Công Nghệ

Bạn muốn làm YouTuber? Hãy sẵn sàng từ bỏ sự bình yên, sức khỏe, tự do và tất cả mọi thứ

Theo ICT News
Chia sẻ

Đăng tải nội dung trên YouTube có thể là thú vui, tuy nhiên hoàn toàn có thể trở thành công ăn việc làm thực sự nếu bạn yêu thích làm video. Bạn chỉ cần sẵn sàng từ bỏ tự do cuộc sống, sự thanh thản của một công việc bình thường để gia nhập một trong những nghề nghiệp áp lực nhất thế giới.

Jacques Slade gần đây đã tự thưởng cho bản thân một tuần thư giãn tại bãi biển, tạm rời xa khỏi Internet và trách nhiệm nặng nề của một người làm nội dung YouTube full-time - nơi anh sắp đạt 1 triệu lượt đăng ký theo dõi kênh của mình. Kỳ nghỉ đáng lẽ ra phải là khoảng thời gian cho phép anh buông lơi công việc và tận hưởng cuộc sống, nhưng đối với Slade cuộc sống an nhiên vô lo vô nghĩ, ngay cả khi đi du lịch có lẽ còn lâu lắm mới là của anh.

Jacques vận hành một kênh YouTube chuyên đăng tải video về giày thể thao sneaker và công nghệ. Như tất cả những nhà sáng tạo nội dung YouTube khác, Slade không thể nào tận hưởng trọn vẹn chuyến đi biển của mình bởi anh lo sợ sẽ không có gì để đăng lên video khi quay trở về.

“Tôi không có trong tay nội dung của 4,5 ngày tới. Điều đó sẽ ảnh hưởng như thế nào tới tôi? Ảnh hưởng như thế nào tới xếp hạng của tôi trên YouTube? Liệu khi tôi quay về, mọi người có còn xem video của tôi nữa hay không?” Hóa ra, cuộc sống của một YouTuber nổi tiếng không hề màu hồng như nhiều người vẫn lầm tưởng.

Áp lực và căng thẳng tỷ lệ thuận với sự thành công của “nghiệp” YouTuber - Jacques Slade

Đối với Slade (còn được biết đến với cái tên Kustoo trên mạng xã hội) và mọi YouTuber khác, guồng quay khắc nghiệt bất kham và tính bấp bênh của công việc đôi khi có thể trở nên vô cùng áp lực.

Cuộc sống gắn liền với YouTube, từ ngoài nhìn vào chỉ thấy toàn bất ngờ thú vị bởi công việc cho phép người làm nội dung tương tác với nhiều khán giả, học hỏi bao điều mới lạ mỗi ngày, nhưng kỳ thực yêu cầu khả năng bám trụ và sự cống hiến không kém gì, nếu không muốn nói là nhiều hơn, bất kỳ công việc truyền thống nào. Nếu một YouTuber như Slade không đăng video trong 1 đến 2 ngày, thứ hạng của anh trên bảng xếp hạng YouTube có thể bị ảnh hưởng, và từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến số tiền anh kiếm được. Nếu làm một công việc được trả lương theo giờ hoặc theo tháng, bạn biết chính xác những gì mình được nhận mỗi khi tin nhắn SMS báo có lương, thậm chí dù có làm nghề tự do “freelancer”, bạn vẫn biết chính xác mức giá mình mong muốn khi đàm phán với khách hàng. Song đối với “nghiệp” YouTuber, mọi chuyện không đơn giản như vậy.

Lợi nhuận các nhà sáng tạo nội dung kiếm được phần lớn tới từ số lượng quảng cáo được chạy trên video của họ, độ dài mỗi quảng cáo và số lượng người xem những quảng cáo đó. Chưa hết, YouTuber còn phải lo về quy tắc quảng cáo và thuật toán kiểm duyệt ngặt nghèo liên tục thay đổi của Google - vốn đã “tai tiếng” sau không ít vụ lùm xùm gần đây khi video của YouTuber đột nhiên bị tắt chế độ kiếm tiền (demonetized) hoặc gỡ khỏi YouTube không có lý do rõ ràng.

Bởi vậy, cộng đồng channel mạng xã hội video của Google luôn thường trực một nỗi lo bởi họ có thể bị YouTube làm cho tê liệt khả năng kiếm tiền bất kỳ lúc nào không báo trước, và lịch sử đã chứng minh rằng những sự kiện vô lý như vậy hoàn toàn có thật. Một vài YouTuber có tiếng như Philip DeFranco đã đăng nhiều video bàn luận về nỗi lo và áp lực của người sáng tạo nội dung khi đột nhiên một ngày đẹp trời, video của mình bị thuật toán kiểm duyệt quy vào hạng có hại hoặc kích động và không phù hợp để chứa quảng cáo.

Bạn sẽ phải làm việc liên tục nếu muốn kiếm tiền ổn định từ YouTube

Vẫn còn nữa, sức ép các YouTuber phải đối mặt tới từ nhiều phía ngoài phạm trù tiền bạc. Muốn thành công với tư cách là một YouTuber, bạn phải ra video liên tục, bằng không, bạn sẽ tự đưa mình vào thế bấp bênh bởi khi đó kênh YouTube của bạn rất dễ tụt hạng, và bạn sẽ kiếm được rất ít (hoặc không kiếm được) tiền. Tuy nhiên, liên tục ra video đồng nghĩa với việc bạn phải liên tục nghiên cứu, tìm tòi và sản xuất hình ảnh. Làm quá nhiều việc trong khoảng thời gian quá ngắn như vậy rất dễ dẫn đến áp lực tâm lý và suy nhược thể chất, thậm chí là kiệt sức. Đó là những gì Elle Mills, một YouTuber có 1,4 triệu subscriber, đã đề cập tới trong video của cô hồi tháng 5 tiêu đề “Kiệt sức ở tuổi 19”. Theo đó, cô bàn luận về việc mình không thấy hạnh phúc và thỏa mãn khi rõ ràng đang được làm công việc trong mơ của cô, và rất thành công ở công việc của mình.

“Tâm trạng bồn chồn lo lắng, chán nản, phiền muộn của tôi cứ thế ngày một tăng cao và tệ hơn. Đây là tất cả những gì tôi từng mong ước, vậy tại sao tôi lại không cảm thấy thõa mãn và hạnh phúc? Thật là ngu ngốc và vô lý hết sức”, cô bày tỏ.

Video của Mill đã dấy lên phong trào trong đó có sự góp mặt của hai YouTuber “khủng” Casey Neistat và PewDiePie. Hai anh chàng đã thổ lộ cởi mở hơn với khán giả về tình trạng sức khỏe tinh thần đi xuống nghiêm trọng, không nhất thiết với họ, mà là thực trạng len lói trong cả cộng đồng YouTuber.

Giáo sư Karen North, người có chuyên môn về truyền thông và là một chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu tác động của mạng xã hội tới tâm lý con người đã liên hệ câu chuyện của những người làm nội dung YouTube với áp lực từ tiền bạc và danh vọng của giới người nổi tiếng và minh tinh màn bạc. “Dù những gì đang xảy ra trong cộng đồng YouTuber không phải điều mới lạ, tuy nhiên có một sự khác biệt cơ bản giữa creator YouTube và ca sĩ diễn viên: Đó là mối quan hệ gần như trực tiếp của họ với người xem khiến sự vật lộn và sức ép công chúng càng trở nên 'thật' ” hơn, cô nói.

YouTuber nổi tiếng nhất thế giới: PewDiePie

Thêm vào đó, làm việc với YouTube là công việc liên tục và thường trực hơn quay bất kỳ bộ phim hay show truyền hình nào. Đối với YouTuber, mối quan hệ của họ với người xem hoàn toàn dựa trên những video họ đăng tải. Và bởi vậy họ đối mặt với một áp lực khổng lồ không chỉ về “chất” lẫn về “lượng” của video, mà còn về hình ảnh bản thân họ đang hằng ngày gây dựng nơi người hâm mộ. Tuyệt nhiên không có chỗ cho sự gián đoạn, cho nghỉ giải lao, cô nói thêm. Một thách thức lớn khác với người làm nội dung đó là người xem. Nếu bạn vắng mặt khỏi Internet vài ngày vì bị ốm hoặc đi du lịch, khán giả sẽ quên luôn bạn. Họ sẽ không ngồi đợi vài ngày tới khi bạn bình phục và bắt đầu làm video lại, họ sẽ đi tìm người khác để xem và lấp đầy thời gian của mình - bạn đối mặt với nguy cơ mất người xem.

Tiếp đến là mặt trái của Internet. Sam Sheffer, người đã quyết định nghỉ việc để trở thành YouTuber full-time đã kể rằng một trong những thứ khó khăn nhất anh phải chịu đựng đó là đối mặt với những bình luận tiêu cực trên video của mình. Anh nói đã phải mất nhiều năm để có thể trở nên “chai lỳ” hơn, bớt bị ảnh hưởng tâm lý từ những bình luận tiêu cực hay chỉ trích gay gắt trên mạng xã hội.

Vấn đề càng được phóng đại hơn khi hầu hết các YouTuber đều làm nội dung trên các mạng xã hội khác như Twitter hay Instagram. “Nếu một YouTuber cảm thấy dấu hiệu kiệt sức cả về mặt thể chất lẫn tâm lý, họ nên rời xa internet một khoảng thời gian, ngay cả khi điều đó đánh đổi bằng việc không upload video trong vài tuần. Miễn sao bạn biết rằng mình làm video với mục đích chính đáng, mọi thứ dần sẽ đâu vào đó”. Dĩ nhiên, không phải YouTuber nào cũng có được “bản lĩnh sân khấu” và sự nhẫn nại của Sam Sheffer, và lời nói độc đoán trên Internet từ những con người không quen biết có thể hủy hoại trầm trọng tâm lý của bất kỳ ai.

Sam Sheffer

Như Slade đã chỉ ra, chỉ một thời gian ngắn nghỉ ra video có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi nhuận của nhà sáng tạo. Tuy nhiên, nhiều creator YouTube đã phải lựa chọn sức khỏe tâm thần thay vì kiếm tiền. Vlogger Michelle Phan là một ví dụ điển hình. Sau khi nhanh chóng nổi lên trên YouTube và Instagram, cô đã nghỉ YouTube và “né” fan của mình một năm. Michelle cho biết cảm thấy mình giống một món hàng hơn là con người, và đã trở thành tù nhân của chính câu chuyện phù hoa cô tạo ra. Tuy nhiên, Michelle hoàn toàn ở trong thế chủ động cho phép cô làm vậy, bởi vlogger về sắc đẹp sở hữu một channel YouTube lớn với hơn 9 triệu người đăng ký cùng một đế chế mỹ phẩm hùng mạnh trị giá nửa triệu USD. Không phải ai cũng là Michelle Phan.

Nữ hoàng trang điểm Michelle Phan

Về phần mình, YouTube cũng đã nghĩ ra nhiều cách giúp người làm nội dung tăng thêm thu nhập. Tháng trước, công ty của Người khổng lồ tìm kiếm tuyên bố YouTuber từ nay có thể thu 4,99 USD phí đăng ký kênh cũng như cho phép bán hàng trực tiếp trên trang video của mình. Vấn đề nằm ở chỗ tính năng không sẵn có với tất cả mọi người: thu phí membership chỉ dành cho các channel có trên 100.000 người đăng ký, còn bán hàng hóa chỉ dành cho channel đạt từ 10.000 người theo dõi trở lên. Thêm vào đó, thu phí đăng ký kênh trong thời đại channel YouTube bạt ngàn có thể khiến rất nhiều channel “mất khách” khi người xem không sẵn sàng trả tiền, thay vào đó chấp nhận xem channel khác cũng cung cấp những nội dung tương tự.

YouTuber Casey Neistat

Quay trở lại với Jacques Slade, dù căng thẳng và áp lực là vậy, nhưng anh cũng cho rằng đối với người làm nội dung, không nơi đâu tốt bằng YouTube. “Hầu hết mọi người, bao gồm bản thân tôi, kiếm sống bằng mô hình kinh doanh này và làm những việc mà nếu không có YouTube, tôi đã chẳng bao giờ có thể làm được. Bạn tiếp nhận cả mặt xấu và mặt tốt của mạng xã hội và cố gắng cải thiện mặt xấu nhiều nhất có thể”, Slade bộc bạch.

Xét đến tầm quan trọng của người làm nội dung và mức độ ảnh hưởng của cộng đồng này tới thành công rực rỡ có được ngày hôm nay, YouTube đáng lẽ ra phải đặt vấn đề sức khỏe của YouTuber lên hàng đầu, tìm mọi cách giúp họ thoát khỏi tình trạng kiệt sức do làm việc quá nhiều hoặc thậm chí suy sụp tâm lý và trầm cảm. Đây tuyệt nhiên không phải nhiệm vụ dễ dàng, nhưng sự an nguy cả về thể chất lẫn tinh thần của người sáng tạo nội dung sau cùng sẽ biến YouTube thành một môi trường việc làm thân thiện hơn nữa, điều chỉ có thể có lợi cho mạng xã hội video lớn nhất hành tinh mà thôi!

Chia sẻ

Bài viết

Theo ICT News

Tin mới nhất