Công Nghệ

Điện thoại thông minh sẽ sớm trở thành máy phát hiện nói dối

Duy Huỳnh
Chia sẻ

Chẳng biết là tốt hay xấu, tuy nhiên trong tương lai, có vẻ như điện thoại sẽ đủ thông minh để phát hiện ra những lời nói không chân thực của con người.

Theo CNet, các nhà khoa học máy tính tại Đại học Copenhagen đang nghiên cứu một thuật toán đặc biệt để có thể biến chiếc smartphone của bạn thành máy phát hiện nói dối.

Thuật toán này có tên là Veritaps, nó sẽ phân tích được bạn có nói dối hay không khi bạn vuốt hoặc chạm vào điện thoại thông minh. Theo đó, những người đang nói dối thường có xu hướng thực hiện động tác chạm nhiều hơn là những người trung thực.

Sau khi thực hiện kiểm tra, Veritaps sẽ đánh màu đỏ đối với những người bị nghi ngờ nói dối, người trung thực sẽ được đánh dấu xanh. Bên cạnh đó, thuật toán còn yêu cầu người nhận kiểm tra trả lời những câu hỏi chứng thực trong trường hợp người hỏi muốn biết thêm thông tin. Hiện tại, ứng dụng vẫn đang được thử nghiệm trên điện thoại nền tảng Android.

Theo Aske Mottelson, một trong những nhà nghiên cứu viết thuật toán nói trên khẳng định, thuật toán Veritaps có khả năng chuẩn xác tương đương với máy phát hiện nói dối Polygraph hay được sử dụng trong các phòng xử án.

Trước Veritaps, đã từng có nhiều công nghệ phát hiện ra tính chân thực trong lời nói, có thể kể đến như start-up Converus từng phát triển chiếc máy phát hiện nói dối EyeDetect có độ chính xác đến 86%. Thiết bị này sẽ kiểm tra lời nói của một người thông qua phản ứng của mắt, gồm độ dãn nở đồng tử và tốc độ chớp mắt. Hay như công nghệ NuraLogix sử dụng máy quay video thông thường để nắm bắt lưu lượng máu trên khuôn mặt, nhịp tim và huyết áp của một người để phát hiện nói dối.

Máy phát hiện nói dối thường được sử dụng trong các phòng xử án.

Quay trở lại với Veritaps, các nhà nghiên cứu đã đưa ra 3 bài kiểm tra để đánh giá mức độ không trung thực của một người ảnh hưởng đến tương tác với thiết bị smartphone.

Trong bài kiểm tra đầu tiên, người tham gia được yêu cầu phải trả lời thật hoặc nói dối về màu sắc đang hiển thị trên màn hình điện thoại. Theo như kết quả, trung bình những người nói dối sẽ mất thời gian lâu hơn để trả lời câu hỏi.

Trong bài kiểm tra thứ 2, người tham được nhận một số tiền và yêu cầu phải chia số tiền này cho người khác, đồng thời họ được nói dối về số tiền mình nhận được. Theo như kết quả, những người nói dối sẽ mất nhiều thời gian để suy nghĩ hơn người nói thật trước khi nhận được tiền, điều này đồng nghĩa là ngay cả khi chưa nhận tiền thì họ đã có ý định nói dối.

Ở bài kiểm tra cuối cùng, những người tham gia được yêu cầu chơi xúc xắc trên smartphone, tuy nhiên họ không được nói dối và phải tìm cách đạt được nhiều điểm. Theo các nhà nghiên cứu nhận thấy, những người trung thực luôn tập trung vào màn hình và cảm thấy bị nhiều áp lực. Trong khi đó, những người sử dụng mánh khóe lại thao tác nhiều bằng tay.

Theo những nhà nghiên cứu, Veritaps cũng có thể sử dụng trong các lĩnh vực như khai thuế, bảo hiểm và các giao dịch trực tuyến. Ví dụ, người dùng có thể sử dụng Veritaps để chứng thực tình trạng của một mẫu xe có đúng như quảng cáo, các công ty có khai báo khống thuế hay không cũng như yêu cầu đền bù bảo hiểm có thực chất là như vậy không.

Nói một cách công bằng, bên cạnh những mặt lịch ích, Veritaps cũng khiến nhiều người lo lằng về việc nảy sinh các vấn đề xâm phạm về quyền riêng tư. Theo Aske Mottelson, Veritaps có thể khiến cho mối quan hệ bạn bè có thể bị rạn nứt chỉ vì nghi ngờ về một tin nhắn. Không những thế, thuật toán này cũng có thể khiến người dùng gia tăng nghi ngờ không chính đáng lên các giao dịch trực tuyến.

Do đó, các nhà nghiên cứu khẳng định, mục tiêu của Veritaps không phải phát hiện nói dối mà là xác minh được thông tin có đúng hay không. Chẳng biết là tốt hay xấu, tuy nhiên trong tương lai, có vẻ như điện thoại sẽ đủ thông minh để phát hiện ra những lời nói không chân thực của con người.

Chia sẻ

Bài viết

Duy Huỳnh

Tin mới nhất