Sở dĩ iPhone có lượng người dùng lớn chủ yếu là nhờ con chip mạnh mẽ và hệ điều hành iOS. Thế nhưng, bên cạnh đó không ít người tiêu dùng thắc mắc lý do tại sao Apple không sử dụng màn hình 2K cho iPhone? Dù phần lớn những người sở hữu iPhone không quá đặt nặng vấn đề này, thế nhưng với dòng điện thoại được cho là hàng đầu thì đây vẫn là điều cần đi tìm lời giải.
Với người dùng phổ thông, màn hình 2K không có nhiều tác động quá lớn đến cảm nhận thị giác. Nếu không đặt cạnh một màn hình Full HD (1080p) và soi thật kỹ, rất khó nhận thấy sự khác biệt.
Nhiều dòng smartphone Android đã trang bị màn hình 2K với độ phân giải 3216 x 1440 pixel. Trong khi đó, iPhone 13 Pro Max chỉ có đạt độ phân giải 2778 x 1284, có nghĩa là vẫn chưa đến 2K. Để trả lời cho câu hỏi tại sao độ phân giải màn hình iPhone có thể không cần quá cao, chúng ta phải đi tìm hiểu sự tương quan giữa giữa kích thước màn hình và mật độ điểm ảnh (PPI). Mật độ điểm ảnh đại diện cho số lượng điểm ảnh trên một inch của màn hình. Giá trị càng cao thì hình ảnh càng đẹp. Vì vậy, ở cùng một độ phân giải, các kích thước và mật độ pixel khác nhau sẽ hiển thị các kết quả khác nhau.
Cụ thể, iPhone 13 Pro Max có kích thước màn hình 6,7 inch OLED với độ phân giải 2778 x 1284 pixel và mật độ điểm ảnh 458 PPI. Một chiếc máy Android tương đương cũng có màn hình 6,7 inch độ phân giải 3216 x 1440 và mật độ điểm ảnh 525 PPI. Rõ ràng màn hình 2K cho mật độ điểm ảnh cao hơn nhưng 458 PPI đã là một con số được Apple tính toán kỹ, đem tới trải nghiệm không khác biệt quá nhiều.
Khi ra mắt dòng iPhone 4, Apple trang bị màn hình có kích thước 3,5 inch đi kèm độ phân giải 960 x 460 pixel, mật độ điểm ảnh của màn hình này đạt 330 PPI. Steve Jobs cho biết: “Khi bạn cầm một thứ gì đó cách xa bạn 10-12 inch, miễn là mật độ điểm ảnh đạt 300 PPI, võng mạc của bạn không thể phân biệt được các điểm ảnh”. Có nghĩa là việc tăng độ phân giải trong trường hợp này không thực sự cần thiết. Đây là định nghĩa ban đầu của Apple về “màn hình Retina” và mật độ điểm ảnh của màn hình iPhone 4 cũng đã đạt 326ppi. Khi đó, các nhà sản xuất điện thoại Android buộc phải thay thế toàn bộ 720p không đạt tiêu chuẩn màn hình retina bằng 1080p vì phát biểu của Jobs. Sau đó, khi Apple chuyển từ màn hình LCD sang OLED, mật độ điểm ảnh đã tăng lên 450 PPI và hãng vẫn sử dụng đến tận ngày nay.
Như đã đề cập, người dùng phổ thông sẽ không cần đến màn hình 2K. Tuy nhiên, các nhà sản xuất Android vẫn tung ra màn hình 2K để tăng đáng kể mật độ điểm ảnh dành cho mục đích tiếp thị. Tóm lại, màn hình 2K trên điện thoại Android không tốt hơn quá nhiều màn hình trên iPhone vào thời điểm hiện tại. Chưa kể, màn hình 2K sẽ làm ngốn pin hơn, nên nếu trang bị thì Apple có thể phải tăng thêm dung lượng pin cho iPhone và nâng cấp cả sạc nhanh. Vậy nên, nâng cấp này không thực sự cần thiết khi nó kéo theo rất nhiều thứ liên quan đến bố trí linh kiện bên trong.