Vào chiều 14/10, nữ ca sĩ kiêm diễn viên Sulli (tên thật Choi Jin ri) đã ra đi mãi mãi ở tuổi 25. Việc Sulli ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng và xót xa.
Sulli tự tử bằng cách treo cổ bởi sợi dây đèn, nguyên nhân được đoán là do trầm cảm. Trước khi qua đời, Sulli thường là mục tiêu của các bình luận ác ý trên mạng, do đó người hâm mộ đoán rằng đây là lý do chính khiến nữ diễn viên gặp áp lực, dẫn tới sự việc đau lòng.
Vụ việc Sulli qua đời cũng làm dấy lên làn sóng yêu cầu phải dùng danh tính thật trên Internet và hạn chế những bình luận ác ý. Do đó, các chính trị gia Hàn Quốc đã và đang chuẩn bị thảo luận “Đạo luật Sulli” trước Quốc hội vào đầu tháng 12 năm nay.
Theo thông tin từ truyền thông Hàn Quốc mới đây, “Đạo luật Sulli” đang rất được chú ý tại Hàn Quốc sau khi có thông tin cho biết các chính trị gia nước này sẽ đề xuất luật này lên phiên họp quốc hội vào đầu tháng 12 - dịp 49 ngày mất của cựu thành viên f(x).
Theo tin tức mới nhất vào hôm nay (5/11/2019), quan chức chính phủ Hàn Quốc vẫn chưa soạn thảo cụ thể các lệ điều nằm trong “Đạo luật Sulli”. Dự kiến, đạo luật này sẽ yêu cầu người dùng phải sử dụng danh tính thật cùng với đó là những quy định chặt chẽ để bảo vệ các ”idol”.
Bên cạnh đó, Quốc hội nước này sẽ cần thêm thời gian để sửa đổi, bổ sung để luật trở nên phù hợp với Hiến pháp.
Dù Đạo luật Sulli vẫn chưa được đề xuất lên Quốc hội, nhưng cộng đồng người hâm mộ Sulli nói riêng và những người đang đấu tranh chống lại các bình luận ác ý trên mạng nói chung, vẫn dự đoán khả năng luật được thông qua khá cao vì đây là một vấn đề đang rất được quan tâm tại quốc gia này.
Hiện đã có nhiều cuộc thảo luận xung quanh “Đạo luật Sulli” bao gồm các tổ chức lớn tại Hàn như Hiệp hội Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia, Hiệp hội Liên đoàn Lao động Giải trí Quốc gia, Hiệp hội Nhân viên Chính phủ Hàn Quốc cùng các nghệ sĩ khác đang tích cực đóng góp ý kiến.
Gần đây nhất, tại cuộc họp tổ chức bởi Quốc hội Hàn Quốc vào thứ Ba vừa qua, một thành viên của Quốc hội nước này là bà Kim Su-min đã soạn thảo đề xuất sửa đổi “Đạo luật Khung về tin học quốc gia Hàn Quốc”. Trong đó, các cơ quan công cộng, trường học và doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải thực hiện các chương trình giáo dục để chống lại nạn bắt nạt trực tuyến một cách thường xuyên.