều hơn. Chính những chiêu trò làm giá như vậy tạo ra giá trị thặng dư để trả lãi kéo dài sự sống cho hoạt động lending.

Tin vui khi lên sàn

Đến khi nhiều người đã hết hy vọng thì một tia sáng khác lại loé lên. Các leader thông báo iFan lên sàn giao dịch quốc tế. Tuy nhiên việc lên sàn này chỉ là bước cuối cùng trong mô hình lending lừa đảo tiền số, chối bỏ trách nhiệm.

Lên sàn giao dịch quốc tế là bước cuối cùng trong việc quyết định dự án ICO có thành công hay không. Nếu có nền tảng vững chắc, sinh ra giá trị sản phẩm, lợi nhuận, coin ICO đó sẽ được nhiều người chào đón và có khả năng tăng giá. Tuy nhiên việc vội vã lên sàn của iFan khi chưa có bất kì nền tảng kinh doanh nào hỗ trợ khiến đồng tiền này sớm có kết cục tương tự Bitconnect, lên sàn, ngừng vay và chết.

Lúc này lãnh đạo iFan lại hướng dẫn cho cấp dưới những hoạt động “điên rồ” như đặt giá bán cao hơn. “Mọi người đồng lòng bán giá 5 USD thì giá mới lên được chứ, đặt thấp vậy thì xuống đúng rồi”, một đoạn chat trong nhóm nội bộ iFan.

Trong khi ai cũng muốn bán cho nhanh để gom tiền về với gia đình thì việc đặt giá cao là vô nghĩa. Chính quy luật cung cầu đơn giản này, các nhà đầu tư cũng dần quên mất bởi “bùa mê” từ leader đa cấp.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Zing

Được quan tâm

Tin mới nhất
Hồ Ngọc Hà lại 'nóng bỏng tay'
Top 30 biệt đội KOLS nhí 2024 bùng nổ visual