Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Công nghệ số

Công nghệ đã khiến World Cup 2018 tuyệt vời hơn như thế nào?

Không phải ngẫu nhiên mà người ta lại nói World Cup 2018 là kì World Cup ghi dấu ấn đậm nét của công nghệ.

Một trong những công nghệ được nhắc đến nhiều nhất tại World Cup 2018 và cũng thực tế là công nghệ ảnh hưởng nhiều nhất đến những trận đấu chính là V.A.R (Video Assistant Referee, tạm dịch: trợ lý trọng tài qua video).

Theo đó, đây là nhóm trọng tài có thể truy xuất các đoạn video được cung cấp từ 33 camera được bố trí trên sân cùng với đó là 2 camera chuyên dụng cho các tình huống việt vị. Trong thời gian diễn ra trận đấu, khi có các tình huống quan trọng, có tính chất thay đổi cuộc chơi, nhóm V.A.R có thể liên hệ với trọng tài chính của trận đấu để yêu cầu xem lại tình huống qua một màn hình được đặt bên cạnh đường pitch. Hoặc trọng tài chính cũng có thể là người trực tiếp đề xuất xem lại tình huống. Dĩ nhiên, kết luận cuối cùng vẫn do các trọng tài chính đưa ra.

Trọng tài chính trận chung kết World Cup 2018 thận trọng xem lại video V.A.R.

Đây là lần đầu tiên trong khuôn khổ World Cup, các trọng tài có quyền dừng trận đấu và “sửa chữa” quyết định của mình. Vì thế, nó gây ra không ít sự tranh cãi. Nhiều người nặng nề cho rằng V.A.R “giết chết” thứ bóng đá cảm xúc. Bên cạnh đó, việc các trọng tài phải mất nhiều thời gian xem lại các tình huống cũng khiến không ít người hâm mộ cảm thấy bức xúc khi mạch trận đấu bị gián đoạn trong thời gian dài.

Dù vậy, không thể phủ nhận sự công bằng mà V.A.R mang đến cho kì World Cup trên đất Nga. Theo thống kê nhanh của Chủ tịch FIFA Gianni Infantino trước trận chung kết và trận tranh hạng ba tại World Cup 2018, đã có 19 tình huống V.A.R tổng cộng được trọng tài quyết định xem xét lại và 16 quyết định (trước đó không bắt lỗi) được đưa ra. Tỷ lệ bắt chính xác các tình huống quan trọng trong kì World Cup này được tăng lên 99,32% từ con số 95% nếu không có sự trợ giúp của công nghệ. FIFA cũng khẳng định V.A.R khiến các cầu thủ chơi fair-play hơn. Thực tế, trong cả giải đấu năm nay không có bất kì thẻ đỏ nào được rút ra.

Bên cạnh V.A.R, Goal Line cũng là một công nghệ đáng chú ý. Theo đó, khi bóng đi qua vạch vôi khung thành, các trọng tài ngay lập tức sẽ nhận được thông báo thông qua đồng hồ thông minh trên tay. Công nghệ này thực tế đã được đưa vào sử dụng từ World Cup 2014.

Khi thiết kế một trái bóng, một trong những mục tiêu quan trọng nhất chính là việc tạo ra hình khối tròn hoàn hảo. Trước đây, chúng ta thường thấy trái bóng gắn liền với hình ảnh đen - trắng xen kẽ với 20 miếng da hình lục giác và 12 miếng gia hình ngũ giác kết hợp. Chúng tạo ra hình khối xấp xỉ hình tròn nhất khi ghép lại với nhau. Tuy nhiên, kể từ kì World Cup 2006, người ta đã nghĩ ra những cách sáng tạo hơn để tạo ra hình tròn của trái bóng.

Các trái bóng World Cup trong vài năm trở lại đây ngày càng ít các mảnh ghép hơn. Điều này có thể khiến trái bóng tròn hơn, tuy nhiên nó cũng gây ra các hệ luỵ đi kèm. Vi dụ trái Jabilani ở World Cup 2010 được xem là một thảm hoạ bởi nó không đủ tròn, thực tế này khiến trái bóng có thể đột ngột giảm tốc độ khi bay. Kể từ World Cup 2014, chất lượng trái bóng đã bắt đầu đi vào sự ổn định và đến World Cup 2018, Adidas đã tạo ra một trái bóng gần như không có phản hồi tiêu cực nào.

Telstar 18 được sản xuất bằng những chất liệu có thể tài chế và chỉ có đúng 6 mảnh được gắn liền, kết nối với nhau trong một cấu trúc hoàn toàn trơn tru. Phần bề mặt ngoài của bóng có cấu trúc 3D để giúp các cầu thủ có thể cầm nắm và kiểm soát bóng tốt hơn.

Năm nay, để thử nghiệm Telstar 18, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một chân robot để mô phỏng một cú sút của cầu thủ trong nhiều lần liên tục với tốc độ và lực khác nhau.

Để tăng độ chính xác của thử nghiệm, nhóm thử nghiệm thực hiện ghi các chuyển động từ một cú sút thực tế để chân robot sau đó có thể bắt chước động tác. Nhóm nghiên cứu cũng thực hiện mô phỏng trái bóng trên máy tính trước để đánh giá các vấn đề rồi sau đó mới thực hiện sản xuất trái bóng vật lý.

Bên cạnh đó, cũng không thể thiếu các thử nghiệm với cầu thủ thực tế. Sự tỉ mỉ cùng sự trợ giúp của công nghệ đã giúp World Cup 2018 có một trái bóng tuyệt vời.

Năm nay, Đức mang đến World Cup 2018 giải pháp công nghệ của SAP với nhiều tính năng như “Match Insight” (nền tảng cho phép các cầu thủ nghiên cứu thông tin đối thủ chỉ với một nút bấm), “Player Dashboard” (bảng thông tin cá nhân) và “Video Cookpit” (cổng thông tin video) để các cầu thủ có thể nghiên cứu về đối thủ, thông tin về bản thân đồng thời đề xuất, góp ý với ban huấn luyện. Tất cả đều được vận hành nhờ nền tảng đám mây.

Croatia trong khi đó viết lên câu chuyện cổ tích của mình nhờ sự trợ giúp của công nghệ phân tích dữ liệu hàng đầu đến từ STATS Edge. Các cầu thủ Brazil lại sử dụng các thiết bị công nghệ đeo để thu thập dữ liệu trận đấu, từ đó đưa ra các chương trình luyện tập phù hợp nhất với các cá nhân chẳng hạn.

Chưa bao giờ người ta lại thấy bóng đá không chỉ còn là bóng đến đến vậy. Chiến lược giờ đây còn liên quan đến công nghệ, đám mây, trí thông minh nhân tạo, khả năng học sâu, phân tích dữ liệu nữa. Tất cả đã mang đến cho người xem một giải đấu có chất lượng cao và ở chừng mực nào đó biết đâu đấy công nghệ chính là thứ giúp thu hẹp khoảng cách giữa các đội bóng như những gì diễn ra tại World Cup năm nay?

Là một trong những sự kiện thể thao được quan tâm nhất hành tinh, công tác truyền thông chuẩn bị cho World Cup cũng cực kì công phu và bài bản.

Trong những tháng trước khi World Cup 2018 chính thức khởi tranh, FIFA tuyên bố đây sẽ kì World Cup đầu tiên có toàn bộ 64 trận đấu được quay hình bằng công nghệ Ultra HD kèm HDR. Để đạt được điều này, FIFA tiết lộ sẽ có tới 37 camera hoạt động trong mỗi trận đấu. Hệ thống độ phân giải UHD/ HDR/ 1080p được thiết lập hoạt động cùng lúc. Điều này đồng nghĩa với việc cho dù đơn vị phát thanh chọn chất lượng hình ảnh này, họ cũng có thể nhận và sử dụng dòng thông tin được phát đi. Theo đó, trong số 37 camera này, 8 camera được sử dụng cho định dạng UHD/ 4K, 8 camera khác được sử dụng cho định dạng 1080p/HDR và 1080p/SDR.

Để đảm bảo ngay cả những pha bóng nhanh nhất cũng không bị bỏ lỡ, 8 camera được thiết lập chỉ để quay những thước phim chậm cùng 2 camera khác để quay hình ảnh siêu chậm. Với những camera này, hình ảnh được ghi lại ở tỷ lệ khung hình rất cao (có thể lên đến hàng nghìn). Thực tế, đây chính là những camera phục vụ đặc lực cho công nghệ V.A.R (hỗ trợ trọng tài qua video) hay Goal-Line chẳng hạn. Bên cạnh đó, mỗi trận đấu còn có sự phục vụ của hai camera gắn trực thăng Cinefex, một camera treo trên cáp, hai camera đảo góc và một camera bố trí ở khu vực đường hầm sân vận động.

Nước chủ nhà cũng hào phóng chuẩn bị một Trung tâm Truyền thông Quốc tế (IBC) để các phóng viên tác nghiệp, sản xuất nội dung với tổng diện tích lên tới 54.000 mét vuông.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Lê Nam Khánh

Được quan tâm

Tin mới nhất