Sau khi Olympic Việt Nam thất bại trước Olympic Hàn Quốc trong trận bán kết nội dung bóng đá nam tại ASIAD 2018, người hâm mộ Việt Nam vẫn đổ ra đường, có lẽ không hẳn với ý nghĩa ăn mừng, mà để tri ân những gì các chàng trai đã làm được trên đất Indonesia. Thể thao là một điều diệu kì bởi nó mang người hâm mộ đến gần nhau hơn và ngay cả khi chúng ta thua, cuộc “đi bão” vẫn diễn ra như dự kiện đối với nhiều người. Dưới góc nhìn khoa học, điều này hoàn toàn có thể giải thích được.
“Chúng ta là những sinh vật xã hội. Chúng ta cần cảm giác được thuộc về,” Daniel Wann, một giáo sự tâm lý học tại Trường Đại học Bang Murray chia sẻ. Con người thường có xu hướng chia họ thành các “nhóm” khác nhau dựa trên công việc, giới tính và nhiều yếu tố khác như sở thích chẳng hạn. Không giống như giới tính hay chủng tộc, hay nói chung là những yếu cố con người không có quyền lựa chọn, tình yêu thể thao cũng được ví như một thứ tôn giáo: Đó hoàn toàn là vấn đề tự lựa chọn nhưng nó cũng bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh, bao gồm bạn bè, người thân.
Cảm giác được thuộc về này mang lại khá nhiều lợi ích. Trong nghiên cứu với sự tham gia của các sinh viên đại học, giáo sư Wann tìm ra rằng người hâm mộ cuồng nhiệt một đội bóng nào đó có thể sẽ cảm thấy bớt cô đơn trong khi đó lại có tinh thần tự tin cao hơn.
Nhà tâm lý xã hội học Edward Hirt thuộc trường Đại học Indiana chia sẻ: “Hãy thử nghĩ về cách chúng ta tương tác với nhau trong các trận thể thao - đặc biệt là đối với các anh chàng. Chúng ta ôm và chạm vào nhau theo cách mà chúng ta sẽ không bao giờ làm lúc bình thường. Chúng ta đều muốn là một phần của thứ gì đó vượt lên trên mỗi chúng ta.”
Để “đo đếm” sức ảnh hưởng của tình yêu thể thao tới tâm lý và thậm chí cả thể chất của một người, vào những năm 90 của thế kỉ trước, Edward Hirt đã thực hiện một nghiên cứu với sự tham gia của người hâm mộ môn bóng rổ tại trường đại học. Những người có đội yêu thích chiến thắng có thể xử lý các công việc tốt hơn, ví dụ như giải toán hay ném phi tiêu. Trong khi đó, người hâm mộ đội tuyển thua cuộc lại cho thấy kết quả ngược lại.
Một nghiên cứu vào năm 2013 thậm chí còn cho thấy cổ động viên đội thua cuộc sẽ trải qua cảm giác thèm ăn đồ béo và chất đường vào những ngày sau đó, trong khi cổ động viên đội thắng lại có xu hướng chọn đồ ăn lành mạnh hơn.