Công Nghệ

Facebook đã trở thành con 'quái vật' trong mắt người dùng như thế nào?

T. Sơn
Chia sẻ

Trong vỏn vẹn chưa đầy một tháng, niềm tin của nhiều người vào Facebook đã sụp đổ vì quá nhiều thông tin cho thấy dường như Facebook đã thiếu sát sao trong việc bảo vệ người dùng.

Trung tuần tháng 3 năm 2018, Facebook và một công ty dữ liệu có tên Cambridge Analytica trở thành chủ đề bàn luận lớn nhất của làng công nghệ thế giới. Đây cũng là điểm khởi đầu cho scandal lớn nhất trong lịch sử Facebook. Công ty này theo đó đã lạm dụng thông tin tài khoản của 50 triệu người dùng (về sau, con số được Facebook xác nhận lên tới 87 triệu tài khoản người dùng) để chạy các chiến dịch trên mạng xã hội của mình, trong đó có cả chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng của ông Donald Trump vào năm 2016, mà người dùng không hề hay biết.

Toàn bộ số dữ liệu này rò rỉ bắt nguồn từ một ứng dụng quiz trên Facebook có tên gọi “thisisyourdigitallife.” Khi tham gia ứng dụng này, thông tin về người tham gia trực tiếp và toàn bộ bạn bè của họ sẽ bị thu thập. Điều này giải thích lý do tại sao mặc dù chỉ có khoảng 270.000 người trực tiếp dùng ứng dụng “thisisyourdigitallife” nhưng số lượng tài khoản bị rò rỉ thông tin lại lớn hơn gấp nhiều lần.

Vụ việc này nghiêm trọng đến mức ngay sau khi “vỡ lở” một số lượng lớn người dùng đã kêu gọi xóa tài khoản Facebook cùng hashtag #deleteFacebook. Giá trị vốn hóa của mạng xã hội lớn nhất hành tinh trên thị trường chứng khoán cũng chứng khiến sự sụt giảm tới 30 tỷ USD. Facebook vấp phải sự điều tra của giới chức, CEO Facebook bị yêu cầu giải trình trước Quốc hội và thậm chí nhiều cổ đông lớn, các nhà đầu tư công nghệ còn yêu cầu Mark Zuckerberg từ chức bởi vài ngày sau scandal này, ông chủ Facebook vẫn im hơi lặng tiếng.

Đài CNN là nơi đầu tiên Mark Zuckerberg lựa chọn để chính thức đưa ra lời xin lỗi tới người dùng. “Tôi xin lỗi đã để điều này xảy ra,” người đứng đầu mạng xã hội lớn nhất hành tinh chia sẻ. “Tôi không biết mọi người thì thế nào nhưng tôi quen với việc khi ai đó xác nhận về mặt pháp lý với bạn rằng họ đã làm một điều gì đó là họ sẽ làm điều đó. Nhưng tôi nghĩ đây là một sai lầm lớn khi nhìn lại,” Zuckerberg nói về việc thiếu sát sao trong quản lý lượng thông tin mà Cambridge Analytica nắm giữ.

Giám đốc điều hành (COO) Facebook Sheryl Sandberg cùng đồng thời nhận trách nhiệm và thành thật thừa nhận Facebook đã thiếu sát sao trong việc “kiểm toán” lại hành động xóa thông tin người dùng mà mình đang nắm giữ của Cambridge Analytica từ 2 năm rưỡi trước.

Sóng gió này chưa qua, cơn bão khác lại tới.

Đầu tháng 4, Facebook đưa ra một thừa nhận “bom tấn” khẳng định thông tin của hếu hết 2 tỷ người dùng có thể đã bị “động chạm” bởi “những người có ý đồ xấu” thông qua tính năng tìm kiếm trên mạng xã hội này. “Nếu bạn bật thiết lập đó trong vài năm gần đây, hợp lý để nghĩ rằng thông tin đã bị truy xuất,” CEO Facebook Mark Zuckerberg thừa nhận.

Cụ thể, tính năng tìm kiếm trên Facebook cho phép tìm kiếm thông tin (được để ở chế độ công khai) của bất kì ai, trong đó bao gồm ngày sinh và giới tính, chỉ cần bằng cách gõ vào số điện thoại hoặc email của người đó. Facebook cho biết tính năng này rất hữu ích tại một số quốc gia nơi tên người dùng có nhiều kí tự khó nhập liệu. Tuy nhiên, nó đã bị lạm dụng bởi những người có ý đồ xấu.

Giám đốc Công nghệ Facebook Mike Schroepfer chia sẻ trên trang blog của Facebook rằng tính năng này hiện giờ đã bị khóa nhưng phải chăng mọi thứ đã quá muộn?

Bạn không thể xóa các tin nhắn Facebook mình đã gửi đi nhưng Facebook lại cho phép Mark Zuckerberg và một số nhân sự cao cấp của mình làm điều này. Ba nguồn tin đã xác nhận với TechCrunch rằng tin nhắn cũ họ nhận được từ người đứng đầu mạng xã hội lớn nhất hành tinh đã “biến mất” khỏi hộp thư của họ.

Dươi đây là những gì Facebook trần tình:

“Sau bị hack email của Sony Pictures vào năm 2014, chúng tôi thực hiện một số thay đổi để bảo vệ các thông tin giao tiếp của nhân sự cấp cao. Chúng bao gồm việc giới hạn khoảng thời gian lưu lại của các tin nhắn Mark Zuckerberg gửi đi trong Messenger. Chúng tôi làm điều này hoàn toàn tuân thủ theo trách nhiệm pháp lý về việc lưu giữ tin nhắn.”

Cho dù Facebook có giải thích gì đi nữa thì việc không công khai công bố việc xóa tin nhắn trong hộp thư đến của người dùng, hoặc ít nhất là thông báo một cách cá nhân đến người nhận, cũng là điều khó có thể chấp nhận được.

Facebook sau đó cho biết sẽ cho ra mắt tính năng “unsend” (xóa tin nhắn đã gửi) tới người dùng trong một vài tháng tới và sẽ không áp dụng nó đối với ngay cả Mark Zuckerberg cho tới khi tính năng này được ra mắt. Động thái này là một cách Facebook dùng để làm người dùng nguôi giận, thế nhưng sau tất cả không ít người dùng Facebook cảm thấy mình đã bị phản bội.

Cuối tháng 3, một người dùng có tên Dylan McKay đã tải về tất cả các dữ liệu Facebook của mình và anh “tá hỏa” khi phát hiện ra mạng xã hội lớn nhất hành tinh đã giữ bản ghi chép khá chi tiết về những cuộc gọi và tin nhắn anh thực hiện trên điện thoại Android. Một báo cáo từ Ars Technica được đăng tải không lâu sau đó khẳng định: ở một số trường hợp, ứng dụng Facebook trên Android sẽ lưu lại các thông tin như tên người bạn gọi điện/ nhắn tin, thời gian cuộc họi thoại và số điện thoại người bạn gọi điện/ nhẵn tin.

Thông tin này bị phát hiện ở một thời điểm không thể tệ hơn với Facebook.

Facebook khẳng định đã được người dùng cho phép trong trường hợp lưu các thông tin liên quan đến lịch sử các cuộc gọi, tin nhắn. Vấn đề là người dùng đã không để ý.

Facebook sau đó khẳng định họ không làm gì mà không được người dùng cho phép. Theo đó, Facebook cho biết đây là một tính năng lựa chọn mà người dùng được hỏi khi cài đặt ứng dụng. Bằng cách lưu những thông tin này, chúng “giúp người dùng tìm kiếm và kết nối với những người họ quan tâm, và cung cấp một trải nghiệm tốt hơn xuyên suốt Facebook,” Facebook chia sẻ.

Mạng xã hội lớn nhất hành tinh đồng thời cho biết những dữ liệu này không được bán cho bên thứ ba và Facebook cũng không hề đọc hay nghe những cuộ điện thoại của bạn. Ngoài ra, việc hỏi người dùng cho phép truy cập danh bạ cũng không có gì là lạ, Facebook khẳng định: “Truy xuất danh bạ là một tính năng thường gặp với các ứng dụng và dịch vụ xã hội như một cách để tìm kiếm những người bạn muốn kết nối dễ dàng hơn.” Theo Business Insider, ở “scandal” này người dùng iOS không bị ảnh hưởng.

Facebook “miễn phí và luôn luôn như thế” là một trong những slogan quen thuộc nhất của Facebook. Thế nhưng, sau tất cả những vụ việc gần đây, có lẽ ngay cả những người vốn không quá để ý hay quan tâm đến bảo mật, sự riêng tư trên Internet cũng phải giật mình nhận ra chẳng có thứ gì hoàn toàn và thực sự miễn phí trên đời.

Với Facebook, để duy trì dịch vụ miễn phí, mạng xã hội này tận dụng thông tin người dùng để duy trì mô hình doanh thu đến từ quảng cáo. Đây là điều hoàn toàn chấp nhận được. Thế nhưng, vấn đề nằm ở chỗ trong nhiều vụ việc, rõ ràng Facebook đã tỏ ra thiếu sát sao và thiếu rõ ràng với người dùng. Như Steve Jobs đã từng nói khi bạn cần một thông tin gì đó, “hãy hỏi đi hỏi lại người dùng, bằng ngôn ngữ rõ ràng, hỏi đi hỏi lại cho đến khi người dùng cảm thấy bực mình và phát chán bị hỏi.”

“Tôi nghĩ cuộc sống xoay quanh việc học hỏi từ những lỗi lầm,” Mark Zuckerberg chia sẻ. Đúng vậy, tất cả chúng ta, đều có những lỗi lầm lớn nhỏ trong cuộc sống. Điều quan trọng là học hỏi từ đó, đứng dậy và đi tiếp. Thế nhưng, khi bạn là người đứng đầu một cộng đồng 2 tỷ người, việc mắc lỗi không còn là chuyện của riêng bạn nữa.

Có lẽ, Facebook sẽ cần thêm rất nhiều thời gian để gây dựng lại niềm tin nơi người dùng.

Chia sẻ

Bài viết

T. Sơn

Tin mới nhất