Wall Street Journal đưa tin, chiếc máy bay Boeing 737-500 của hãng hàng không Indonesia Sriwijaya Air, chở 62 người gặp nạn hôm thứ Bảy (9/1), đã không bay suốt gần 9 tháng qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Đây là thông tin được Bộ Giao thông Indonesia cho biết, khi các lực lượng tìm kiếm trục vớt thành công một trong những hộp đen của máy bay gặp nạn ngoài khơi thủ đô Jakarta của Indonesia hôm 9/1.
Bộ Giao thông Indonesia cũng cho biết rằng, chiếc Boeing 737-500 đã được kiểm tra và tuyên bố đủ điều kiện bay trước khi tiếp tục hoạt động bay trở lại.
Chiếc máy bay Boeing 737-500 chở theo 62 người, trong đó có 12 thành viên phi hành đoàn, đã rơi xuống vùng biển ngoài khơi thủ đô Jakarta chỉ 4 phút sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở Jakarta vào 2h36 chiều 9/1 (theo giờ địa phương).
Các thợ lặn hiện đang trục vớt các phần máy bay bị vỡ và thu hồi các thi thể nạn nhân gặp nạn. Và cho đến hôm qua (12/1), các thợ lặn đã tìm thấy hộp đen của chiếc máy bay Sriwijaya Air Boeing 737-500, theo Reuters. Việc tìm thấy và phân tích hộp đen sẽ cung cấp cho các nhà chức trách những thông tin quý giá về nguyên nhân gây ra vụ việc.
Xem thêm: Hộp đen máy bay là gì và tại sao cần tìm nó sau khi máy bay gặp nạn?
Máy bay gặp nạn đã ngừng hoạt động vào cuối tháng 3, vài tuần sau khi Indonesia công bố trường hợp COVID-19 đầu tiên, Bộ giao thông vận tải Indonesia cho biết.
Máy bay bắt đầu bay trở lại vào ngày 19 tháng 12, sau khi hoàn thành cuộc kiểm tra của Tổng cục Vận tải Hàng không Indonesia. Chuyến bay đầu tiên không chở hành khách và không phải là chuyến bay thương mại.
Nguồn tin cho biết, máy bay bắt đầu chở hành khách từ ngày 22/12, hơn 2 tuần trước khi xảy ra tai nạn thảm khốc. Giấy chứng nhận bay của chiếc Boeing 737-500 có thời hạn đến ngày 17/12/2021.
Bộ Giao thông Indonesia khẳng định đã tuân thủ theo hướng dẫn của Cục Hàng không Liên bang Mỹ, ban hành ngày 24/7/2020, yêu cầu các nhà khai thác dòng máy bay Boeing, bao gồm cả Boeing 737-500, phải kiểm tra động cơ trước khi cho phép bay trở lại.
Nguyên nhân là do sau khi không hoạt động trong một thời gian dài, máy bay có thể gặp sự cố ở động cơ, dẫn đến động cơ ngừng hoạt động. Do đó, ngày 2/12, một tháng trước khi máy bay gặp nạn, thanh tra hàng không Indonesia đã kiểm tra mức độ ăn mòn của động cơ.
Ông Jefferson Irwin Jauwena, Giám đốc điều hành Sriwijaya Air, khẳng định hãng tuân thủ các cuộc kiểm tra an ninh và kiểm tra kỹ thuật của máy bay, bao gồm cả quản lý chất lượng và an toàn.
Trước đó, Sriwijaya Air cũng khẳng định máy bay vẫn ở trong tình trạng hoạt động tốt.
Dẫu vậy, theo Shukor Yusof, người sáng lập công ty tư vấn hàng không Endau Analytics, Sriwijaya Air "cần phải công khai các hồ sơ một cách đầy đủ và chi tiết, máy bay được bảo dưỡng ở đâu, khi nào và do ai. Tôi không nói về độ tin cậy của các thông tin này, nhưng công chúng cần được biết về các tài liệu, lịch sử đầy đủ của máy bay."
Nhiều chuyên gia trên thế giới cũng đồng thời bày tỏ quan ngại về việc, các máy bay ngừng hoạt động trong thời gian dài do ảnh hưởng của dịch COVID-19 có thể tác động đến an toàn hàng không.
Ông Chow Kok Wah, chuyên gia ngành hàng không ở Singapore, nói các máy bay đã ngừng bay trong thời gian dài cần bảo dưỡng và giám sát theo quy trình đặc biệt.
Xem thêm: 3 nguyên nhân có thể là 'thủ phạm' khiến máy bay Indonesia gặp tai nạn thảm khốc