Bộ Điện tử-CNTT Ấn Độ cho rằng các ứng dụng này đang chuyển dữ liệu nhạy cảm của người dân của quốc gia này sang máy chủ ở nước ngoài như Trung Quốc, nên quyết định ban hành lệnh cấm. Các cửa hàng ứng dụng hàng đầu bao gồm Google Play được yêu cầu chặn tải xuống các app này.
Một số ứng dụng trong số này thuộc quyền sở hữu của các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như Tencent, Alibaba với các cái tên nổi bật như: Garena Free Fire, Rise of Kingdoms: Lost Crusade, Beauty Camera, Viva Video Editor.
Một quan chức cấp cao của Ấn Độ chỉ ra rằng, nhiều ứng dụng của Tencent và Alibaba đã được đổi máy chủ để che giấu quyền sở hữu. Chúng hiển thị dữ liệu được lưu trữ ở các khu vực như Hồng Kông hoặc Singapore, nhưng cuối cùng sẽ được chuyển đến các máy chủ ở Trung Quốc.
“Ngay sau khi lệnh cấm được ban hành, chúng tôi đã thông báo cho các nhà phát triển bị ảnh hưởng và tạm thời chặn quyền truy cập vào các ứng dụng trên Play Store ở Ấn Độ”, Google cho biết. Trong khi đó, Tencent hay Alibaba hiện chưa đưa ra bình luận nào.
Trước đó vào năm 2020, Ấn Độ từng cấm tổng cộng khoảng 224 ứng dụng Trung Quốc, chia ra làm 3 đợt. Đợt 1 diễn ra vào tháng 6 gồm 59 ứng dụng phổ biến bị cấm như TikTok, Shareit, WeChat, Helo, Likee, UC News, Bigo Live, UC Browser, ES File. Explorer và Mi Community. Đợt 2 diễn ra vào tháng 9, gỡ xuống 118 ứng dụng. Đợt cuối cùng vào tháng 11 với 43 ứng dụng.
Theo App Annie, Ấn Độ là thị trường lớn nhất trên toàn cầu về lượt cài đặt ứng dụng. Năm ngoái, quốc gia Nam Á này đạt hơn 25 tỷ lượt tải xuống.