Công Nghệ

Thiếu ngủ, không tình yêu, làm việc đến kiệt sức: Thực trạng khốc liệt bên trong 'Thung lũng Silicon' Trung Quốc

Duy Huỳnh
Chia sẻ

Không có thời gian để ngủ, không thể có con, làm việc đến kiệt sức khi chưa tới 30 tuổi là những gì mà hàng trăm ngàn người trẻ tuổi trong ngành công nghệ Trung Quốc đang phải đối mặt từng ngày.

Một anh chàng phải “mất ăn mất ngủ” để đưa công ty khởi nghiệp của mình đi vào quỹ đạo. Một cô nàng phải chấp nhận hy sinh tình yêu cho công việc. Một cặp vợ chồng muốn có con lại chẳng còn sức đâu để “âu yếm” sau cả ngày làm việc căng thẳng. Đây là những gì mà hàng trăm ngàn người trẻ tuổi trong ngành công nghệ Trung Quốc đang phải đối mặt từng ngày.

Hành khách băng qua một con đường trong khu trung tâm thương mại của Bắc Kinh. (Ảnh: AFP)

Cũng không khác mọi người, Yu Haoran, 26 tuổi, một kỹ sư máy tính đang là chủ công ty Jisuanke, cũng đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự. Đây là một công ty khởi nghiệp nằm trong khu công nghệ Trung Quan Thôn (Zhongguancun), hay còn được mệnh danh là “Thung lũng Silicon của Trung Quốc”.

Yu phải làm việc thâu đêm suốt sáng, kể cả những ngày cuối tuần, để phát triển công việc kinh doanh của mình. Từ một nhóm 10 lập trình viên, Yu đã đưa Jisuanke thành một công ty được định giá 200 triệu Nhân dân tệ (khoảng 29,8 triệu USD). Tuy nhiên, cái giá mà anh phải trả là chứng mất ngủ kinh niên, có thời điểm Yu chỉ ngủ được 2 tiếng mỗi đêm.

“Tôi chưa từng nghĩ đến viễn cảnh tận hưởng cuộc sống như thế nào. Bởi vì tôi đang bận lo cho công việc, nên tôi cũng không có thời gian để nghĩ đến điều gì khác”, Yu chia sẻ.

Kiệt sức trong công việc là một điều quen thuộc tại “Thung lũng Silicon Trung Quốc”

Theo báo cáo từ Hurun vào năm 2018, cứ mỗi tuần Trung Quốc lại cho “ra đời” 4 tỉ phú mới, trong bối cảnh công nghệ trở thành ngành nghề có tác động kích cầu sự thịnh vượng của nền kinh tế quốc gia, theo sau là bất động sản.

Tại quốc gia châu Á này, có hàng ngàn người hy vọng trở thành Jack Ma tiếp theo, người sáng lập và đưa Alibaba từ một công ty nhỏ vươn lên thành đế chế thương mại điện tử của thế giới.

Tỷ phú Jack Ma. (Ảnh: AFP)

Tờ South China Morning Post đã có cuộc trò chuyện với các nhân viên công nghệ làm việc tại khu Trung Quan Thôn, nơi được coi là Thung lũng Silicon của Trung Quốc khi quy tựu nhiều cái tên nổi tiếng như Baidu, Meituan hay ByteDance, để tìm hiểu về cuộc sống của họ khi làm việc và sinh sống tại đây.

Trong ngành công nghiệp kỹ thuật của Trung Quốc, không chỉ các nhân viên mà doanh nhân trẻ cũng phải “oằn mình” cho công việc. Đó là chưa kể đến việc họ còn phải nặng gánh về những mối lo toan như thăng chức, thất nghiệp và môi trường làm việc có sự phân biệt đối xử về giới tính.

Sau tất cả, một số người cuối cùng nhận ra rằng họ cần phải cân bằng giữa công việc và cuộc sống, đảm bảo sức khỏe của chính mình. Trong khi nhiều người khác lại đang cố tìm cơ hội trong guồng quay công nghệ, môi trường dễ kiếm tiền và được nhiều người săn đón.

Từng là một nghĩa địa dành cho các hoạn quan thời phong kiến ở Trung Quốc, Trung Quan Thôn nằm sâu bên trong phía Tây Bắc của đường vành đai 4, một trong những con đường cao tốc lớn bao quanh thủ đô Bắc Kinh.

Chủ tịch kiêm CEO của Baidu, Robin Li phát biểu trong hội nghị Thế giới 2018 tại Bắc Kinh. (Ảnh: AP Photo)

Trong 3 thập kỷ qua, nơi đây đã chứng kiến sự tăng trưởng của các công ty khởi nghiệp trong ngành công nghệ và Internet, từ nhà sản xuất máy tính Lenovo đến cổng thông tin Sina và ứng dụng gọi xe Didi Chuxing. Theo thống kê của chính quyền địa phương, có tới 80 công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ được thành lập mỗi ngày ở Trung Quan Thôn.

Yu Haoran đặt văn phòng Công ty Jisuank trong một không gian làm việc chung ở tầng hầm của một trong những tòa nhà văn phòng ở Trung Quan Thôn. Vị trí này giúp Yu dễ dàng tiếp cận được những tài năng trẻ mới tốt nghiệp ở các học viện lớn của Trung Quốc gần đó, như Đại học Thanh Hoa. Văn phòng này nằm cách chỉ ít bước chân từ căn hộ 2 phòng ngủ mà Yu thuê, nơi anh kê sẵn những chiếc giường tầng cho thực tập sinh làm việc thâu đêm tại công ty.

Trong những năm gần đây, Trung Quan Thôn đã trở nên đông đúc và đắt đỏ hơn. Thay đổi này khiến các công ty công nghệ lớn phải chuyển văn phòng của họ đi nơi khác và biến những nơi đó dần trở thành trung tâm công nghệ mới của Bắc Kinh.

Có thể kể đến khu Xierqi ở phía Tây Bắc thành phố, nơi các công ty như Baidu, Sina, NetEase và Didi thành lập các trụ sở mới. Một khu công nghệ khác là Vương Kinh (Wangjing) cũng đã được thành hình ở rìa phía Đông Bắc thành phố Bắc Kinh, nơi đặt trụ sở của Meituan Dianping, ứng dụng hẹn hò Momo và tập đoàn Alibaba Group.

Đằng sau sự tăng trưởng của các công ty công nghệ

Người Trung Quốc thường nói đùa rằng, trở ngại lớn nhất trong sự phát triển mạng lưới Internet quốc gia chính là tình trạng kẹt xe ở đường Houchang Village, một con đường có 4 làn xe nằm cạnh các khuôn viên rộng lớn của các công ty công nghệ lớn ở khu Xierq. Đây cũng là nơi cho thấy sự tăng trưởng nóng của các công ty công nghệ.

Vào năm vừa rồi, một cơn mưa mùa hè ở Bắc Kinh đã biến đường phố của Xierqi thành sông. Một bức ảnh về người đàn ông ngồi trên thùng rác tìm cách thoát khỏi con đường ngập nước đã được phát tán rộng rãi trên mạng.

Giao thông dọc theo một đường vành đai trong khu trung tâm thương mại ở Bắc Kinh. (Ảnh: AFP)

Yang, một cư dân gốc Bắc Kinh 33 tuổi, sống cùng vợ và bố mẹ, làm giám đốc sản phẩm tại một công ty internet ở Xierqi. Hàng ngày anh dậy lúc 6 giờ sáng để bắt xe từ nhà đến công ty, đổi qua 2 tuyến tàu điện ngầm và 1 tuyến xe buýt.

“Miễn là có chỗ để ngồi, tôi có thể ngủ ngay cho dù xe đông đúc ồn ào thế nào”, Yang nói.

Để tránh cơn ác mộng đi làm từ nhà đến công ty, nhiều người đã tìm đến thuê những căn hộ ở gần nơi làm việc. Bu, một chuyên viên marketing 20 tuổi, đã chọn chuyển đến khu chung cư cũ kỹ ở Xierqi để có thể đi bộ tới nơi làm chỉ trong 10 phút. Cô thuê chung căn hộ 3 phòng ngủ với hai người khác, mỗi người đóng 4.000 tệ (khoảng 598 USD) tiền thuê nhà mỗi tháng. Do nhu cầu quá cao, chi phí thuê nhà ở Xierqi thậm chí còn đắt hơn giá thuê căn hộ cũ của cô ở quận Triều Dương, trung tâm Bắc Kinh.

Biết là vậy nhưng Bu chỉ còn cách cắt giảm những thú vui trước kia của mình như ngồi cà phê, ăn nhà hàng và xem triển lãm nghệ thuật. “Tôi cảm thấy như mình bị lưu đày khỏi Bắc Kinh,” Bu than thở.

Lịch trình 996

Các công ty công nghệ ở Trung Quốc thường muốn nhân viên làm việc kéo dài nhiều giờ để thể hiện sự tận tụy với công ty. Người ta gọi đó là lịch trình 9-9-6, nghĩa là bắt đầu làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần.

Một chiếc điện thoại đang mở ứng dụng TikTok. (Ảnh: Shutterstock)

Vợ của Yang, 29 tuổi, làm giám đốc sản phẩm tại Wangjing, nơi từng được biết đến là khu phố người Hàn. Thời gian cả hai vợ chồng Yang về được đến nhà, sau một ngày dài làm việc mệt mỏi thì đã gần đến lúc nửa đêm.

Mục tiêu muốn có con của họ sau nhiều tháng cũng sớm “đổ sông đổ bể” vì lúc nào cả hai cũng trong tình trạng quá mệt mỏi đến nỗi không màng đến chuyện “yêu đương”. “Tôi hy vọng chúng tôi có thể sớm có con”, Yang lo lắng nếu vợ bước sang tuổi 30 thì sẽ khó mang bầu.

Các công ty công nghệ cũng hỗ trợ nhân viên bằng cách cung cấp các dịch vụ như bữa ăn miễn phí và xe đưa đón, phòng tập thể dục, cửa hàng cắt tóc cũng như nhiều tiện ích giải trí khác. Nhưng nhiều người vẫn cảm thấy họ đang bị lợi dụng. “Dường như những dịch vụ này được cung cấp chỉ để bạn tập trung cho công việc, và không bận tâm bất cứ điều gì khác”, Wang, một giám đốc sản phẩm 26 tuổi làm việc tại “thung lũng Silicon Trung Quốc” Xierqi cho biết.

Dẫu vậy, những lợi ích kể trên cũng không giữ chân được nhân viên lâu hơn. Thời gian làm việc trung bình của các lao động công nghệ tại Thung lũng Silicon Mỹ là 3,65 năm, trong khi ở Trung Quốc chỉ không đầy 2,6 năm, theo dữ liệu từ Maimai, công ty tuyển dụng tương tự như LinkedIn.

Trụ sở của Google tại thung lũng Silicon. (Ảnh: Shutterstock)

Nhiều trường hợp đột tử của những người trẻ cũng đã được ghi nhận. Năm 2015, Li Junming, một nhà phát triển làm việc cho mạng xã hội Tencent đã đột tử trong khi đang đi bộ cùng vợ.

Một năm sau, Jin Bo, Phó tổng thư ký diễn đàn mạng Tianya bị ngừng tim và tử vong tại ga tàu điện ngầm ở Bắc Kinh. Năm ngoái, một nhân viên 25 tuổi làm việc cho nhà sản xuất máy bay không người lái DJI ở Thâm Quyến cũng đột tử vì ngừng tim.

Công ty ByteDance có trụ sở ở Trung Quan Thôn là công ty đã tạo ra ứng dụng nổi tiếng TikTok. Công ty này yêu cầu nhân viên làm việc theo lịch trình “tuần dài tuần ngắn”, có nghĩa là tuần thứ nhất họ làm việc 5 ngày thì tuần thứ hai họ sẽ làm việc 6 ngày.

Văn hóa làm việc không ngừng nghỉ bắt nguồn từ trào lưu khởi nghiệp trong nhiều năm qua. Các công ty khởi nghiệp thường nhận được khoản tiền đầu tư mạo hiểm lớn, và các nhà đầu tư mong muốn có thành quả nhanh. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi trong vài năm gần đây.

Tới cuối năm 2018, nhiều công ty công nghệ Trung Quốc đã thông báo kế hoạch cắt giảm phúc lợi, tiền thưởng và việc làm trong bối cảnh nền kinh tế đang giảm tốc mạnh nhất trong gần 3 thập kỷ. Công ty chia sẻ xe đạp Ofo được thành lập năm 2014 tại Zhongguancun, từng huy động được 2 tỉ USD qua 9 đợt gây quỹ trong không đầy 4 năm, nay phải đối mặt với cơn khủng hoảng tiền mặt khi hàng ngàn người dùng đòi trả lại tiền đặt cọc.

Theo thống kê từ công ty Zero2IPO, số liệu tháng 1/2019 cho thấy các giao dịch đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc đạt tổng cộng 4,3 tỷ USD, giảm gần 70% so với một năm trước.

“Làm việc đến kiệt quệ” là nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của 8% công ty khởi nghiệp

Công ty cung cấp dịch vụ chia sẻ xe đạp Ofo là một ví dụ dễ thấy về sự kết thúc của những ngày tháng “béo bở”. Được thành lập vào năm 2014 tại Trung Quan Thôn, công ty khởi nghiệp này đã nhận được 2,2 tỷ USD tiền đầu tư trong vòng chưa đầy 4 năm. Nhưng giờ đây, Ofo đang phải đối mặt với khủng hoảng khi hàng ngàn người dùng yêu cầu họ trả lại tiền. Công ty buộc phải cắt giảm hoạt động giữa lúc cạnh tranh khốc liệt.

“Nhìn vào Trung Quốc, mọi chính quyền địa phương đều ưu đãi đầu tư, mọi thành phố đều có các trung tâm công nghệ riêng, có quỹ hỗ trợ doanh nghiệp riêng nhưng không ai biết chúng có thực sự ổn không”, ông Jelte Wingender, giám đốc cấp cao tại Innoway, một quỹ hỗ trợ doanh nghiệp được chính phủ bảo trợ ở Zhongguancun, nhận xét. Trong tương lai, ông Wingender cho rằng nên có ít doanh nghiệp hơn, nhưng “tốt hơn và tập trung hơn”.

“Có một điều mà những người sáng lập hay các công ty kỳ lân của Trung Quốc chưa tìm ra là làm thế nào để trở thành một doanh nghiệp bền vững. Nếu nhân viên tiếp tục làm việc 10 giờ mỗi ngày trong 10 năm, mọi người sẽ không còn cuộc sống cá nhân nữa, họ sẽ không có con, họ sẽ phát điên”, Wingender nói.

Yang đang cân nhắc về tương lai của mình. Với hơn 10 năm kinh nghiệm, anh hiện đang giữ một vị trí cấp trung tại một công ty internet hàng đầu nhưng đã đạt đến một giới hạn thăng tiến nhất định. Anh so sánh công việc của mình với nghề công nhân xây dựng, một nghề có thể kiếm được nhiều tiền nhờ cường độ làm việc cao nhưng cũng dễ dàng mất việc bởi một người lao động trẻ hơn, rẻ hơn.

Yang đã nghĩ đến việc điều hành một doanh nghiệp tư gia để anh có thể dành nhiều thời gian hơn cho những đứa con tương lai của mình. “Tôi sẵn sàng ủng hộ cho sự nghiệp của vợ tôi và chăm sóc gia đình”, anh nói.

Trong một nghiên cứu mới, CB Insights đã phát hiện ra rằng “kiệt sức” là nguyên nhân chính của 8% trong số 101 công ty khởi nghiệp thất bại. “Khả năng cắt lỗ của bạn khi cần thiết và định hướng lại những nỗ lực của bạn khi thấy một ngõ cụt là yếu tố quan trọng để thành công và tránh kiệt sức”, CB Insights kết luận.

Những người chọn ở lại là những người còn thừa sinh lực để đối phó với công việc khủng khiếp này.

Anh Andy Xu Kaiqiang, một lập trình viên nay đã được lên chức Giám đốc Vận hành (COO) tại công ty sản xuất robot Vincross có trụ sở ở Vương Kinh, đang học cách để trở thành một người lãnh đạo doanh nghiệp tốt hơn. Anh cảm thấy mình cần phải thay đổi diện mạo trước tiên. Sau khi ăn kiêng và đăng lý lớp nhảy Tango hàng tuần, chàng trai 24 tuổi đã giảm được 20kg trong 6 tháng. “Tôi phải tạo một hình ảnh đẹp cho công ty”, anh nói.

Các nhân viên nữ lại thường gặp nhiều khó khăn khi làm việc trong môi trường công nghệ. Theo cách nhìn của xã hội, lập trình viên phải là những chàng trai đeo kính cận, mặc áo sơ mi cả tuần.

Một anh chàng đang đạp xe trong khu trung tâm thương mại ở Bắc Kinh. (Ảnh: Getty Images)

Thậm chí, nhiều từ lóng xúc phạm các nhà phát triển phần mềm ở Trung Quốc cũng đã được chế ra, chẳng hạn như manong (码农), nghĩa đen là “đồ mã hóa nhà quê” và chengxuyuan (程序猿), một cách chơi chữ mang nghĩa là “những con vượn lập trình”.

Ren, một lập trình viên 24 tuổi cho biết cô đã từ chối cơ hội làm việc tại những công ty có thời gian biểu 9-9-6, và kiên quyết nói không với những công việc mà người phỏng vấn đặt câu hỏi kiểu như: “Nghề lập trình có quá khó đối với nữ giới?” hay “Bạn có sẵn sàng chia tay với người yêu mình hay không?”.

Định kiến về giới tính trong ngành công nghệ thể hiện rõ nhất ở những tờ quảng cáo tuyển dụng ưu tiên nam giới, cho đến những chiến dịch tiếp thị phân biệt đối xử với phụ nữ. Mặc dù trong những năm gần đây, điều này đã có sự thay đổi nhất định nhưng nó vẫn đầy rẫy tại các công ty công nghệ Trung Quốc.

Như Yu Haoran, anh đã bắt đầu thực hiện những thay đổi nhỏ trong lối sống của mình, như tập thể dục bằng cách chạy bộ và làm bữa sáng tại nhà mỗi ngày. Gần đây, anh còn sắm sửa bộ quần áo đầu tiên sau nhiều năm làm việc quên cả bản thân. Đó là một chiếc áo màu xanh dương đến từ thương hiệu Uniqlo của Nhật Bản.

Tiếp theo, anh dự định mua một thứ đã quá quen thuộc tại Trung Quan Thôn, đó là mua một chiếc ván trượt để tiết kiệm thời gian trên đường từ nhà đến công ty.

Chia sẻ

Bài viết

Duy Huỳnh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất