Năm 2012, một đơn kiện tập thể, tổng hợp 21 vụ kiện riêng biệt trên khắp nước Mỹ giai đoạn 2011-2012, tố Facebook sử dụng cookie và một chương trình mở rộng (plug-in) trên trình duyệt để thu thập thông tin về việc truy cập của của người dùng đến các trang web khác.
Việc theo dõi ban đầu vốn hợp pháp do được người dùng đồng ý. Facebook khẳng định ngừng theo dõi khi người dùng thoát tài khoản, song mạng xã hội của Mark Zuckerberg đã vi phạm điều khoản này. Các dữ liệu duyệt web của người dùng được phát hiện vẫn gửi về công ty thông qua plug-in, ngay cả khi người dùng đã đăng xuất khỏi Facebook.
Công ty luật DiCello Levitt Gutzler, đại diện nguyên đơn, cho biết số tiền 90 triệu USD tương đương 100% khoản lợi nhuận bất chính mà công ty có thể thu được từ lượng dữ liệu nói trên. Vụ kiện kéo dài 10 năm do hai bên liên tục kháng cáo.
Sau 3 lần thắng trong những đợt xét sử trước, năm 2020, Tòa án phúc thẩm Mỹ bác bỏ các lý lẽ của Facebook và cho rằng việc sao chép bất hợp pháp và kiếm tiền từ dữ liệu cá nhân sẽ tạo ra những thiệt hại về kinh tế. Mạng xã hội tiếp tục nộp đơn kháng cáo lên Tòa án tối cao nhưng bị từ chối xem xét.
Trả lời trang Variety, đại diện Meta – công ty mẹ của Facebook - cho biết: "Việc đạt được thỏa thuận dàn xếp trong trường hợp này là vì lợi ích tốt nhất cho cộng đồng và cổ đông của chúng tôi. Chúng tôi hài lòng vì đã vượt qua vấn đề".
Năm ngoái, Meta cũng phải trả 650 triệu USD vì vi phạm quyền riêng tư, liên quan đến công nghệ nhận dạng khuôn mặt trong tính năng gắn thẻ ảnh trên Facebook.