Apple đang nỗ lực đa dạng hóa sản xuất iPhone, dần thoát ra khỏi Trung Quốc. Công ty không chỉ quan tâm về mặt địa chính trị khu vực mà còn lo lắng về việc chính phủ nước này liên tục phong toả Covid- 19. Những rối loạn xảy ra tại nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu đã khiến Apple phải xác nhận người tiêu dùng sẽ phải chờ đợi các mẫu iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max lâu hơn.
Ngoài việc chuyển nhà máy sản xuất iPhone sang một quốc gia khác, Apple cũng cần tìm một khu vực có thể xây dựng các nhà máy, tìm các công nhân có trình độ và các nhà cung cấp ở gần để cung cấp linh kiện với số lượng và chất lượng theo yêu cầu.
Hiện tại, Foxconn đã sản xuất một số mẫu iPhone tại Ấn Độ, bao gồm iPhone 14. Trong tương lai gần, xưởng đúc này sẽ lắp ráp thêm các mẫu iPhone khác để phân phối toàn cầu. Vào tháng trước, Foxconn đã thông báo có kế hoạch tăng số lượng nhân viên tại nhà máy ở Ấn Độ từ 17.000 lên 70.000 trong 2 năm tới.
Với việc nhà máy sản xuất tại Trịnh Châu chỉ sử dụng 20% công suất vào tháng 11, dòng iPhone 14 Pro sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng trong tháng này và thậm chí sang cả tháng Giêng. Đây được xem là bất lợi lớn cho “Táo khuyết” khi vấn đề xảy ra trong mùa mua sắm cuối năm.
Trong tháng này, nhà phân tích Ming Chi Kuo dự kiến, Foxconn sẽ sử dụng 30 - 40% công suất sản xuất iPhone 14 Pro tại nhà máy ở Trịnh Châu. Mức này vẫn còn khá thấp so với bình thường.
Bên cạnh việc đầu tư vào Ấn Độ, hồi tháng 8 vừa qua, Foxconn đã đồng ý đầu tư 300.000 USD vào một nhà máy ở Việt Nam để mở rộng sản xuất. Việt Nam được xem là sự thay thế tiềm năng cho Trung Quốc.
Theo các báo cáo vào tuần trước, Apple đang nhanh chóng triển khai kế hoạch chuyển các nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Trong đó, 2 quốc gia khả thi nhất là Ấn Độ và Việt Nam.
Ngoài ra, Foxconn cũng đang phân bổ các khoản đầu tư của mình khắp nơi. Tuần trước, công ty đã chi 58,98 triệu USD cho một khoản đầu tư vào Cộng hòa Séc. Đây là nơi sản xuất điện thoại thông minh, màn hình và máy chủ đám mây. Foxconn cũng có các trung tâm nghiên cứu và phát triển ở khu vực này. Đồng thời, Foxconn cũng đã đầu tư 142 triệu USD vào khu vực Taiyuan, Trung Quốc.
Chưa hết, Apple đã chuyển một số nhà máy sản xuất chip từ Đài Loan sang các nhà máy của TSMC ở Arizona (Mỹ). Một cơ sở sẽ sản xuất chip 4nm từ năm 2024 trong khi nhà máy thứ hai sẽ đi vào hoạt động vào năm 2026 và sản xuất chip 3nm.
Vào tuần trước, phát biểu trong cuộc họp báo được tổ chức tại Arizona, Giám đốc điều hành Apple - Tim Cook đã xác nhận, công ty có kế hoạch mua chip do TSMC sản xuất tại Mỹ.
Công ty có trụ sở tại Cupertino hy vọng, trong 5 năm nữa, chuỗi cung ứng của hãng sẽ khác rất nhiều so với hiện tại.