OpenAI đưa ChatGPT lên App Store từ 18/5 và chỉ dành cho người dùng ở Mỹ trong tuần đầu. Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Data.ai, chatbot này vượt nửa triệu download sau 6 ngày. Trước đó, người dùng chỉ có thể tiếp cận miễn phí ChatGPT thông qua website.
Trong khi đó, trong cùng khoảng thời gian khi ra mắt hồi tháng 2, trình duyệt Microsoft Edge tích hợp Bing Chat đạt 340.000 lượt tải trên Google Play và 335.000 lượt tải trên App Store.
Ngày 25/5, OpenAI đã mở rộng ứng dụng tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng chưa có Việt Nam. Công ty này cho biết ChatGPT miễn phí trên iOS, còn muốn trải nghiệm công nghệ tiên tiến hơn, người dùng có thể đăng ký ChatGPT Plus với giá 19,99 USD mỗi tháng. Phiên bản trả phí cập nhật dữ liệu mới và dựa trên mô hình tiên tiến GPT-4.
Cơn sốt ChatGPT đã khiến hàng loạt chatbot giả mạo xuất hiện trên các kho ứng dụng của Google và Apple. Nhiều người đã tải nhầm, thậm chí mất tiền cho ứng dụng giả mạo.
Dù được xem là đột phá công nghệ, ChatGPT cũng vấp phải sự phản đối trong cộng đồng. Nhiều trường đại học, công ty đã ra lệnh cấm sinh viên. Nhân viên không dùng chatbot này do lo ngại về vấn đề đạo nhái, bản quyền, nội dung sai lệch và lộ thông tin riêng tư. Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vào ngày 16/5, Sam Altman - CEO OpenAI cũng thừa nhận AI có thể đi chệch hướng.
Ở chiều ngược lại, nhiều người cho biết ChatGPT giúp họ hoàn thành công việc nhanh hơn hoặc đưa ra những giải pháp mà trước đó họ không nghĩ đến. Chẳng hạn, đầu tháng 5, công ty Octopus Energy của Anh nói ChatGPT đang thay 250 nhân viên trả lời email và được đánh giá tốt hơn những người chuyên được đào tạo về phục vụ.