Các nhà nghiên cứu từ Microsoft, Carnegie Mellon, và University of Pennsylvania theo đó đã phân tích 22.484 website nội dung “người lớn” bằng một công cụ gọi là webXray để xác định các công cụ theo dõi đang chuyển dữ liệu về bên thứ ba. Nghiên cứu kết luận rằng 93% các website đều làm rò rỉ thông tin người dùng đến một bên thứ ba.
Trên một số trang web được thực hiện quét nghiên cứu vào tháng 3 năm 2018, nhóm nghiên cứu tìm ra rằng Google và các công ty con của mình có công cụ theo dõi trên 74% website, trong khi đó con số này của Oracle và Facebook là 24% và 10%.
Cũng theo nghiên cứu này, ngay cả khi người dùng duyệt web theo chế độ ẩn danh thì cũng không có tác dụng bởi mặc dù các hành động của người dùng không được lưu trong lịch sử duyệt web của họ, dữ liệu vẫn được chuyển tới bên thứ ba.
Nhóm nghiên cứu cảnh báo rằng những phát hiện nó trên làm dấy lên nhiều lo ngại. “Thực tế rằng việc theo dõi hoạt động người dùng trên các website “người lớn” chẳng khác nào các website bán lẻ trực tuyến là một vấn đề lớn,” nhà nghiên cứu Elena Maris nói với The New York Times. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ rõ chỉ có khoảng 17% website “người lớn” có nội dung được mã hoá.
Các công cụ theo dõi thực tế có thể được đặt trên các website vì nhiều lý do khác nhau. Google Analytics, ví dụ, chuyển dữ liệu truy cập về website để có thể theo dõi được các thông số liên quan. Trong khi đó, Facebook mang đến cho các website khả năng nhúng nút Like hoặc chia sẻ của mình. Đổi lại, họ nhận được các dữ liệu về người dùng website.
Về nhà phần mình, Facebook và Google nói họ không sử dụng thông tin có được từ các website “người lớn” để xây dựng hình ảnh người dùng phục vụ cho mục đích marketing. Người phát ngôn Google nói:
“Chúng tôi không cho phép quảng cáo của mình xuất hiện trên các website nội dung “người lớn” và cấm quảng cáo cá nhân hoá và xây dựng hình ảnh quảng cáo dựa trên xu hướng tình dục của người dùng hoặc các hoạt động tương tự trực tuyến.”