Ngày 5/10 (theo múi giờ Bắc Mỹ) chín năm về trước, người đồng xác lập kiêm cố CEO Apple - Steve Jobs đã qua đời ở tuổi 56 vì căn bệnh ung thư tuyến tụy hiếm gặp.
Dù đã nhiều năm trôi qua và có thể nhiều người đã quên ngày cố CEO Apple đã lìa xa thế giới, nhưng chắc chắn những di sản mà ông để lại, đặc biệt là Apple, vẫn luôn được nhân loại nhớ đến.
"Một tâm hồn vĩ đại vẫn mãi trường tồn. Ông vẫn sẽ sống mãi trong chúng tôi”, Tim Cook dẫn hai câu thơ của Maya Angelou để tưởng niệm 9 năm ngày mất của cố CEO Steve Jobs.
Thật vậy, Steve Jobs không chỉ là người có sự ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với làng công nghệ, cuộc đời và những trải nghiệm, kinh nghiệm, nhân sinh quan của ông luôn chất chứa những bài học đắt giá dành cho hậu thế.
Nhân kỷ niệm 9 năm kể từ ngày mất của Steve Jobs, chúng ta hãy cùng nhìn lại cuộc đời 'huyền thoại' của người sáng lập Apple – công ty có giá trị thị trường lớn nhất thế giới vào tháng 8 vừa qua, theo Bloomberg.
Cha ruột của Steve Jobs - Abdulfattah John Jandali và mẹ ruột của ông Joanne Carole Schieble (sau này là Simpson), đã gặp nhau khi cùng theo học tại Đại học Wisconsin.
Ông Jandali kể, lúc bà Schieble có thai, gia đình bà cương quyết không cho bà kết hôn với một người nhập cư Syria như ông. Do đó bà đã bỏ nhà đến San Francisco. Chỉ có 'một thân một mình', bà Schieble gặp rất nhiều khó khăn và quyết định sẽ đem cho đứa con còn đang trong bụng cho người khác nhận nuôi.
“Tôi rất muốn giữ lại con mình nhưng không thể”, ông Jandali chia sẻ.
Dù không thể nuôi dưỡng chính đứa con mình 'dứt ruột đẻ ra', nhưng bà Schieble luôn mong muốn sau này con mình được hưởng một chế độ giáo dục tốt nhất, do đó bà đặt ra điều kiện bố mẹ nuôi phải là người từng tốt nghiệp đại học.
Một cặp vợ chồng là luật sư đã quyết định nhận nuôi Steve Jobs khi còn ở trong bụng mẹ. Nhưng khi Steve Jobs ra đời, cặp vợ chồng này bất ngờ từ chối và nói họ chỉ muốn một đứa con gái.
Sau đó, vợ chồng Paul và Clara Jobs sống ở thành phố Mountain View, bang California, đã nhận nuôi cậu bé sẽ trở thành thiên tài sau này. Tuy nhiên, mọi chuyện diễn ra không hề suôn sẻ khi bà Schieble biết được ông Paul Jobs bỏ học ngang cấp III, còn bà Clara thì bỏ học đại học.
Sau nhiều tháng thuyết phục bà Schieble bằng cách cam kết chắc chắn sẽ cho Steve đi học đại học khi cậu trưởng thành, mẹ ruột của Steve Jobs cuối cùng cũng gật đầu đồng ý cho hai vợ chồng nhà Jobs nhận nuôi cậu bé.
Không lâu sau đó, khi cha của bà qua đời, Schieble đã kết hôn với Jandali, và sinh thêm một cô con gái tên Mona, theo Business Insider.
The Richest đưa tin, Steve Jobs rất khó nuôi và bướng bỉnh khi còn nhỏ. Thậm chí, mẹ nuôi của ông - bà Clara Jobs - từng nghĩ mình đã sai lầm khi nhận nuôi Steve. Có thời điểm, bà ước có thể đem trả lại ông cho mẹ ruột Joanne.
Trong một phỏng vấn được thực hiện vào năm 1995, Steve Jobs từng chia sẻ: "Ban đầu trường học khá khó khăn đối với tôi. Mẹ tôi đã dạy tôi cách đọc trước khi tôi đến trường, và vì vậy khi tôi đến đó, tôi thực sự chỉ muốn làm hai điều: Tôi muốn đọc sách, vì tôi thích đọc sách và tôi muốn ra ngoài đuổi theo những con bướm ngoài kia.
Bạn biết đấy, làm những điều mà những đứa trẻ 5 tuổi thích làm. Tôi phải đối mặt với một loại quyền lực khác với những gì tôi từng gặp trước đây, và tôi không thích điều đó."
Khi học lớp 3, Steve Jobs chơi với một bạn học tên Rick Farentino, cả hai vô cùng nghịch ngợm. Một lần, sau khi tan học, hai người đã tráo ổ khoá của tất cả xe đạp trong trường. Cả 2 cũng từng đặt thuốc nổ ở dưới bàn giáo viên. Cả Steve và Rick đều thường xuyên bị đình chỉ học và sau đó bị tách riêng sang hai lớp khác nhau để tránh gây rắc rối.
Nếu không có cô giáo lớp 4 - Imogene Teddy Hill, Steve Jobs vẫn sẽ vẫn thờ ơ với việc học. Theo The Richest, cô giáo lớp 4 của Steve Jobs chỉ mất một tháng để tìm ra cách khơi dậy đam mê học tập của cậu.
Đó là thường đặt ra các thử thách và thưởng cho Steve kẹo hay đôi lúc là 5 USD sau khi ông hoàn thành bài tập. Bà cũng thường xuyên mua đồ dùng học tập cho ông.
Steve Jobs từng thừa nhận, đó là khoảng thời gian tuyệt vời nhất, giúp ông học được nhiều điều trong một năm hơn là cả cuộc đời.
Nhờ cô giáo Imogene Teddy Hill, Steve Jobs đã trở thành học sinh giỏi nhất lớp. Ông đã học rất chăm chỉ và thường xuyên đạt được điểm cao trong các bài kiểm tra. Vì vậy, nhà trường muốn ông học vượt 2 lớp để tạo sự thử thách. Tuy nhiên, cha mẹ không đồng ý và chỉ cho ông học vượt một lớp.
Khi lên cấp II, Steve Jobs theo học tại trường trung học Crittenden ở Mountain View. Ông thường xuyên bị các bạn bắt nạt vì quá thông minh. Đến một ngày, khi đã không thể chịu nỗi sự bắt nạt của bạn bè, ông đã đưa ra một tối hậu thư cho cha mẹ rằng: một là chuyển trường, hai là ông sẽ không bao giờ đi học nữa.
Thương con, gia đình Paul và Clara Jobs đã chuyển tới Los Altos, bang California để ông theo học tại trường Homestead.
Sau giờ học, Steve Jobs thường đến công ty Hewlett-Packard tại Palo Alto, California. Ông nhanh chóng được thuê và làm việc cùng Steve Wozniak - đồng sáng lập của Apple sau này - trong vai trò là những nhân viên thời vụ mùa hè.
Wozniak sống gần nhà ông và là người đầu tiên ông thấy biết về điện tử còn nhiều hơn mình. Wozniak khi đó học tại Đại học Berkeley.
Thời điểm đó, khi Steve Jobs chỉ mới 12 tuổi, ông đã đam mê các thiết bị điện tử. Một ngày, khi ông đang chế tạo máy đếm tiền, và thiếu vài linh kiện, ông đã gọi điện cho Bill Hewlett - đồng sáng lập HP - vì biết rằng Hewlett ở ngay gần nơi có bán đồ mình cần. Sau cuộc nói chuyện 20 phút, Bill Hewlett rất ấn tượng với Steve và đã mời ông đến thực tập hè tại công ty mình.
Đúng như cam kết với mẹ ruột của Steve Jobs - bà Schieble, gia đình nhà Jobs đã cho Steve đi học đại học vào năm 1972, sau khi ông tốt nghiệp cấp III.
Ông đã quyết định đầu quân vào Trường Đại học Reed ở Portland, Oregon. Nhưng chỉ sau 6 tháng, ông quyết định bỏ học vì học phí quá lớn.
Phát biểu tại lễ phát bằng tốt nghiệp ở Đại học Stanford năm 2005, Steve Jobs từng chia sẻ: “Tôi đã quá ngây thơ khi chọn một trường rất đắt đỏ và toàn bộ số tiền tiết kiệm của cha mẹ tôi phải đổ vào học phí. Sau sáu tháng, tôi thấy sự đầu tư đó không có giá trị.
Tôi chẳng biết phải làm gì với cuộc đời mình và không hiểu việc học đại học sẽ giúp tôi như thế nào, trong khi đó lại tiêu hết số tiền mà cha mẹ đã dành dụm cả đời”.
Steve Jobs tâm sự, việc bỏ học “khá là đáng sợ”, nhưng hóa ra lại là một trong những quyết định sáng suốt nhất mà ông thực hiện trong đời.
Nói như vậy không có nghĩa là Steve Jobs dừng hẳn việc học, ông chỉ ngừng học những lớp mà ông không thích và dự thính những môn mà ông thấy thú vị.
Steve Jobs từng thú nhận rằng, điều này không có gì là lãng mạn, bởi thời điểm khi ông quyết định bỏ học, ông không còn là sinh viên của trường, và không được ở ký túc xá.
Do đó hằng đêm ông phải ngủ nhờ trên sàn nhà của bạn bè. Để có tiền mua thức ăn, ông thu lượm vỏ chai để bán. Mỗi chủ nhật, ông đi bộ hơn 11 km đến ngôi đền Hare Krishn để nhận các suất ăn miễn phí. Dẫu vậy, cố CEO Apple cho rằng bản thân "yêu thích cuộc sống đó”.
Những khó khăn từ quyết định nghỉ học đã đem lại vốn sống quý báu cho ông sau này. "Những gì tôi tình cờ khám phá khi làm theo sự tò mò và trực giác hóa ra lại là những kinh nghiệm vô giá sau này", Steve Jobs chia sẻ.
Thời điểm sau khi bỏ học, ông đã dự thính lớp thư pháp ở trường. Khi đó, môn học này chẳng có ứng dụng gì cụ thể đối với Steve Jobs. Nhưng 10 năm sau, khi ông thiết kế máy tính Macintosh đầu tiên, ông đã áp dụng những kiến thức từ môn học đó để làm đẹp cho các bộ chữ của máy tính.
“Nếu tôi không bỏ học thì đã chẳng đi học lớp thư pháp, và máy tính sẽ không có các bộ chữ đẹp như trên Mac”, Steve Jobs tự hào.
Cố CEO Apple cho biết, điều ông rút ra từ những trải nghiệm đó là con người ta không thể vạch sẵn cuộc đời của mình. Điều quan trọng là cần phải có niềm tin vào trực giác của chính mình.
“Cách tiếp cận đó chưa bao giờ làm tôi thất vọng và đã tạo ra mọi sự khác biệt trong cuộc đời tôi”, Steve Jobs khẳng định.
Theo Facts, năm 1974, Steve Jobs đã đi đến Ấn Độ để tìm sự giác ngộ từ đại sư Neem Karoli Baba tại đền thờ Kainchi, nhưng nhà sư khi đó đã qua đời gần một năm trước.
Trong bảy tháng tiếp theo, ông đi khắp các bang phía Bắc Ấn Độ và được tiếp xúc với Phật giáo. Khi trở về Mỹ, ông mặc quần áo truyền thống của Ấn Độ và cạo đầu. Ông sớm bắt đầu tập Thiền tông với thiền sư Kōbun Chino Otogawa.
Năm 1976, khi Steve Jobs 21 tuổi và Steve Wozniak 26 tuổi, họ sáng lập công ty Apple Computer trong garage của nhà Jobs. Bắt đầu từ đây, họ đã phát triển starup chỉ 2 người thành một công ty tầm cỡ quốc tế với hơn 137.000 ngàn nhân viên khắp toàn cầu (theo số liệu năm 2019).
Theo đó, sản phẩm đầu tiên của Jobs và Wozniak là máy tính cá nhân Apple I được ra mắt năm 1976. Năm 1977 Apple tung ra sản phẩm tiếp theo, Apple II, sản phẩm đã tạo nên tiếng vang cho một công ty còn non trẻ. Năm 1980, Jobs và Wozniak chính thức trở thành triệu phú USD.
Niềm đam mê theo đuổi sự hoàn thiện của Steve Jobs chính là chìa khoá cho những thiết kế tuyệt vời và sự thành công của Apple.
Đối với Steve Jobs, thiết kế không chỉ là vẻ bề ngoài của sản phẩm, màu sắc hay các chi tiết kiểu dáng, mà thiết kế còn là cách thức vận hành của sản phẩm đó.
“Thiết kế là một từ có vẻ buồn cười. Một vài người nghĩ thiết kế đơn giản chỉ là vẻ bề ngoài của sản phẩm. Nhưng nếu các bạn tìm hiểu kỹ hơn, thiết kế thật sự là cách thức hoạt động của sản phẩm đó. Thiết kế của máy tính Mac không hẳn là kiểu dáng bên ngoài, dù đó cũng là một phần của thiết kế, mà chủ yếu là cách thức hoạt động của những cỗ máy này", Steve Jobs giải thích với tạp chí công nghệ Wired.
Với việc Apple ngày càng phát triển, nên Steve Jobs muốn một người cùng quản lý công ty với mình. Ông đã thuyết phục giám đốc điều hành của Pepsi lúc đó là John Sculley về làm việc cùng ông.
John Sculley và Steve Jobs lần đầu gặp nhau vào năm 1982. Cựu giám đốc điều hành của Pepsi từng chia sẻ: "Chúng tôi đã hiểu rất rõ về nhau. Nhưng tôi đã nói với Steve rằng mình không thể đến Apple."
"Sau đó, Steve dừng lại, suy nghĩ một chút và nói: 'Anh muốn đi bán nước ngọt đến hết đời hay muốn đi cùng tôi, thay đổi thế giới?', John Sculley cho biết thêm.
Kết quả là, vào ngày 11 tháng 4 năm 1983, Sculley gia nhập Apple với tư cách CEO mới.
John Scully từng chia sẻ, cố CEO Apple là người không bao giờ thay đổi nguyên tắc: “Ông ấy tin tưởng vào từng chi tiết của mỗi bước đi. Ông ấy luôn cực kỳ cẩn trọng với mọi thứ. Đó là một người theo đuổi sự hoàn hảo đến tận cùng”.
Tuy nhiên, vào năm 1985, cũng chính người được đích thân Steve Jobs chiêu dụ này đã mở cuộc “đảo chính” đá bay ông ra khỏi Apple.
Cụ thể, trước khi bị 'đảo chính', Apple cho ra mắt Lisa, máy tính đầu tiên có giao diện người dùng đồ họa (GUI). Dù được đánh giá tuyệt với, nhưng doanh số của chiếc máy tính này lại thấp thảm hại.
Dự án tiếp theo là Macintosh, tình hình kinh doanh đã trở nên khả quan hơn nhưng vẫn chưa đủ để bùng nổ. Do đó, Jobs muốn hạ giá Macintosh, tăng cường quảng cáo tiếp thị cho dòng sản phẩm này.
Sculley lại có định hướng chiến lược công ty trái ngược: Giảm giá sản phẩm mà vẫn phải chi số tiền lớn cho tiếp thị, kinh doanh sẽ thua lỗ. Lúc này, hội đồng quản trị Apple đã đứng về phía Sculley và yêu cầu Jobs rời khỏi ban điều hành Macintosh.
"Steve, chúng tôi muốn anh từ bỏ việc điều hành bộ phận Macintosh. Anh đang gây rối trong tổ chức", hội đồng quản trị ra quyết định.
Vì không thể tìm được hướng đi chung, Steve Jobs đã tự nguyện rời khỏi Apple - đứa con do chính mình gầy dựng nên.
Sau khi rời khỏi Apple, Steve Jobs đã không nản lòng mà thành lập tiếp một công ty khác mang tên NeXT Computer.
Sản phẩm NeXt được bán ra cho đối tượng khách hàng là những người trong lĩnh vực học thuật và khoa học.
Trong thời kỳ mà con người chỉ gửi cho nhau những đoạn văn bản đơn thuần trong thư điện tử, Jobs đã đi tiến xa hơn khi giới thiệu NeXTMail - một trong những dịch vụ đầu tiên hỗ trợ đồ hoạ và âm thanh tích hợp mà người dùng có thể chèn vào trong thư điện tử.
Cũng giống như với Apple, Steve Jobs cũng áp dụng nguyên tắc theo đuổi sự hoàn thiện vào trong công việc với NeXT Computer. Nhiều nhân viên, những người từng dưới trướng của Steve Jobs khi ở Công ty NeXT, cho biết cảm nhận ban đầu của họ về ông là một người cực kỳ thông minh, có khả năng thúc đẩy người khác và có sức hấp dẫn mạnh mẽ.
Dẫu vậy, trong công việc ông là một người vô cùng 'khủng khiếp'.
“Thái độ của ông ấy luôn luôn là: Cậu đã làm việc đó được một tuần rồi, cậu thông minh lắm cơ mà. Vậy cậu đã làm được gì? - Đó là lý do tất cả mọi người đều sợ Steve”, một cựu nhân viên NeXT kể lại.
John Scully từng chia sẻ, Steve Jobs thường buộc các nhân viên luôn phải cố gắng hết mình. Khi một kỹ sư đến trình Steve Jobs một phần mềm mới anh ta vừa viết, Steve Jobs ngó qua rồi nhận xét: “Chưa đủ tốt đâu”. Và cuối cùng, họ tạo ra được những sản phẩm mà họ không nghĩ rằng mình đủ khả năng làm được.
Năm 1986, Steve Jobs mua hãng phim đồ họa Lucasfilm, tiền thân của Pixar Studios, với giá 10 triệu USD, trong đó 5 triệu USD dùng làm vốn cho hãng.
Theo dự định ban đầu, Lucasfilm được xây dựng để trở thành một nhà phát triển phần cứng đồ hoạ công nghệ cao. Sau nhiều năm buôn bán máy tính Pixar Image không thu về lợi nhuận, hãng đã ký hợp đồng với Disney để sản xuất ra những bộ phim hoạt hình đồ hoạ.
Bộ phim đầu tiên mà Lucasfilm hợp tác với Disney sản xuất mang tên 'Câu chuyện đồ chơi' (Toy Story) đã đem lại danh tiếng cho hãng khi ra mắt vào năm 1995.
Sau đó, Steve Jobs đã đổi tên hãng thành Pixar (sau là Pixar Studios). Việc sản xuất những bộ phim thành công với Pixar đã giúp Steve Jobs trở thành tỷ phú USD, chứ không phải Apple như nhiều người lầm tưởng.
Cuối năm 1996, Apple công bố kế hoạch đưa người đồng sáng lập Steve Jobs trở lại sau 11 năm xa vắng, bằng cách thâu tóm dự án NeXT của ông với giá 429 triệu USD.
Steve Jobs nhanh chóng xuất hiện trên sân khấu sự kiện Macworld Expo 1997 cùng CEO lúc bấy giờ Gil Amelio. Ngày 4 tháng 7 năm 1997, Jobs thuyết phục Apple loại bỏ Amelio trên cương vị CEO Apple.
Sau khi được hội đồng quản trị chấp nhận, Steve Jobs đã trở thành CEO tạm thời của Apple, và sau đó không lâu là CEO chính thức của công ty.
Theo CNBC, Sculley từng kể rằng, Steve Jobs lúc này đã trở thành một người hoàn toàn khác. Cựu giám đốc điều hành của Pepsi miêu tả 'cha đẻ Apple' trong hai nhiệm kỳ tại công ty như "Steve Jobs phiên bản 1.0 và 2.0".
Trong đó, Steve Jobs phiên bản 1.0 là người bảo thủ và có tham vọng không thể lay chuyển, trong khi Steve Jobs 2.0 trưởng thành hơn và sẵn sàng lắng nghe ý kiến của người khác.
Năm 1998, Steve Jobs chiêu mộ một chuyên gia có tên Tim Cook - CEO đương nhiệm hiện nay của Apple - để đảm nhận quản lý vận hành toàn cầu của công ty.
Apple tung ra chiếc iMac vào tháng 8 năm 1998, gần một năm sau khi nhận đầu tư của Microsoft. Chiếc máy này được thiết kế bởi chính Steve Jobs và cộng sự mới Jonathan Ive - nhà thiết kế kế huyền thoại của Apple.
Ban đầu, Steve Jobs muốn đặt tên cho sản phẩm này là MacMan. Tuy nhiên Ken Segall, một nhân viên làm việc cho công ty quảng cáo của Apple lúc đó, đã gợi ý tên gọi iMac.
Theo người này, "i" là viết tắt của "internet" bởi chỉ cần hai thao tác, người dùng đã có thể kết nối với web trên chiếc máy iMac. Dù vậy, Apple cũng nói "i" là viết tắt của "inpiduality" (mang tính cá nhân) và "innovation" (sự cách tân).
Cách đặt tên này sau đó được Apple gắn bó sử dụng trên các dòng sản phẩm của mình, như iPhone, iPad, iPod,...
Năm 2001, Apple trình làng Mac OS X cùng diện mạo hoàn toàn mới. Tháng 10 cùng năm, Apple cũng thực hiện bước tiến đầu tiên của mình vượt ra ngoài những chiếc máy tính Mac là trình làng iPod, một sản phẩm máy nghe nhạc số hứa hẹn "1000 bài hát trong túi quần của bạn."
Năm 2003, Apple ra mắt iTunes Music Store với mức giá bán 0,99 USD/ một bài hát, iTunes và iPod bắt đầu hỗ trợ Windows.
Khi công cuộc vực dậy đế chế cho chính mình gầy dựng đã bước đầu đi vào quỹ đạo, Steve Jobs cũng phải đón nhận tin xấu của đời mình: Ông bị ung thư tuyến tụy. Steve Jobs giữ bí mật thông tin này mãi tới năm 2004.
Steve Jobs từng nhiều lần chia sẻ rằng, cái chết là động lực lớn lao giúp ông vươn tới thành công.
“Biết rằng tôi sẽ chết là điều quan trọng nhất tôi từng có để đưa ra những lựa chọn lớn trong đời. Bởi tất cả mọi thứ, từ những kỳ vọng, sự tự hào, nỗi xấu hổ vì thất bại,... đều trở nên vô nghĩa trước cái chết. Hãy luôn nhớ rằng bạn sẽ mất đi, đó là cách tốt nhất để tránh cái bẫy của lối suy nghĩ: bạn sẽ đánh mất điều gì đó. Vốn dĩ bạn đã trần trụi sẵn rồi, chẳng có lý do gì mà không hành động theo tiếng gọi của trái tim”, Steve Jobs từng nói.
Và thế là chỉ trong vòng 6 năm, Apple đã vực dậy mạnh mẽ, từ một hãng công nghệ đang lụi tàn trở thành một trong những hãng công nghệ hàng đầu thời điểm đó. Giá cổ phiếu Apple đã tăng từ 6 USD năm 2003 lên tới 80 USD vào năm 2006.
Tới năm 2005, Apple ra mắt 4 phiên bản iPod, bao gồm iPod, iPod Mini, iPod Nano và iPod Shuffle. Cũng trong năm này, Apple cũng trình làng chiếc iPod đầu tiên hỗ trợ xem video, cùng khả năng mua video/ phim trên iTunes.
Năm 2006, Steve Jobs đã thực hiện một thay đổi lớn khi ra đời MacBook Pro cùng một mẫu iMac mới.
Vào tháng 1 năm 2007, Steve Jobs đã trình làng chiếc iPhone đầu tiên tại sự kiện Macworld Expo. Chiếc smartphone này nhanh chóng thu hút được sự chú ý của người yêu công nghệ toàn cầu. Apple bán được 1 triệu máy chỉ trong 74 ngày.
Năm 2009, Tim Cook được chỉ định là CEO tạm thời của Apple khi Jobs tạm nghỉ ba tháng vì lý do sức khỏe.
Năm 2010, Steve Jobs tình làng chiếc iPad đầu tiên. Đây là sản phẩm mà cố CEO Apple luôn muốn tung ra kể từ đầu những năm 2000.
Tháng 6 năm 2011 là lần cuối cùng Steve Jobs xuất hiện trước công chúng. Ông giới thiệu kế hoạch chuyển trụ sở của Apple sang "trụ sở phi thuyền", nơi được hoàn thành vào năm 2017 sau này.
Ngày 24 tháng 8 năm 2011, Jobs chính thức rời vị trí CEO Apple vào để giữ chức chủ tịch khi căn bệnh ung thư tuyến tụy của ông phát tác trở lại. Không lâu sau đó, vào ngày 5 tháng 10 năm 2011, ông đã qua đời bên cạnh gia đình thân yêu.
Ông được chôn trong một ngôi mộ không ghi danh tại Công viên Tưởng niệm Alta Mesa ở Palo Alto. Jerry Brown, thống đốc bang California, tuyên bố Chủ Nhật, ngày 16/10/2011, là 'Ngày Steve Jobs'.
“Là người giàu nhất trong nghĩa trang chẳng có ý nghĩa gì đối với tôi. Trước khi lên giường ngủ mỗi đêm, cảm thấy rằng mình đã làm được một điều tuyệt vời. Đó mới là điều có ý nghĩa", Steve Jobs từng nói như thế.