Công Nghệ

Lăng Tự Đức được Google Arts & Culture số hóa 3D để tôn vinh trên toàn thế giới

Duy Huỳnh
Chia sẻ

Lăng Tự Đức của Việt Nam cùng với 29 di tích từ 13 quốc gia như Đài tưởng niệm Tổng thống Thomas Jefferson Mỹ, Nhà thờ Chính tòa Mexico City, Đền thờ thần Apollo Hy Lạp…đã được Google Arts and Culture trưng bày giới thiệu tới toàn thế giới.

Nhân ngày Di sản Thế giới 18/4, Google Arts and Culture đã mở rộng dự án Di sản Mở (Open Heritage) bằng việc bổ sung thêm vào nền tảng này một bộ sưu tập các câu chuyện về những di tích đang có nguy cơ biến mất trên toàn thế giới. Cùng với CyArk, Tổ chức Lịch sử Môi trường Scotland & Đại học Nam Florida, Google Arts and Culture đã trưng bày 30 di tích mới từ 13 quốc gia, bao gồm Đài tưởng niệm Tổng thống Thomas Jefferson Mỹ, Nhà thờ Chính tòa Mexico City, Đền thờ thần Apollo Hy Lạp và Lăng Tự Đức Việt Nam.

Lăng Tự Đức đã trở thành di sản đầu tiên của Việt Nam được đưa vào bộ sưu tập những di tích quý để Google Arts and Culture giới thiệu tới toàn thế giới.

Theo đại diện của Google tại Việt Nam, việc đưa Lăng Tự Đức vào thư viện Di sản Mở bắt đầu từ mùa hè năm 2018 khi CyArk phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế số hóa điện Hòa Khiêm, văn bia Lăng Tự Đức và lăng Hoàng Hậu Lệ Thiên Anh, đưa ra các mô hình 3D và các bản vẽ kiến trúc nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn và lưu trữ.

Lăng Tự Đức (Khiêm Lăng) là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc thời Nguyễn. Lăng tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh (nay là thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, thành phố Huế). Theo trang web di sản Huế, khi mới khởi công xây dựng, vua Tự Đức (1848 - 1883) lấy tên Vạn Niên Cơ đặt cho công trình nhưng sau khởi nghĩa Chày Vôi do anh em Đoàn Hữu Trưng khởi xướng, vua cho đổi tên thành Khiêm Cung, sau khi vua mất gọi là Khiêm Lăng.

Bố cục khu lăng gồm 2 phần chính, bố trí trên 2 trục dọc song song với nhau, cùng lấy núi Giáng Khiêm ở phía trước làm tiền án, núi Dương Xuân làm hậu chẩm, hồ Lưu Khiêm làm yếu tố minh đường. Yếu tố được tôn trọng triệt để trong lăng Tự Đức là sự hài hòa của đường nét. Không có những con đường thẳng tắp, đầy góc cạnh như các kiến trúc khác, thay vào đó là con đường lát gạch Bát Tràng bắt đầu từ cửa Vụ Khiêm đi qua trước Khiêm Cung Môn rồi uốn lượn quanh co ở phía trước lăng mộ và đột ngột khuất vào những hàng cây sứ đại thụ ở gần lăng Hoàng hậu Lệ Thiên Anh.

Lăng Tự Đức là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc thời Nguyễn. (Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải)

Đáng chú ý, ngay sau Bái Đình với hai hàng tượng quan viên văn võ uy nghi là Bi Đình với tấm bia bằng đá Thanh nặng 20 tấn có khắc bài Khiêm Cung Ký do nhà vua soạn thảo. Tuy có đến 103 bà vợ nhưng Tự Đức không có con nối dõi nên đã viết bài văn bia này thay cho bia Thánh đức thần công trong các lăng khác. Toàn bài văn dài 4.935 chữ, là một bản tự thuật của nhà vua về cuộc đời, vương nghiệp cũng như những rủi ro, bệnh tật của mình. Tự Đức muốn dùng tấm bia khổng lồ đó để kể công và nhận tội trước lịch sử. Ông tự nhận tội mình: “Không sáng suốt trong việc biết người, ấy là của ta; dùng người không đúng chỗ, cũng là tội của ta; hàng trăm việc không làm được; đều là tội của ta cả…” và ông nhường cho sử sách đời sau đánh giá công, tội của mình. Văn bia nặng 20 tấn này có chiều cao 4 mét, bề ngang 2,1 mét trên một bệ đỡ 1 mét, đã được số hóa đồ họa 3-chiều (3D) trong dự án Di sản Mở do Google phối hợp CyArk thực hiện.

Câu chuyện về việc đưa Lăng Tự Đức vào thư viện Di sản Mở bắt đầu từ mùa hè năm 2018 khi CyArk phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế để số hóa điện Hòa Khiêm, văn bia Lăng Tự Đức và lăng Hoàng Hậu Lệ Thiên Anh, đưa ra các mô hình 3D và các bản vẽ kiến trúc nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn và lưu trữ. Ngoài những hình ảnh di tích được quay, chụp từ bên trong và bên ngoài lẫn trên cao từ flycam, đội ngũ chuyên gia còn dùng cả máy quét laser cùng tái hiện chính xác hơn các khắc họa bề mặt cũng như các chi tiết toàn cảnh khuôn viên, trong và ngoài khu Lăng và điện với video cũng như ảnh 360-độ.

Dự án Di sản Mở là một thư viện kỹ thuật số các di sản và di tích lớn nhất thế giới nơi công chúng có thể truy cập vào kho lưu trữ di sản 3D. Di sản Mở được tổ chức phi lợi nhuận CyArk lập ra nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới, tài sản chung của nhân loại có nguy cơ bị tổn hại hay biến mất bởi tự nhiên, thiên tai hay chiến tranh. Sau 15 năm kiên trì thu thập và tái hiện các di sản và di tích trên khắp thế giới, công chúng đã có thể xem hình ảnh, video, những câu chuyện hay thậm chí là triển lãm số của các cảnh quan được số hóa như thành phố cổ Bagan (Myanmar), Cổng Brandenburg (Đức), khu di tích Chichén Iztá (Mexico), khu đền Ayutthaya (Thái Lan) cho đến thành phố cổ Ancient Corinth (Hy Lạp),…

Google Arts & Culture đã phối hợp với CyArk để thực hiện dự án Di sản Mở vào ngày 18/9/2018 để công chúng có thể truy cập vào kho lưu trữ di sản 3D lớn nhất thế giới. Ngày 18/4, dự án chính thức bước vào giai đoạn thứ 2 với những di sản được bổ sung vào thư viện và ra mắt cổng thông tin mới tại OpenHeritage3D.org.

Các di tích, các công trình di sản của nhân loại, những mảnh ghép lịch sử không thể thay thế của chúng ta trên khắp thế giới đang đứng trước nguy cơ bị tổn hại bởi các thảm họa thiên nhiên, chiến tranh hoặc du lịch. Google Arts & Culture cho phép người dùng sử dụng công nghệ như một phương thức mới để hòa mình vào không gian trải nghiệm nghệ thuật, lịch sử, văn hóa và các kỳ quan thế giới từ hơn một ngàn tổ chức trên thế giới mà không bị rào cản về không gian địa lý hay thời gian.

Nếu muốn chiêm ngưỡng Lăng Tự Đức qua Google Arts & Culture, bạn đọc có thể truy cập vào địa chỉ sau đây:

https://artsandculture.google.com/project/openheritage

Chia sẻ

Bài viết

Duy Huỳnh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất