Chiều 23/7, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) tổ chức họp báo chuyên đề 6 tháng đầu năm. Tại đây, ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý Thị trường (QLTT) đưa ra một số cảnh báo với người tiêu dùng khi xem các video livestream bán hàng trên mạng xã hội.
Cụ thể, ông cho biết từ vụ việc bắt kho hàng rộng hơn 10.000 m2 tại Lào Cai, cơ quan chức năng đã thu giữ 160.000 sản phẩm không có hóa đơn, chứng từ, với hình thức chủ yếu bán hàng qua mạng, livestream trên Facebook. Cơ quan chức năng đánh giá hình thức bán hàng mới này ẩn chứa rất nhiều rủi ro cho người tiêu dùng.
Theo ông Minh, khi mua hàng qua livestream, bên cạnh việc không thể xác định được rõ người bán và chất lượng hàng hóa ra sao thì người tiêu dùng còn phải đối mặt với nguy cơ lớn hơn đó là bị đánh cắp thông tin cá nhân.
"Qua trường hợp bắt kho hàng lậu ở Lào Cai, cơ quan chức năng phát hiện nhóm đối tượng đã lấy UID của người dùng trên mạng xã hội", ông Minh thông tin.
Ông nêu rõ khi người tiêu dùng chỉ cần bình luận ký tự "." vào video livestream thì ngay lập tức có phần mềm quét và lưu giữ toàn bộ UID. Với mã định danh này, kẻ xấu có thể lợi dụng xác định được cụ thể tên, tuổi, địa chỉ, email, số điện thoại...
Do đó, theo Phó chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường, người tiêu dùng đang đối diện với nguy cơ mất thông tin cá nhân mà không hề biết. Toàn bộ thông tin cá nhân đều có thể bị đánh cắp.
“Rủi ro, thiệt hại cho người tiêu dùng trong giao dịch mua bán dạng này là rất lớn. Ngay trong vụ việc ở tổng kho Lào Cai, toàn bộ sản phẩm bị tạm giữ tại đây đều là hàng lậu, hàng giả, gây thiệt hại rất lớn tới quyền lợi của người tiêu dùng”, ông Minh nhấn mạnh.
Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường khuyến cáo người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua hàng qua livestream trên mạng xã hội và các trang thương mại điện tử.
Cũng tại buổi họp báo, Phó chánh Văn phòng Tổng cục QLTT cho biết thực trạng hiện nay trên các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada..., có thể đưa sản phẩm trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam một cách dễ dàng và nhanh chóng.
"Điều này cũng gây ảnh hưởng lớn đến việc quản lý thị trường cũng như chống hành vi gian lận thương mại của cơ quan chức năng", ông Minh chia sẻ.
Để ngăn chặn tình trạng buôn lậu hàng giả, hàng nhái trên thương mại điện tử, ông Minh đề xuất bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung quy định pháp lý, các cơ quan chức năng cần phải rà soát trên địa bàn, các website thương mại điện tử, mô hình kinh doanh mới trên mạng xã hội…
Ngoài ra, thông tin thêm về vụ bắt giữ kho hàng lậu ở Lào Cai, vị này tiết lộ có 2 doanh nghiệp lớn về chuyển phát nhanh tham gia trực tiếp vào việc vận chuyển cho kho hàng lậu. Thậm chí người của đơn vị chuyển phát nhanh vào đóng gói, in hóa đơn tại xưởng. Cơ quan chức năng xác định doanh số bán hàng của kho hàng gần 650 tỷ đồng trong 2 năm (từ tháng 10/2018 đến tháng 7/2020).
Trong 2 công ty chuyển phát nhanh, một công ty của Việt Nam và một công ty có yếu tố đầu tư của nước ngoài vận chuyển hàng hóa.