The Verge đưa tin, Facebook mới đây vừa đưa ra thông báo rằng sẽ yêu cầu xác nhận danh tính của những tài khoản có các bài viết viral – những bài viết có tương tác cao, có sức lan tỏa đáng gờm trên mạng xã hội, được nhiều người nhắc đến, nhiều hastag, nhiều ảnh chế, nhiều bình luận, chia sẻ…
Những bài viết có lượng tương tác cao (like, share, comment) cũng sẽ bị giới hạn tương tác nếu như tài khoản đăng bài viết đó chưa được xác nhận danh tính.
Facebook cho biết động thái này nhằm hạn chế những bài đăng từ bot (chương trình tự động hóa) và những người dùng không rõ danh tính, từ đó hạn chế những thông tin sai lệch được chia sẻ rộng rãi. Điều đó đồng nghĩa với việc các tài khoản giả mạo người nổi tiếng, những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, để thu hút tương tác cũng sẽ không còn đường sống nữa.
Các tài khoản có nhiều bài đăng với lượt tương tác cao, sẽ bắt buộc phải xác nhận danh tính với Facebook bằng cách gửi thông tin cá nhân, có thể là ảnh chụp căn cước công dân hoặc giấy tờ tùy thân.
Nếu các thông tin này không trùng khớp với thông tin tài khoản, Facebook sẽ làm giảm tương tác của các bài viết được đăng tải bằng tài khoản này, hạn chế số lượng người nhìn thấy chúng trên Bảng Tin (News Feed).
Nếu các tài khoản chưa xác minh này là quản trị viên của một fanpage trên Facebook, tài khoản đó sẽ bị cấm điều hành trang nếu như không xác nhận danh tính theo các điều khoản của “Facebook Page Publisher Authorization Process”, đã được ban hành năm 2018.
Những thay đổi này là một phần nỗ lực của Facebook nhằm khuyến khích mọi người sử dụng danh tính thật, đồng thời loại bỏ những tài khoản giả mạo câu tương tác, đồng thời chống lại các chiến dịch gây ảnh hưởng và lan truyền thông tin sai lệch.
Năm 2018, Facebook đã yêu cầu các nhà quảng cáo có mục đích chính trị phải xác minh danh tính. Đến năm 2019, Facebook yêu cầu họ phải cung cấp thêm nhiều thông tin khác, bao gồm số căn cước do chính phủ cấp trước khi được phép đặt quảng cáo.
Gần đây, Facebook cũng đã tiến hành nhiều biện pháp kiểm soát và ngăn chặn các bài đăng chứa thông tin sai lệch về Covid-19.