Công Nghệ

Chơi tiền ảo đa cấp: Khi người Việt 'tự nguyện' làm nạn nhân

Lê Nam Khánh
Chia sẻ

Tham gia vào những dự án như iFan chẳng khác gì bước vào một mê cung không có lối ra.

Trong khoảng một năm trở lại đây, nếu có một từ nào đó mà ai quan tâm đến lĩnh vực đầu tư - tài chính cũng nhắc tới thì đó chính là: tiền mã hóa (hay tiền ảo). Và nếu như đang cảm thấy tiếc nuối vì không đầu tư vào Bitcoin hay Etherium sớm hơn, khi giá trị của chúng còn cực kì thấp, thì bạn vẫn có thể cân nhắc vào một hình thức đầu tư khác gọi là Initial Coin Offering (ICO).

Vậy chính xác thì ICO là gì?

Hãy tưởng tượng như thế này: Bạn là một dự án khởi nghiệp với ý tưởng tuyệt vời cho một hệ thống tiền mã hóa mới. Có thể bạn đang muốn đơn giản hóa quá trình thanh toán tiền công trông trẻ cho những người trông trẻ bằng cách mã hóa công đoạn này và thực hiện thông qua các hình thức kỹ thuật số. Đây là một ý tưởng tuyệt vời! Hãy gọi nó là BabyCoin. Vấn đề duy nhất là bạn cần các nhà đầu tư để biến đồng tiền này thành hiện thực. Bạn hoàn toàn có thể tới ngân hàng để vay vốn hoặc tìm kiếm đầu tư thiên thần, nhưng lại có một cách để bạn có thể nhận được đầu tư mà không mất cổ phần công ty: ICO.

Đây là cách ICO hoạt động: Bạn sẽ tạo ra một tài liệu thuật lại chi tiết cách thức hệ thống hoạt động (thường được gọi là giấy trắng (white paper)), thiết kế một website bắt mắt và giải thích tại sao ý tưởng kinh doanh của mình lại tuyệt vời. Sau đó, bạn kêu gọi mọi người gửi tiền (thông thường dưới dạng Bitcoin hoặc Ether), đổi lại bạn gửi tới các nhà đầu tư này một số đồng BabyCoin. Người tham gia ICO hy vọng một ngày nào đó BabyCoin sẽ có mức độ lưu thông lớn, được sử dụng nhiều có giá trị tăng lên gấp nhiều lần.

Cùng sự phát triển của tiền mã hóa, hoạt động ICO ngày càng trở nên phổ biến. Nhưng đây cũng là lúc vấn đề bắt đầu!

Khác với hình thức gọi vốn bằng cách phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO), ICO có độ rủi ro cao bởi tính chất không được quản lý sát sao của nó. Không ít dự án ICO bản chất được xây dựng dựa trên mô hình Ponzi, lấy tiền đầu tư của người sau nuôi người trước. Điều này làm nhiều người nghĩ đến hình ảnh của kinh doanh đa cấp.

Theo đó, sau khi nhà đầu tư nạp tiền vào những dự án “bẩn này”, thực tế, tất cả những gì họ cần làm ngồi chờ dòng tiền lãi chảy vào ví của mình. Các dự án thường không đưa ra mức lãi suất trước, tuy nhiên trong nhiều trường hợp lợi nhuận có thể lên tới mức 40%. Mang về siêu lợi nhuận, hình thức đầu tư “bẩn” này nhanh chóng lôi kéo được sự tham gia của rất nhiều người.

Bản chất trong những dự án này, những kẻ đứng đầu sau đã áp dụng nhiều thủ thuật để thao túng mức giá của các mã token để duy trì dự án. Một số dự án dùng tiền người sau trả tiền cho người trước, đồng thời sử dụng tiền đầu tư kêu gọi được để đầu tư vào các kênh như Bitcoin hay Ether để kiếm lời, giữ một phần lợi nhuận và tiếp tục dùng phần con lại để phân phối cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, về bản chất cốt lỗi, đây là mô hình thiếu bền vững và có thể sụp để ngay khi niềm tin của nhà đầu tư lung lay, số lượng các nhà đầu tư tham gia dự án giảm xuống.

Trung tuần tháng 1 năm nay, nhiều nhà đầu tư Việt Nam tham gia vào đầu tư Bitconnect, đồng tiền đã được cảnh báo rủi ro từ rất lâu trước đó, đã phải “ngậm trái đắng” khi giá trị sụt giảm xuống còn 21 USD, từ 331 USD. Đây là một bằng chững rõ nét cho mô hình ICO “bẩn”, đa cấp, lừa đảo nhà đầu tư. Đằng sau đồng Bitconnect theo đó không có một mô hình kinh doanh khả thi nào. Và khi xây nhà cao với nền móng không vững chắc, sự an toàn khó có thể được đảm bảo.

Thế nhưng, Bitconnect là một dịch vụ nước ngoái. Vụ việc một đơn vị tại Việt Nam với dự án có tên iFan được cho là đã lừa đảo tới 15 ngàn tỷ cho thấy mô hình ICO “bẩn” đã đến gần chúng ta đến mức nào.

Với sản phẩm chống lưng là một ứng dụng quản lý thu nhập cho nghệ sỹ, iFan liên tục thu hút sự chú ý khi kêu gọi đầu tư bằng những sự kiện xa xỉ và nhắc đến cả những cái tên của người nổi tiếng để tạo lòng tin. iFan sau đó thực hiện phát hành mã token với giá trị ngày càng tăng cao để tạo cơn sốt ảo trong khi đó hoạt động dưới hình thức đa cấp mời gọi đầu tư. Giá ban đầu của dự án là 1 USD/ iFan, tuy nhiên chỉ một tháng sau đó, giá trị token đã tăng 7 lần lên mức 7 USD/ iFan.

Dự án iFan làm xấu đi hình ảnh ICO.

Sau khi đầu tư, nhà đầu tư có hai hình thức lựa chọn, ủy thác cho vay hoặc chờ tăng giá. Thực tế, hình thức ủy thác cho vay chính là cách để ngăn cản nhà đầu tư thoái vốn. Theo đó, nếu muốn bán 250 USD giá trị iFan để chốt đầu tư, nhà đầu tư sẽ buộc phải cho vay (lending) 1.000 USD cho iFan với lãi suất dao động trong trong khoảng từ 48% tới 59%.

IFan bên cạnh đó còn khuyến khích người tham gia lôi kéo thêm nhiều người khác tham gia để có thể rút tiền và thu về phần hoa hồng. Đây có lẽ cũng là thời điểm bản chất “đa cấp” thiếu lành mạnh của nó lộ rõ nhất.

iFan còn tạo ra một sàn giao dịch nội bộ, liên tục bơm, xả các đồng token thực tế do chính mình phát hành để tạo ra giá trị, trả lãi cho các gói cho vay. Đây là một hình thức thao túng giá và thực tế khi không còn đủ coin để thao túng, iFan thông báo bảo trì, đóng sàn giao dịch hay bị hacker tấn công để gây hiệu ứng bán tháo. Thế nhưng lúc này, giá sàn lại được đặt ở mức cao khiến đồng tiền mất thanh khoản và dự án đi vào ngõ cụt.

iFan thậm chí còn công bố kế hoạch lên sàn giao dịch quốc tế. Thế nhưng, không có trong tay một sản phẩm chất lượng chống lưng, đây cũng chỉ là tia hy vọng le lói cuối cùng mà không bao giờ xảy ra của những người lỡ chân bước vào mê cung của sự thao túng.

Hiệu ứng đám đông, không tìm hiểu kĩ về dự án và lòng tham lãi suất hứa hẹn cao ngất chính là lý do khiến nhiều người Việt vô tình trở thành nạn nhân của những dự án như iFan.

Chia sẻ

Bài viết

Lê Nam Khánh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất