Tháng 3/2019, chiếc máy bay Boeing 737-800 Max chở 149 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn đã bị rơi tại Ethiopia khiến toàn bộ người trên chuyến bay thiệt mạng.
Điều đáng nói, chỉ mới hồi cuối tháng 10/2018, một chiếc máy bay Boeing 737 Max tương tự của hãng Lion Air (Indonesia) cũng gặp nạn trên biển Java khiến 189 người thiệt mạng.
Sau hai vụ tai nạn làm 346 người chết trong vòng vài tháng, tất cả những chiếc 737 Max đều đã bị cấm bay, tập đoàn Boeing cũng bị thất sủng và đối mặt với hàng loạt cuộc điều tra dài hạn cũng như sự tẩy chay từ phía người dùng.
Gần một năm sau vụ tai nạn thảm khốc khiến 149 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng tại Ethiopia, Cơ quan quản lý Mỹ đã thừa nhận sai lầm của mình trong việc cho phép Boeing 737 Max tiếp tục bay trên bầu trời dù biết nguy cơ sẽ có thêm vụ tai nạn kế tiếp xảy ra.
Cụ thể, theo phân tích nội bộ của FAA (Cục Hàng không Liên bang Mỹ) sau vụ tai nạn rơi máy bay Boeing 737 Max đầu tiên năm 2018 làm 189 người thiệt mạng tại Indonesia, FAA dự đoán có thể có tới 15 thảm hoạ trong suốt vòng đời của máy bay nếu không thay đổi thiết kế.
Tuy vậy, FAA đã không ra lệnh cấm bay đối với dòng Boeing 737 Max cho tới khi vụ tai nạn thứ 2 xảy ra chỉ vào 5 tháng sau đó.
Mãi cho đến hôm nay, Giám đốc FAA Steve Dickson, người vừa nhậm chức hồi tháng 8, mới cho biết đây là một sai lầm.
Đánh giá rủi ro của FAA đã được tiết lộ trong phiên điều trần quốc hội Hoa Kỳ hôm thứ Tư bởi Đại diện Hạ viện Mỹ - Peter DeFazio trong phiên điều trần của Ủy ban Giao thông vào thứ Tư vừa qua và được đăng tải trên trang The Wall Street Journal.
Các quan chức an toàn hàng không điều tra đã xác định một hệ thống điều khiển tự động trong 737 Max 8, được gọi là MCAS, có liên quan đến cả hai vụ tai nạn. Boeing cho biết hệ thống này dựa trên một cảm biến duy nhất, đã nhận được dữ liệu sai lệch, khiến nó bỏ qua các lệnh phi công và hướng máy bay chúc đầu xuống.
“Tôi không biết tại sao dòng máy bay này lại không bị cấm sau khi phân tích”, Hạ nghị sĩ Hoa Kỳ - Peter DeFazio cho biết.
Các cuộc điều tra của những người có thẩm quyền cho thấy, Boeing thực tế đã nhận thức được các lỗ hổng trong hệ thống từ trước. Thậm chí, nhân viên của Boeing cũng từng đưa ra quan ngại rằng công ty đang ưu tiên tốc độ hơn an toàn tại nhà máy sản xuất Max 737 trước khi 2 vụ rơi máy bay xảy đến.
Về phía Boeing, hãng hàng không này mới đây cho biết: “Các giám đốc điều hành của Boeing và các nhà lãnh đạo cấp cao trong chương trình 737 đang thảo luận chi tiết và thực hiện các bước thích hợp để đánh giá chúng”.