Mới đây, Uỷ ban Kỹ thuật số, Văn hoá, Đa phương tiện và Thể thao của Quốc hội Anh đã công bố nhiều email và tài liệu nội bộ liên quan đến Facebook mà họ có được từ Six4Three. Đây là ứng dụng từng tìm kiếm hình ảnh bikini từng bị Facebook chặn kết nối.
Những email này tiết lộ nhiều điều bất ngờ về những gì diễn ra đằng sau mạng xã hội lớn nhất hành tinh.
1. Facebook có một danh sách “đối thủ chiến lược” để hạn chế truy cập
Mark Zuckerberg là người quản lý một danh sách các đối thủ “chiến lược” với mạng xã hội hội do anh quản lý và đưa ra quyết định xem liệu họ có thể truy xuất các dữ liệu người dùng quý giá hay không. Mark bên cạnh đó cũng là người thường xuyên rà lại danh sách này đồng thời anh (hoặc một nhân sự cao cấp khác của Facebook) sẽ thực hiện phê duyệt trong trường hợp một công ty trong danh sách “đối thủ chiến lược” này muốn có thêm truy cập đến dữ liệu người dùng mà họ muốn.
Trước khi những tài liệu nội bộ này được công bố, Facebook chia sẻ mạng xã hội này đang nới lỏng những hạn chế với các ứng dụng đối thủ. Đây rõ ràng là cách đón đầu việc thông tin nói trên được tiết lộ.
“Chúng tôi phát triển nền tảng lập trình viên nhiều năm trước để mở đường cho những sáng tạo trong dịch vụ và ứng dụng xã hội. Thời điểm đó, chúng tôi quyết định hạn chế các ứng dụng được phát triển dựa trên nền tảng của chúng tôi với những tính năng tương tự tính năng cốt lõi của Facebook. Kiểu hạn chế này khá thường thấy trong ngành công nghệ,” Facebook chia sẻ.
2. Mark Zuckerberg là người phê duyệt quyết định Facebook sẽ chặn dữ liệu của ứng dụng mạng xã hội Vine
Một trong những đối thủ của Facebook mà Mark Zuckerberg là người phê duyệt hạn chế truy xuất dữ liệu là Vine.
Trong một email ngày 24 tháng 1 năm 2013 (ngày Vine ra mắt trên iOS), Phó Chủ tịch Justin Osofsky đề xuất chặn truy xuất của ứng dụng này:
“Twitter ra mắt Vine hôm nay cho phép người dùng quay nhiều shot hình video ngắn và tạo thành một video kéo dài 6 giây. Ứng dụng của họ cho phép tìm bạn bè qua Facebook. Trừ khi có ai đó phản đổi, chúng tôi sẽ chặn truy cập này từ hôm nay.”
Mark Zuckerberg phản hồi: “Hãy làm nó luôn đi.”
3. Facebook cố gắng tìm cách lấy dữ liệu cuộc gọi của người dùng mà không cần xin phép
Năm 2015, Facebook tìm cách truy xuất dữ liệu cuộc gọi và tin nhắn của người dùng để sử dụng cho tính năng “People You May Know”.
Đây là phản ứng chính thức của Facebook:
“Tính năng này cho phép người dùng tuỳ chọn cấp quyền cho Facebook truy cập vào lịch sử cuộc gọi cũng như tin nhắn khi đăng nhập vào Facebook Lite hay Facebook Messenger trên điện thoại Android. Chúng tôi dùng thông tin này để đưa ra các gợi ý chính xác hơn cho người dùng khi gọi điện thoại hoặc xếp hạng các danh sách liên trong trong Facebook Lite hay Facebook Messenger.”
4. Một số ứng dụng được đưa ra khỏi danh sách đen
Năm 2015, Facebook thực hiện những thay đổi lớn trên nền tảng phát triển ứng dụng của mình và chọn một vài đối tác để đưa ra khỏi danh sách đen, bao gồm Airbnb, Netflix và Lyft. Điều này đồng nghĩa với việc họ có thể truy xuất nhiều dữ liệu hơn trên Facebook so với các lập trình viên thông thường khác.
5. Mark Zuckerberg thừa nhận những gì tốt cho thế giới chưa chắc chắc tốt cho Facebook
Trong một email, Mark Zuckerberg thừa nhận những gì Facebook quan tâm không phải khi nào cũng song hành với những mối quan tâm của người dùng và thế giới.
Khi thảo luận về việc các ứng dụng bên thứ ba có truy cập vào nền tảng của Facebook, Mark Zuckerberg đã nói đến cách đảm bảo rằng người dùng sẽ chia sẻ nội dung trên Facebook thay vì các nền tảng bên ngoài - ngay cả khi đó không phải là thứ người dùng muốn.
“Tuy nhiên, nó có thể tốt cho thế nhưng không phải cho chúng ta trừ khi người dùng chia sẻ lại với Facebook và nội dung này làm tăng giá trị của chúng ta,” Mark Zuckerberg chia sẻ.
6. Dữ liệu người dùng có giá 0,1 USD/ năm/ người dùng
Facebook khẳng định không bao giờ bán dữ liệu người dùng - thế nhưng một trong những tiết lộ gây sốc từ các tài liệu rò rỉ là ít nhất Mark Zuckerberg đã từng cân nhắc điều này.
Trong một email gửi đi vào tháng 10 năm 2012, Mark đã thảo luận về một mô hình kiếm tiền cho phép lập trình viên dùng công cụ đăng nhập của Facebook và đăng nội dung lên Facebook miễn phí như việc “đọc” dữ liệu thì sẽ tốn tiền.
“Đăng nhập vào Facebook thì luôn miễn phí. Đẩy nội dung trên Facebook cũng miễn phí. Đọc bất kì thứ gì, bao gồm bạn bè của họ, thì có thể sẽ mất phí. Có thể là ở mức 0,1 USD/ người dùng/ năm,” người đứng đầu Facebook nói thêm.
Lập trình viên có thể thanh toán khoản phí này trực tiếp với Facebook, Mark Zuckerberg đề xuất. Bên cạnh đó, họ cũng có thể thay thế việc trả phí bằng cách mua quảng cáo trên Facebook, chạy quảng cáo từ Facebook trong ứng dụng của họ, sử dụng hệ thống thanh toán của Facebook hoặc bán các vâth phẩm trong cửa hàng của mạng xã hội này.