VTV.vn đưa tin, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) vừa cấp cứu gắp dị vật là một chiếc bấm móng tay trong dạ dày của bệnh nhi 9 tuổi.
Bệnh nhi N.V.A. (9 tuổi, trú tại Cẩm Khê, Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng ho nhiều, đau bụng.
Qua thăm khám và nội soi dạ dày, các bác sĩ phát hiện dị vật là một chiếc bấm móng tay có kích thước 60x16 mm, nằm tại vị trí phình vị lẫn thức ăn, gây tổn thương xước niêm mạc dạ dày. Ngay lập tức, kíp nội soi tiêu hóa đã tiến hành gắp dị vật kịp thời và thành công.
Nguyên nhân được người nhà bệnh nhi cho biết: Do bệnh nhi hay xem các video trên kênh YouTube nên đã tập làm theo.
Được đây, đây không phải trường hợp đầu tiên trẻ em gặp nguy hiểm đến tính mạng vì bắt chước theo các video trên YouTube.
Cách đây hai tuần, thông tin về một bé gái 5 tuổi ở quận Tân Phú, TP.HCM mất mạng sau khi xem và làm theo video hướng dẫn trò thắt cổ trên YouTube đã khiến nhiều bậc cha mẹ không khỏi bàng hoàng, đau xót.
Được biết, bé gái tên là V.T.D, 5 tuổi. Theo chia sẻ của mẹ ruột và gia đình với báo Pháp luật & Bạn đọc, ngày 12/10 bé bắt chước theo trò chơi thắt cổ đăng tải trên YouTube.
Chỉ vài phút không để ý đến khi gia đình phát hiện, bé đã bất tỉnh trong tư thế treo cổ liền nhanh chóng đưa vào BV. Mặc dù được các y bác sĩ tích cực cứu chữa nhưng bé gái tử vong ngay sau đó ít giờ.
Trước đó, Tuổi Trẻ từng đưa tin vào tháng 11/2019, bé trai Đ.T.K (7 tuổi, ở huyện Nhà Bè, TP.HCM) cũng làm theo trò 'thắt cổ nhưng vẫn thở được' trên YouTube.
Gia đình phát hiện bé treo cổ bằng chính chiếc khăn quàng đỏ, hai chân bé cách mặt đất một đoạn khá xa, người tím ngắt, ngất lịm. Do được phát hiện và cấp cứu kịp thời nên bé K đã may mắn giữ được tính mạng.
Khi được hỏi lý do, bé K cho biết em đã nhiều lần xem trò chơi “chết đi sống lại” trên YouTube. Trong video đó, nhân vật hướng dẫn cách thắt cổ nhưng vẫn thở được mà không chết nên bé đã làm theo.
Theo VTV.vn, các bác sĩ khuyến cáo: Phụ huynh không nên để trẻ tự sử dụng smartphone hoặc xem YouTube, tham gia mạng xã hội thiếu kiểm soát. Không chỉ YouTube, các nội dung nguy hại, không phù hợp với trẻ hiện đang được chia sẻ tràn lan trên các trang mạng xã hội.
Phụ huynh cần biết được trẻ đã tiếp xúc với những nội dung nào trên internet để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Quan trọng nhất vẫn chính là việc phụ huynh dành nhiều thời gian hơn cho con em của mình để giúp trẻ có thể khám phá cuộc sống thông qua trải nghiệm thực tế.
Xem thêm: Bé gái 4 tuổi suýt mất mạng khi cố thực hiện theo thử thách treo cổ trên TikTok